'Nhiều chính sách thuế của Việt Nam thay đổi chỉ sau một đêm'

21/08/2014 16:05 GMT+7

(TNO) Đó là phát biểu của ông Phan Văn Túc, một Việt kiều Nhật, tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp, kiều bào với chính quyền TP.HCM vào ngày 21.8.


Cần tạo chính sách thông thoáng để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh - Ảnh: Đình Quân

Ông Túc là đại diện cho một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng máy in có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản). Ông Túc cho hay dường như có những điều khoản thuế ở Việt Nam thay đổi chỉ sau một đêm gây bức xúc và mất niềm tin từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Câu chữ trong điều khoản thuế cũng lấp lửng, không rõ ràng, doanh nghiệp khai thế nào cũng được.

Thêm vào đó, theo ông Túc, có những quy định về nhập khẩu đang hạn chế những thiết bị chất lượng cao, mở đường cho hàng giá rẻ, chất lượng thấp từ Trung Quốc.

Chẳng hạn, theo quy định chỉ cho phép nhập khẩu các loại máy móc đã qua sử dụng không quá 5 năm. Thời hạn này là quá ngắn vì ở một số nước như Nhật Bản, khoảng thời gian 5 năm còn chưa hết thời gian khấu hao (thông thường là 10 năm).

“Do những loại máy móc này giá khá cao, lên tới hàng triệu USD nên nếu thời hạn sử dụng dưới 5 năm giá cũng ở mức nửa triệu đô, rất ít khách hàng tại Việt Nam có thể tiếp cận được. Lúc đó họ sẽ tìm đến nguồn máy mới giá rẻ, chất lượng thấp từ Trung Quốc. Thực tế nhiều đơn vị cung cấp của Trung Quốc lấy hàng cũ từ Nhật về tân trang thành hàng mới bán cho Việt Nam”, ông Túc nói.

Bà Nguyễn Bùi Bạch Hà từ Công ty TNHH sản xuất, thương mại Dung Phát nêu bức xúc về cách tính thuế. Bà Hà cho biết cùng một lô hàng công ty bà phải chịu thuế 10% trong khi công ty bạn bà chỉ phải chịu thuế 5%. Hay như cùng mặt hàng nhưng chi cục thuế này tính 5% trong khi chi cục thuế khác tính 10%.

“Chưa kể hải quan bảo có đường dây nóng nhưng khi gọi không ai trả lời. Có khi gọi bắt máy nhưng họ bảo không còn làm ở bộ phận ấy nữa dù tôi biết chắc vẫn còn làm. Những điều này khiến doanh nghiệp rất bức xúc”, bà Hà nói.

Giải đáp về bức xúc của bà Hà, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan TP.HCM), cho biết một mặt hàng chỉ có một mức thuế mà thôi, nếu mức tính này đúng thì chắc chắn mức tính kia sai.

“Trong chiều nay chị đưa hồ sơ lên gặp tôi để tìm hiểu thêm. Tôi sẽ yêu cầu chi cục hải quan khu vực 4 báo cáo tơi nơi tới chốn về vấn đề của công ty chị để coi ai đúng ai sai”, ông Toản nhấn mạnh.

Liên quan đến việc giám định chất lượng hàng để tính thuế, ông Toản cho biết nếu doanh nghiệp chưa hài lòng có thể đề nghị hải quan giám định lại. Trong trường hợp thấy hải quan làm sai, doanh nghiệp có thể khiếu nại hay khởi kiện.

Trung Hiếu

>> Doanh nghiệp nợ thuế hải quan hơn 3.000 tỉ đồng
>> Bộ Tài chính đối thoại với doanh nghiệp: Nhiều bức xúc về thuế, hải quan
>> Sẽ vận hành cổng thông tin hải quan một cửa quốc gia
>> Đối thoại trực tuyến về chính sách thuế
>> Chính sách thuế đi 'ngược' thế giới
>> Doanh nghiệp Hàn Quốc than phiền chính sách thuế
>> Trình Thủ tướng chính sách thuế dành cho báo chí
>> Chính sách thuế cần sự ổn định
>> Nên dùng chính sách thuế để phát triển nhà ở xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.