Bùng phát dịch đau mắt đỏ tại Hải Phòng

28/08/2014 08:53 GMT+7

Bắt đầu từ giữa tháng 8, dịch đau mắt đỏ đã bùng phát khá nhanh ở Hải Phòng. Tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Dược - Hải Phòng, lượng người đến khám bệnh khá đông.

Bắt đầu từ giữa tháng 8, dịch đau mắt đỏ đã bùng phát khá nhanh ở Hải Phòng. Tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Dược - Hải Phòng, lượng người đến khám bệnh khá đông. 

Bùng phát dịch đau mắt đỏ tại Hải Phòng
Điều trị bệnh nhân đau mắt đỏ tại Bệnh viện Đại học Y Dược - Hải Phòng - Ảnh: Trần Trung 

Bác sĩ - thạc sĩ Nguyễn Văn Được, Trưởng khoa Mắt của Bệnh viện này cho biết, trong tháng 8, Khoa đã tiếp nhận trên 700 trường hợp đau mắt đỏ. Trung bình mỗi ngày, có 30-40 người tới khám bệnh do nghi đau mắt đỏ, ngày cao điểm tới hơn 50 người. Ở các cơ sở y tế khác của Hải Phòng như bệnh viện Việt Tiệp hay Bệnh viện Mắt Hải Phòng, số bệnh nhân đến khám và chữa bệnh đau mắt đỏ còn cao gấp 3 - 4 lần (khoảng 100 - 200 bệnh nhân/ngày). Có nhiều ngày, lượng bệnh nhân tăng đột biến về số lượng, chính vì thế các y bác sĩ của bệnh viện phải làm việc khá vất vả, phải tăng cường thêm các ca, kíp trực trong ngày.

Bên cạnh đó, do dịch bùng phát, trên địa bàn Hải Phòng đã “cháy hàng” với loại thuốc nhỏ mắt, phổ biến phòng bệnh như Natri Clorid hay Tobrex, Tobrin có chức năng chữa viêm kết mạc. Chủ một hiệu thuốc trên phố Trần Nguyên Hãn cho biết, mỗi ngày các cửa hàng đều bán gần trăm lọ thuốc phòng chống dịch đau mắt đỏ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều trường hợp 4, 5 người trong một gia đình đều bị bệnh, người lớn thì nghỉ việc, trẻ nhỏ thì nghỉ học, làm xáo trộn cuộc sống thường ngày. Còn với các cơ quan trên địa bàn TP, có đơn vị tỷ lệ người đau mắt đỏ chiếm đến 60%.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ là virus Adeno, có thể gây bệnh cho đường hô hấp và cho mắt. Do lây truyền qua đường hô hấp nên đau mắt đỏ rất dễ bùng phát thành dịch. Virus Adeno có trong nước mắt, nước bọt của người bệnh phát tán ra môi trường, hoặc lây sang người lành qua những việc dùng chung khăn mặt, gối, mắt kính; sử dụng chung nguồn nước nhiễm mầm bệnh như nước ao, hồ, bể bơi. Người bệnh cũng có thể phát tán mầm bệnh qua việc dụi mắt rồi bắt tay với người lành. Thậm chí, ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.

Triệu chứng ban đầu của bệnh thông thường là ho, sốt, mệt, nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ… 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại. Bệnh có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt kia. Đây là bệnh lành tính song vẫn có tỷ lệ biến chứng là 20%, nhiều nhất là viêm giác mạc hoặc để lại sẹo, giảm thị lực, do không điều trị đúng cách và kịp thời.

Trần Trung

>> Tăng cường phòng dịch đau mắt đỏ trong nhà trường
>> Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ
>> Bệnh đau mắt đỏ
>> TP.HCM: Dịch đau mắt đỏ đã giảm nhiều
>> Ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ lây lan 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.