Tự do kinh doanh cũng phải thực chất

21/08/2014 02:03 GMT+7

Ngày 20.8, tại cuộc tọa đàm “Quyền tự do kinh doanh” do Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp (DN) phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tổ chức, đại diện nhiều DN, hiệp hội DN cho rằng, quyền tự do kinh doanh của DN đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, nhưng vẫn còn có những hạn chế lớn, cần phải cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Pháp chế Công ty CP chứng khoán Bảo Việt, hiện nay, còn có tới 368 ngành nghề kinh doanh có điều kiện - trong đó có nhiều dạng quy định như giấy phép “con” gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của DN. “Do đó, cần phải có một bộ danh mục đầy đủ, không để quy định rải rác như ở các văn bản của các bộ ngành như hiện nay”, bà Vân nói. Cũng theo bà Vân, việc dự thảo luật DN mới mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo dự kiến bỏ ghi ngành nghề trong  thủ tục kinh doanh là điều rất tích cực.

Ông Đinh Việt Thanh (Tổng công ty May 10) cho rằng, hiện nay, thực tế các thành phần kinh tế vẫn chưa bình đẳng như Hiến pháp quy định. DN tư nhân vẫn bị gây khó khăn nhiều trong hoạt động kinh doanh và pháp luật cần có những bổ sung để chế tài, xử lý những cán bộ, công chức có những việc làm trái quy định, lỡ cơ hội kinh doanh của các DN. Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thừa nhận, trong quá trình làm luật, nhiều cơ quan soạn thảo (các bộ, ngành) cũng có lồng lợi ích ngành trong đó. Cho nên, để tránh “lợi ích nhóm” thì phải làm sao giảm thấp nhất các dạng văn bản hướng dẫn như thông tư, nghị định nếu không, vẫn có tình trạng các bộ muốn đẩy khó khăn cho người thực thi. “Trách nhiệm của Bộ Tư pháp là phải làm việc này (khi thẩm định các dự án luật). Hiện có không ít văn bản tác động lớn đến lợi ích của người dân. Theo tôi, ở đây, các tổ chức xã hội cũng cần phải có vai trò trong việc tham gia, phản biện xây dựng chính sách để đảm bảo công bằng lợi ích cho người dân, tổ chức”, ông Thảo nói.

Hà Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.