Phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông lan sang Macau

24/08/2014 14:50 GMT+7

(TNO) Người dân tại Macau (Trung Quốc) bắt đầu tham gia một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cải tổ bầu cử lãnh đạo tại đặc khu hành chính này, bất chấp Bắc Kinh phản đối kịch liệt.

(TNO) Người dân tại Macau (Trung Quốc) bắt đầu tham gia một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cải tổ bầu cử lãnh đạo tại đặc khu hành chính này, bất chấp Bắc Kinh phản đối kịch liệt.

>> Macau tiếp bước Hồng Kông đòi dân chủ


Du khách ngồi trước Di tích Thánh đường Thánh Paul tại Macau - Ảnh: AFP

Macau, nơi được mệnh danh là thiên đường cờ bạc, đã được Bồ Đào Nha trao trả lại cho Trung Quốc hồi năm 1999. Tương tự như Hồng Kông, đặc khu trưởng Macau được lựa chọn bởi một ủy ban bầu cử thân Bắc Kinh.

Cuộc trưng cầu dân ý về cách chọn lãnh đạo của người dân Macau sẽ diễn ra trong 1 tuần và kết thúc vào ngày 30.8, một ngày trước khi ủy ban thân Bắc Kinh công bố tên của vị lãnh đạo mới, AFP cho biết.

Các nhà hoạt động tạo ra cuộc bỏ phiếu thăm dò ý kiến nói trên nhằm mục đích tìm kiếm sự ủng hộ của người dân đối với thay đổi trong các bầu chọn đặc khu trưởng. Theo số liệu thống kê của AFP, dân số Macau hiện khoảng 550.000 người.

“Mục tiêu của chúng tôi là đấu tranh cho một hệ thống bầu cử dân chủ và giai đoạn đầu tiên sẽ là thông báo cho người dân về hệ thống bầu cử mới”, ông Jason Chao, một nhà tổ chức trưng cầu dân ý tại Macau, cho biết hồi tháng 7.

“Chúng tôi hi vọng cuộc trưng cầu dân ý sẽ có vai trò như nền tảng cho cuộc đấu tranh vì dân chủ của chúng tôi trong tương lai”, ông này nói với AFP trong cuộc phỏng vấn mới đây.

Vào khoảng 12 giờ trưa 24.8 (giờ địa phương), tức 11 giờ Việt Nam, đã có 750 người bỏ phiếu, theo thông báo trên trang web của nhóm tổ chức trưng cầu dân ý.

Người dân Macau tham gia trưng cầu dân ý sẽ được hỏi liệu có nên áp dụng hình thức phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng năm 2019 hay không và cử tri cảm thấy thế nào đối với ứng viên duy nhất trong cuộc bầu cử sắp tới là ông Thôi Thế Anh. Ông Thôi đảm nhiệm vị trí đặc khu trưởng Macau từ năm 2009 cho đến nay.

Người dân Macau có thể chọn một trong 2 phương pháp để tham gia trưng cầu dân ý: hoặc là bỏ phiếu trực tuyến hoặc đến bỏ phiếu trực tiếp tại một số điểm bỏ phiếu trong đặc khu.

Trung Quốc đã lên tiếng phản đối cuộc trưng cầu dân ý tại Macau, cho rằng người dân đặc khu này “không có quyền” tổ chức một cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến như vậy.

Trong khi đó, các nhà tổ chức hi vọng sẽ có khoảng 10.000 người tham dự sự kiện này. Được biết, tại Hồng Kông hồi tháng 6, cũng đã diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý tương tự, với sự tham gia của hơn 790.000 người trong vòng 10 ngày.

Bắc Kinh cũng đã lên án sự kiện này và gọi cuộc trưng cầu dân ý ở Hồng Kông là “trái pháp luật và không có hiệu lực”.

Chính quyền Trung Quốc từng hứa sẽ cho phép người dân Hồng Kông bỏ phiếu bầu đặc khu trưởng vào năm 2017, nhưng bác bỏ khả năng cho phép cử tri chọn ứng viên, theo AFP.

Hoàng Uy

>> Tranh cãi về cải cách bầu cử ở Hồng Kông
>> Cuộc đấu trên đường phố Hồng Kông
>> Hồng Kông vạch lộ trình cải cách dân chủ
>> Phép thử cho Trung Quốc ở Hồng Kông
>> Tai nạn tàu cánh ngầm ở Macau, trên 50 người bị thương
>> Cầm hàng chục tỉ đồng của người tình đi Macau đánh bạc
>> Kim Jong-nam “biến mất” khỏi Macau  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.