Sát thủ khét tiếng giết 300 người

29/08/2014 09:00 GMT+7

Việc John Jairo Velasquez Vasquez, tức sát thủ Popeye, cánh tay phải của trùm ma túy khét tiếng Pablo Escobar được trả tự do gây không ít lo ngại tại Colombia.


Sát thủ Popeye trong nhà tù ở tỉnh Boyaca, Colombia năm 2009 - Ảnh: AFP

Ngồi tù vào năm 1991 với bản án 30 năm tù giam vì tội ám sát ứng viên tổng thống Luis Carlos Galan, John Jairo Velasquez Vasquez, 52 tuổi, đã được trả tự do trước hạn vào ngày 27.8, theo tờ Le Monde. Người có biệt danh là Popeye này đã đóng 9 triệu peso (hơn 98 triệu đồng) tiền bảo lãnh và còn phải trải qua 52 tháng, 22 ngày thử thách.

Vụ việc đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận tại Colombia vì nhiều người tin vào sự hối cải của Popeye, nhưng cũng không ít người cho rằng ông này chưa trả giá hết cho những tội ác từng gây ra trong quá khứ và vẫn còn có thể gây hại cho xã hội.

Bị máu mê hoặc

Theo hồi ký của Popeye, từ năm 1974, cậu thiếu niên Velasquez, 12 tuổi, ở ngôi làng miền núi Yarumal, phía bắc Colombia đã biết mình “khác người” như thế nào. Đó là một buổi chiều, sau giờ tan học, Velasquez cùng bạn bè đến tiệm kem quen thuộc thì vô tình chứng kiến một vụ thanh toán giữa 2 người đàn ông. Một trong hai người bị vết chém chí mạng ngay cổ, chết tại chỗ. Popeye kể lại: “Máu bắn ra khắp nơi. Mọi người xung quanh đều kinh sợ, họ la hét, bỏ chạy. Nhưng tôi thì không. Máu đã mê hoặc tôi”.

Sau vụ việc này, Velasquez lớn lên, từng thử qua nhiều nghề, thậm chí đã nhập ngũ và thử việc vài tháng ở một đơn vị của cảnh sát quốc gia, theo Le Monde; và đã dần trở thành sát thủ Popeye “một cách vô thức” kể từ lúc làm việc cho ông trùm Pablo Escobar của tổ chức tội phạm ma túy Medellin. Pablo Escobar là người mà Tổng thống Colombia Cesar Gaviria (nhiệm kỳ 1990 - 1994) từng mô tả là “cơn ác mộng tồi tệ nhất của Colombia”. Còn tổ chức Medellin là một trong những băng nhóm tội phạm ma túy nguy hiểm nhất thế giới trong hai thập niên 1980, 1990. Tổ chức này kiểm soát cả một hệ thống khép kín từ trồng cây coca (cocaine chiết xuất từ cây này) cho đến bán ma túy ở một số khu phố của New York (Mỹ). Nhờ Medellin, ông trùm Escobar từng là một người cực kỳ giàu có và đầy quyền lực ở Colombia cho đến khi bị cảnh sát tiêu diệt vào năm 1993.

Tâm hồn đã chết

Khi còn là thợ cơ khí, John Jairo Velasquez Vasquez tình cờ được người thân của ông trùm Escobar gọi đến nhà để sửa đồ. Sau khi hoàn thành công việc, nhờ bề ngoài rắn rỏi, lạnh lùng, y được giữ lại làm cận vệ và tài xế cho Elsy Sofia Muriel Escobar - vợ của ông trùm. Từ đó, Velasquez bắt đầu hiểu rõ hơn thế giới của Pablo Escobar, kết giao với hầu hết những nhân vật thân cận của ông này và từng bước trở thành Popeye. Chỉ trong vòng 2 năm, từ một thợ cơ khí bình thường, Popeye đã trở thành sát thủ máu lạnh được ông trùm tổ chức Medellin xem là cánh tay phải, giao thực hiện hàng loạt tội ác động trời.

Ngày 16.1.1988, Popeye tổ chức vụ bắt cóc ứng viên chức thị trưởng của thủ đô Bogota Andres Pastrana Arango để gây áp lực buộc chính phủ Colombia chấm dứt đe dọa trục xuất Pablo Escobar sang Mỹ. Một tuần sau, ông Arango được thả ra, sau đó đắc cử chức Thị trưởng Bogota và 10 năm sau đắc cử Tổng thống Colombia. Nhưng không phải ai cũng may mắn bình an vô sự như vị cựu tổng thống này. Popeye thừa nhận đã giết 300 người và đứng sau 3.000 vụ ám sát khác để “phục vụ” cho Medellin. Chẳng hạn, ứng viên tổng thống sáng giá Luis Carlos Galan bị sát thủ này ám sát trong chiến dịch tranh cử vào tháng 8.1989 vì nhiều lần công khai tuyên chiến với các tổ chức tội phạm ma túy Colombia.

Trong số tội ác mà Popeye từng gây ra, kinh hoàng nhất là vụ chỉ huy đánh bom chuyến bay số hiệu HK 1803 của hãng hàng không Avianca, bay từ thủ đô Bogota đến thành phố Cali (phía tây Colombia) vào ngày 27.11.1989. Máy bay phát nổ chỉ khoảng 5 phút sau khi cất cánh làm toàn bộ 107 người có mặt thiệt mạng. Ngoài ra, 3 nạn nhân ở mặt đất đã chết do bị mảnh vỡ của máy bay rơi trúng. Vụ đánh bom nói trên nhằm ám sát ứng viên tổng thống Cesar Gaviria. Ông này may mắn đổi ý định vào giờ chót nên không có mặt trên chuyến bay HK 1803. Không lâu sau, ngày 6.12.1989, Popeye lại tham gia đặt thuốc nổ tại tòa nhà của lực lượng an ninh tại thủ đô Bogota làm 52 người thiệt mạng. Thậm chí, để chứng tỏ lòng trung thành, Popeye đã giết người tình Wendy Chavarria Gil theo lệnh của Pablo Escobar. Cô này bị ông trùm nghi ngờ cung cấp thông tin cho cảnh sát để làm hại Medellin. Khi được hỏi làm sao một kẻ từng giết nhiều người như thế vẫn có thể kê cao gối ngủ yên mỗi đêm, Popeye đáp ngắn gọn: “Tâm hồn tôi đã chết”.

Sự trung thành của Popeye khiến hắn gặp không ít rắc rối khi bị giam cùng nhà tù với thành viên những băng nhóm tội phạm thù địch của Medellin. Popeye cho biết sắp tới có thể sống ở nước ngoài để tránh nguy cơ bị ám sát. Ngoài ra, Popeye cũng có ý định bán bản quyền cuốn hồi ký cho Hollywood để đảm bảo phần đời còn lại. Tuy trong thời gian bị giam giữ, Popeye đã tỏ ra hối cải qua nhiều lần hỗ trợ cảnh sát phá án nhưng việc hắn ra tù vẫn khiến không ít gia đình của những nạn nhân trước đây lo ngại. Báo La Semana trong số mới phát hành đã giật tít Đất nước sẵn sàng chưa? cho bài viết về cựu sát thủ.

Trả lời báo La Semana, Popeye cho biết các vụ ám sát được tổ chức Medellin “ra giá” rất cụ thể: 2 triệu peso/cảnh sát; 10 triệu peso/trung úy, 30 triệu peso/thị trưởng, 50 triệu peso/đại tá và 100 triệu peso/vị tướng.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Công thức tạo sát nhân hàng loạt
>> Venezuela cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ là 'kẻ sát nhân
>> Bí ẩn về 'kẻ sát nhân Halloween' tại Mỹ
>> Án tử cho tên sát nhân máu lạnh
>> Kẻ sát nhân là bạn học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.