Cần tăng số năm của bậc tiểu học

26/08/2014 19:55 GMT+7

Nếu xác định lại số năm học trong hệ thống giáo dục phổ thông, thay vì tăng số năm của THCS, ta nên nghiêm túc cân nhắc tăng số năm học của tiểu học từ 5 năm lên 6 năm.

Thêm một năm THCS? - Cần tăng số năm bậc tiểu học hơn
Thay vì tăng số năm THCS, có thể tăng ở bậc tiểu học thì hợp lý hơn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nếu xác định lại số năm học trong hệ thống giáo dục phổ thông, thay vì tăng số năm của THCS, ta nên nghiêm túc cân nhắc tăng số năm học của tiểu học từ 5 năm lên 6 năm.

Tờ trình của Bộ GD-ĐT về Đề án đổi mới chương trình sách giao khoa (SGK) phổ thông đề cập đến việc xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân vừa qua đã tạo nên sự tranh luận khá sôi nổi trong dư luận xã hội.

Theo tôi, vấn đề do Bộ GD-ĐT đặt ra là lôgic, vì muốn thiết kế chương trình SGK cần phải liệu trước xem cấu trúc hệ thống giáo dục nói chung, trong đó có hệ thống giáo dục phổ thông có thay đổi gì không trong thời gian tới. Nếu không, khi chương trình SGK đã xác định xong mới đề cập tới việc thay đổi hệ thống thì sẽ gây ra xáo trộn và tốn kém rất lớn.

Các nghiên cứu quốc tế tổng kết rằng, nội dung của các cuộc cải cách/đổi mới giáo dục luôn bao gồm: Cấu trúc hệ thống, chất lượng dạy và học, tài chính và quản lý

Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chắc chắn đòi hỏi phải tính đến các nội dung trên khi xây dựng các đề án đổi mới giáo dục lớn ở VN. Trong khi một số các nội dung đổi mới như chất lượng, quản lý được dễ chấp nhận, thì dường như nội dung đổi mới về cấu trúc hệ thống còn gây nhiều tranh luận ủng hộ hoặc phản đối do những băn khoăn về lý do cũng như đòi hỏi lớn về ngân sách.

Tuy nhiên cần nhận thấy rằng, cấu trúc năm học của hệ thống giáo dục phổ thông đã không đổi kéo dài gần 40 năm qua chắc cần có sự đánh giá lại, và thay đổi nếu cần thiết. Các cảnh báo khác về sự sự tốn kém hoặc xáo trộn là những thách thức khách quan mà ta đương nhiên phải đương đầu nếu ta thực sự muốn “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Nhưng thay đổi thế nào?

Học sinh tốt nghiệp THCS ở tuổi 15 hay tuổi 16?

Có thể sử dụng nhiều nguồn số liệu thống kê khác nhau. Trong bài biết này tôi sử dụng số liệu của Tổ chức lưu trữ internet Tổng quan quốc tế về Chương trình và Đánh giá (International Review of Curriculum and Assessment Frameworks Internet Archive, viết tắt là INCA).

Tổ chức này hằng năm có thống kê về các mặt giáo dục của 21 nước, cụ thể là: Úc, Canada, Anh, Pháp, Đức, Hungary, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, New Zealand, Bắc Ireland, Scotland, Singapore, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Mỹ và Wales.

Theo số liệu thống kê của INCA 2013, có thể thấy rằng hầu như không có xu thế áp đảo nào trong 2 lứa tuổi này.  Cụ thể là: 9/21 nước theo mô hình học sinh tốt nghiệp THCS ở lứa tuổi 15 (thậm chí còn thấp hơn), 7/21 nước có học sinh tốt nghiệp THCS ở lứa tuổi 16 hoặc lớn hơn, 5/21 nước còn lại có nhiều lứa tuổi tốt nghiệp THCS khác nhau. Ba nước châu Á có mặt trong sách này gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc có học sinh tốt nghiệp THCS ở lứa tuổi 15 thi ở Singapore là 16-17.

Như vậy, trên quốc tế, không có sự phân biệt rõ lắm về lứa tuổi 15 hoặc 16 đối với học sinh tốt nghiệp THCS. Điều cần bình luận ở đây là hầu hết 21 nước được khảo sát trên đều đã đạt được phổ cập giáo dục THPT, hơn nữa ở một số nước như Mỹ, Hàn Quốc… đang trong giai đoạn phổ cập giáo dục đại học (theo chuẩn của Martin Trow). Do vậy, về cơ bản, hầu như không có học sinh tốt nghiệp THCS ra trường tham gia vào thị trường lao động ngay, hay nói đúng hơn các em vẫn tiếp tục học hành trong một môi trường quen thuộc nên lứa tuổi 15 hặc 16 chắc không quan trọng lắm.

Ở VN, trong năm học 2010-2011 ta có khoảng 1.176.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có 199.843 em (khoảng 15,80%) không đi học tiếp và tham gia vào các dạng lao động sản xuất trong xã hội. Ở đây, tuổi 16 chắc sẽ phù hợp hơn nếu ta tính đến tỷ lệ đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS này. Tuổi 16 rõ ràng là trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn so với tuổi 15.

Giáo dục tiểu học là yếu tố quan trọng nhất đối với mức tăng trưởng kinh tế

Trong 21 nước khảo sát của INCA, có 2 nước có giáo dục tiểu học kéo dài 5 năm giống như ở VN hiện nay. Có 14 nước có giáo dục tiểu học kéo dài 6 năm hoặc hơn. Giáo dục tiểu học của 5 nước còn lại có thể thay đổi từ 5 đến 6 năm và trên 6 năm.Các thống kê rộng hơn cũng cho thấy giáo dục tiểu học của đại đa số các nước trên thế giới đều kéo dài 6 năm.

Kinh tế học giáo dục từ lâu đã chứng minh rằng giáo dục cũng mang lợi nhuận, và lợi nhuận cao nếu so với các loại đầu tư khác. Mặt khác, trong các cấp học, thì giáo dục tiểu học mang lại lợi nhuận cao nhất. Theo tính toán của nhà kinh tế học nổi tiếng Psacharopoulos (1994) thì tỷ suất lợi nhuận của đầu tư giáo dục ở châu Á đối với giáo dục tiểu học đạt tới 19,99%, trong khi đó đối với trung học là 13,30%, còn giáo dục đại học là 11,7%.

Gần đây, Ngân hàng thế giới đã tiến hành nghiên cứu 113 nước nhằm đánh giá mối liên hệ giữa mức tăng thu nhập bình quân đầu người thực tế, tỉ trọng của đầu tư trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thành tựu giáo dục, nghiên cứu này đã kết luận rằng giáo dục tiểu học là yếu tố quan trọng nhất đối với mức tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á phát triển nhanh. Đây cũng là sự phát hiện vô cùng bất ngờ khi mọi người đổ xô đi tìm nguyên nhân của hiện tượng phát triển “kỳ diệu” của khu vực Đông Á. Đó là: giáo dục tiểu học đóng vai trò quan trọng nhất đối với tăng trưởng.

GS. Nguyễn Lộc*

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác, hiện công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

>> Cấm dạy thêm ở bậc tiểu học
>> Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh bậc tiểu học: Cần chọn đúng giải pháp
>> Cấm dạy thêm đối với bậc tiểu học và học sinh học 2 buổi/ngày
>> Dạy tiếng Anh bậc tiểu học: Chấp nhận hạ chuẩn giáo viên
>> Dạy tiếng Anh bậc tiểu học không nên bó hẹp trong một bộ sách  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.