Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Phú Quang mới là người vi phạm hợp đồng

22/08/2014 21:30 GMT+7

(TNO) Sau khi nhạc sĩ Phú Quang thông báo ngừng ủy nhiệm cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và đưa ra các dẫn chứng cho rằng VCPMC hoạt động không minh bạch, ngay lập tức, VCPMC đã tổ chức buổi họp báo vào chiều nay 22.8.

(TNO) Sau khi nhạc sĩ Phú Quang thông báo ngừng ủy nhiệm cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và đưa ra các dẫn chứng cho rằng VCPMC hoạt động không minh bạch, ngay lập tức, VCPMC đã tổ chức buổi họp báo vào chiều nay 22.8.

>> Quyền tác giả trong giao lưu văn hóa
>> Tranh cãi quyền tác giả trong đêm nhạc Khánh Ly tại Đà Nẵng
>> Gian nan đòi quyền tác giả


Nhạc sĩ Phó Đức Phương tại buổi họp báo

“Nhạc sĩ Phú Quang nói không đúng”

VCPMC cho biết từ tháng 10.2011 đến tháng 10.2013, tiền tác quyền tại các chương trình biểu diễn được thu theo kiểu trọn gói. Chẳng hạn chương trình được tổ chức tại Nhà hát Lớn là 18 triệu đồng, chương trình được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và Trung tâm Hội nghị Quốc gia là 25 triệu đồng. Nhưng bắt đầu từ tháng 10.2013 biểu giá được thay đổi tính theo công thức: 5% x 75% số ghế x giá vé bình quân.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, lý giải: “Do việc thu tác quyền tại Hà Nội khó khăn nên lúc đầu chúng tôi thu theo kiểu khoán để thích ứng với tình hình, trong khi TP.HCM đã thu theo phần trăm doanh thu rồi. Không thể khác biệt giữa hai miền như thế nên chúng tôi quyết định thay đổi”.

Tiếp đó, VCPMC đưa ra hàng loạt các giấy tờ thu chi tiền tác quyền để chứng minh những điều nhạc sĩ Phú Quang nói trên báo chí là không đúng.

Đầu tiên là những bản kê tiền tác quyền của nhạc sĩ Phú Quang trong nhiều quý cùng với chữ ký của nhạc sĩ. Sau đó, VCPMC khẳng định thông tin mà nhạc sĩ cho biết trong liveshow Bằng Kiều, đơn vị tổ chức nói đã nộp cho VCPMC 4 triệu đồng/bài, nhưng họ chỉ thu được 700.000 đồng là thông tin không đúng. Bởi lẽ chương trình tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra vào ngày 28.10.2012 được tính theo mức khoán trọn gói là 25 triệu. Nhưng do ban tổ chức cho biết doanh thu được dành tặng cho Quỹ trái tim cho em Việt Nam nên VCPMC đã giảm 25% tức là chỉ còn 18.750.000 đồng. Số tiền này được chia cho 26 ca khúc, như vậy tính ra tiền bản quyền mỗi ca khúc chỉ thu hơn 700.000 đồng.

VCPMC tiếp tục đưa ra dẫn chứng về chương trình Nghìn trùng xa cách mà nhạc sĩ Phú Quang tổ chức. Theo VCPMC, thông tin giá tác quyền của chương trình là 80 triệu đồng cho 21 ca khúc là không chính xác. Bởi đó chỉ là thỏa thuận ban đầu. Sau đó, do đơn vị tổ chức đã tự thỏa thuận tác quyền với một số nhạc sĩ, VCPMC chỉ thu 20.484.000 đồng cho 8 ca khúc.

Nhạc sĩ Phú Quang nói một ca khúc được nhà đài trả 300.000 đồng trong suốt 3 năm cũng chưa đến với tay nhạc sĩ do chưa có phần mềm tính toán. Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định thông tin này là không đúng. “Chúng tôi đã tính được số bài phát nhưng chưa tính được tần suất. Tôi thừa nhận đây là sự thiếu chuyên nghiệp. Nhưng nhân đây, tôi xin được chia sẻ đài truyền hình đang hợp tác đầu tư cho chúng tôi phần mềm mới”, nhạc sĩ nói.

Về chuyện nhà thơ Thái Thăng Long, VCPMC cũng đưa ra bản thu cho nhà thơ từ tháng 8.2011.

"Phí dịch vụ của chúng tôi là hợp lý"

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, mức phí dịch vụ mà các tác giả gửi lại trung tâm thay đổi từ 5% đến 25% tùy theo loại hình.


Bản kê tiền tác quyền của nhạc sĩ Phú Quang có chữ ký 


Bản kê cụ thể tác quyền của nhạc sĩ  

Ông Phương cho biết mình cảm thấy "buồn cười" khi nghe nói NSND Trần Bình muốn thành lập trung tâm và thu 1% phí dịch vụ. “Ông ấy không hiểu biết”, nhạc sĩ nói. Bởi theo ông Phương, mức phí này đã được VCPMC tham khảo tại nhiều quốc gia. Thậm chí có những trung tâm trên thế giới trong những năm đầu mới thành lập được thu tới 30%.

“Tôi luôn nói với ông giám đốc Cisac khu vực châu Á-Thái Bình Dương (The International Confederation of Authors and Composers Societies) về việc giảm phí dịch vụ, nhưng ông ấy nói với tình hình thu bản quyền như vậy ở Việt Nam, mức như vậy  là hợp lý”, ông Phương cho biết.

“Ông Quang ngừng ủy quyền là vi phạm”

Theo VCPMC, quy định giấy ủy quyền của tác giả là bên A và trung tâm là bên B đã ghi rõ, bên A không được tạm dừng hợp đồng nếu bên B không vi phạm. Như vậy nhạc sĩ Phú Quang dừng như vậy là vi phạm. Rất nhiều tác giả hay đại diện tác giả dù đã ủy quyền cho VCPMC nhưng vẫn tự thỏa thuận tác quyền. Như vậy đều vi phạm quy định của VCPMC và làm “chúng tôi rối loạn”, nhưng “chúng tôi vẫn thông cảm”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết.

Khi được hỏi vì sao không kiện đơn vị tổ chức không trả tiền tác quyền ra tòa án dân sự, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói: “Đó là chuyện của chúng tôi. Chúng tôi phải cân nhắc có nên đưa ra tòa hay không vì mất thời gian, phí tổn cao. Nếu dăm bảy tỉ tôi sẽ kiện ngay. Nếu mà tiền tác quyền chỉ có 10 triệu mà kiện thì không bõ, có khi chỉ trả được mức án phí”.

Minh Ngọc
Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

>> Nhạc sĩ Phú Quang: “Nhạc của tôi đến với nhiều lứa tuổi khác nhau”
>> Vi phạm quyền tác giả trầm trọng ở nhiều lĩnh vực
>> Chi gần 22,9 tỉ đồng cho bản quyền tác giả âm nhạc
>> Quyền tác giả thời kỹ thuật số
>> Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: Tha hồ mặc cả!
>> Ra mắt Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.