Những đại gia từ hè phố Lê Công Kiều

30/08/2014 05:50 GMT+7

Đường Lê Công Kiều ở trung tâm Q.1 (TP.HCM) khá nhỏ và ngắn, không chỉ là khu buôn bán đồ cổ nổi tiếng nhất Sài Gòn mà còn là nơi xuất thân của không ít thương nhân nổi tiếng.

Đường Lê Công Kiều ở trung tâm Q.1 (TP.HCM) khá nhỏ và ngắn, không chỉ là khu buôn bán đồ cổ nổi tiếng nhất Sài Gòn mà còn là nơi xuất thân của không ít thương nhân nổi tiếng.

Những đại gia từ hè phố Lê Công Kiều
Phố đồ cổ Lê Công Kiều - Ảnh: Bạch Dương

Tấm bạt 2 m2 trên vỉa hè

Từ tấm bạt 2 m2 trải trên vỉa hè đường Lê Công Kiều, ông Võ Thu, chủ cửa hàng Thu Sport, đã tạo dựng cho mình một cơ nghiệp bề thế kinh doanh thiết bị, dụng cụ thể thao.

Rời làng quê nghèo ở xã Bình Giang (Thăng Bình, Quảng Nam) sau lần bị bom giặc san phẳng, bốn mẹ con ông vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Thuê căn nhà nhỏ ở Q.4, ông Thu bắt đầu mưu sinh bằng việc mua đi bán lại những món đồ dùng lặt vặt tại chợ trời khu Nguyễn Công Trứ - Tôn Thất Đạm. Năm 1976, chợ trời này giải tỏa, ông Thu được nhà nước cấp cho 2 m2 vỉa hè trước cửa nhà số 5 Lê Công Kiều để làm chỗ kinh doanh. Sở dĩ ông được nhà nước “ưu ái” cấp cho vỉa hè mặt tiền vì ông là con nhà cách mạng, ba và anh trai là liệt sĩ. Sau này, mẹ ông là Bà mẹ VN anh hùng. Ông tiếp tục “sự nghiệp” buôn bán dao muỗng sành sứ ở cái “mặt tiền” 2 m2 đó ngày này qua ngày khác, tối lại về nhà trọ ở Q.4. Để có hàng bán, nhiều hôm ông đạp xe lên khu Tân Sơn Nhất, Biên Hòa rồi Tam Hiệp (Đồng Nai) lùng sục mua đồ cũ.

Bập bẹ đánh tennis

Có lần, ông thấy các chuyên gia dầu khí người nước ngoài ở Vũng Tàu vào đường Lê Công Kiều tìm mua vợt tennis cũ, nên ông Thu quyết định kinh doanh dụng cụ tennis. Quãng thời gian sau giải phóng, nhiều gia đình ở Sài Gòn vẫn còn giữ banh, vợt vì đây là môn thể thao từng rất thịnh hành. Thế là, ngày ngày ông đạp xe khắp nơi tìm mua vợt cũ, banh cũ và trở thành người đầu tiên bán đồ thể thao ở phố Lê Công Kiều.

Nhưng chỉ bán cho người nước ngoài là không đủ, ông xách vợt tìm sân chơi tennis để tìm thêm khách hàng. “Chẳng ai hoan nghênh tôi đi đánh tennis. Họ nói tôi bày đặt “trưởng giả tập làm sang”. Nhưng tôi mặc kệ họ cười chê, vì tôi đi đánh tennis là để phục vụ người tiêu dùng. Chỉ có “nằm trong lòng địch mới hiểu địch”, tôi vừa lượm banh, vừa quan sát người giỏi đánh, vừa bập bẹ đánh banh”, ông kể lại.

Quyết tâm theo đuổi con đường mình đặt ra, căn nhà số 5 Lê Công Kiều phía sau vỉa hè 2 m2 được ông thuê lại một phần để trưng bày đồ cho khách có không gian lựa chọn. Ông hướng dẫn em gái vào con đường kinh doanh bằng cách đánh bóng bàn để bán dụng cụ bóng bàn và nay lập ra Trang Sport. Còn em trai đi học đan vợt, sửa vợt bóng bàn, quần vợt, cầu lông. “Chúng tôi trở thành một gia đình kinh doanh thể thao, chơi thể thao và phục vụ cho thể thao”, ông Thu nói. Năm 1990, ông thành lập công ty.

Những đại gia từ hè phố Lê Công Kiều
Ông Võ Thu, chủ cửa hàng Thu Sport nổi tiếng - Ảnh: N.T.Tâm

Chiến thuật “vết dầu loang”

Đất nước mở cửa, tự do kinh doanh, ông Thu và em gái là một trong số những người đầu tiên ở Sài Gòn đi nước ngoài để thiết lập quan hệ làm ăn ở Singapore, Đài Loan, Mỹ... Công ty ông Thu liên kết với một doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu vợt, banh tennis về VN và cũng chính từ quan hệ này, hãng vợt Wilson nổi tiếng thế giới chấp nhận để ông độc quyền ở VN từ năm 1990 đến nay. Nhưng không phải mọi thứ đều suôn sẻ, mô hình công ty bài bản đặt ra bao thách thức. “Tôi lại không học về kinh doanh nên mọi thứ phải mày mò để đi lên từ tấm bạt lề đường. Nhiều lúc mệt mỏi muốn bỏ hết về quê làm ruộng, nhưng tự nhủ mình phải cố gắng vượt qua”, ông kể.

Công ty TNHH Vương Thể do ông và người quen hùn hạp thành lập (tiền thân của Thu Sport), nhưng chẳng bao lâu tất cả đối tác bỏ ông ra đi, rút phần hùn. Ông Thu phải mua lại phần hùn vì không muốn “đứa con” của mình chết sớm. Những năm từ 1990 đến 2000 là một giai đoạn khó khăn khác của ông. Nếu trước đó là những ngày đạp xe lùng mua đồ cũ, đối diện với những thiếu thốn vật chất, thì lúc này là khó khăn của tinh thần. Căng thẳng đối phó sự cạnh tranh của đối thủ với đủ chiêu trò, gia đình ông đổ vỡ. Ông ly hôn vợ, chia tài sản và gần như mất hết tất cả. Ông tính hết các khoản nợ lên đến 73 tỉ đồng. “Tôi nghĩ, sau cơn mưa trời lại sáng. Tôi còn thương hiệu của mình là Thu Sport. Đó chính là thứ mà không ai có thể lấy ra khỏi tay tôi được. Tôi làm lại từ chính uy tín của mình”, ông kể.

Nhiều người, ngân hàng từng làm ăn với ông tiếp tục cho ông vay tiền để kinh doanh và để có tiền trả nợ. Từ căn nhà ông mua đầu tiên ở đường Lê Anh Xuân (Q.1), sau đó với chiến thuật “vết dầu loang”, ông tiếp tục mua nhiều căn nhà gần bên để có một cơ ngơi nhà cửa lên tới mười mấy cái như hôm nay. Năm 2002, ông cưới vợ lần nữa và tự hào thành công của người đàn ông có bóng dáng của người đàn bà. “Nói tôi không còn nợ là không đúng, nhưng chỉ nợ ngân hàng, không nợ bạn bè. Quan điểm của tôi nợ là hỗ trợ cho kinh doanh. Có nợ là có uy tín. Có thương hiệu mới nợ được ngân hàng. Không có uy tín, không có thương hiệu thì không ai cho vay”, ông Thu nói.

Người đàn ông ở tuổi 64 trước mặt tôi khoe rằng đến năm 60 ông vẫn có thêm được một đứa con trai và mãn nguyện sau một quãng đời thăng trầm, có lúc trắng tay lại hoàn tay trắng.

Chia sẻ cơ hội kinh doanh

Thu Sport hiện đang làm đại lý độc quyền của nhiều thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chủ trương phát triển kinh doanh của ông Thu là thông qua hệ thống hơn 300 đại lý vì ông cho rằng “phải chia sẻ cơ hội kinh doanh với người khác”. Những năm 80 của thế kỷ trước, ông là một trong số những người thành lập Liên đoàn Quần vợt TP.HCM, liên đoàn quần vợt đầu tiên của VN.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.