Đề kháng và hội nhập

21/08/2014 03:00 GMT+7

Nhìn những con sư tử đá “lạ” to vật vã ngự trị ở những nơi linh thiêng như đình chùa, miếu mạo của người Việt, người có am hiểu về văn hóa Việt cảm thấy rất đau lòng. Không thể coi thường cái sự “lạ” ấy; cũng đừng nói “lạ” mãi mà thành... quen!

Nhìn những con sư tử đá “lạ” to vật vã ngự trị ở những nơi linh thiêng như đình chùa, miếu mạo của người Việt, người có am hiểu về văn hóa Việt cảm thấy rất đau lòng. Không thể coi thường cái sự “lạ” ấy; cũng đừng nói “lạ” mãi mà thành... quen!

Những con sư tử đá, những con tì hưu đá ấy là những linh vật canh giữ quen thuộc với người Trung Hoa, nhưng không hề quen thuộc với người Việt. Bởi người Việt cũng có những linh vật riêng của mình, cũng có những vị hộ thần từ hộ quốc tới hộ gia của mình từ hàng nghìn năm nay.

Năm 1982, khi tôi viết trường ca Đêm trên cát trong đó ban đầu có câu thơ “Con lân đá người lính canh hóa đá”, khi tôi đọc cho một người bạn vong niên gốc Huế nghe, anh đã góp ý ngay: “Anh nên chữa lại là “Con nghê đá người lính canh hóa đá”, vì canh giữ trước Hoàng cung triều Nguyễn là những con nghê đá - một biểu tượng thuần Việt”. Tôi đã chữa ngay, và thật lòng biết ơn người bạn lớn tuổi đã dạy tôi một bài học về văn hóa Việt bản địa.

Lâu nay, chúng ta mỗi lần hô hào phải bảo vệ bản sắc văn hóa Việt, chúng ta đều hô hào rất... chung chung, rất nhiều lý thuyết mà rất ít cụ thể. Nói bảo vệ văn hóa Việt là phải bảo vệ cái gì, bảo vệ ra sao, nó có định hướng rõ ràng và rất cụ thể. Bởi vì đó là sự đề kháng văn hóa, nhằm chống lại những làn sóng xâm lăng văn hóa một cách cố ý hay ngỡ như vô tình. Nhưng thực tế không có cuộc xâm lăng nào là vô tình cả.

Thực ra, bây giờ nói toàn cầu hóa là nói cả sự hội nhập văn hóa ở tầm nhân loại. Nhưng nên nhớ, nếu VN không có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, nếu chúng ta lại dùng con sư tử Trung Hoa hay con sư tử châu u để “hội nhập toàn cầu” thì đó là cách tự hủy hoại nhanh nhất về văn hóa.

Phải tự nhận rằng, bao năm qua, do mải kiếm tiền và cung tiến rồi cầu cúng theo kiểu thực dụng, do không quan tâm tìm hiểu, nên rất nhiều người, trong đó có cả những tổ chức, đã cúng lên chùa hay những đền thờ linh thiêng nhiều con vật lạ, miễn là thấy đẹp, thấy to, thấy hoành tráng và kể cả thấy phổ biến trên phim ảnh nước ngoài. Có cầu thì có cung, có người đặt mua thì có cơ sở sản xuất, chuyện ấy cũng bình thường. Điều không bình thường chính là các cơ quan văn hóa, những cơ quan chức năng chưa có động thái ngăn cản hay khuyến cáo đừng làm.

Ngay những người trụ trì chùa hay quản thủ đình cũng không biết đâu là linh vật Việt, đâu là linh vật Tàu, cứ thấy to to đẹp đẹp đưa lên cúng là... vô tư nhận, thì nói gì những người cung hiến. Họ chỉ cốt được việc cho mình, “tính điểm tâm linh” cho mình, vậy thôi. Với họ, thì sư tử nào chả là sư tử!

Chính vì yêu cầu hội nhập mà chúng ta phải rà soát lại một cách cặn kẽ và toàn diện những gì thuộc về văn hóa Việt và những gì không phải văn hóa Việt. Nghĩa là phải có ý thức đề kháng trước khi có ý thức hội nhập về văn hóa. Đó cũng là những việc rất cụ thể và cần thiết để triển khai vào thực tiễn tinh thần của Nghị quyết T.Ư 9 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.