Tự tạo cơ hội - Kỳ 50: Rẽ trái để làm giàu

20/08/2014 03:20 GMT+7

Tốt nghiệp đại học ngành kế toán, cũng từng làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng Bùi Võ Tuân (31 tuổi, ở thôn Tân Phú, xã Suối Bạc, H.Sơn Hòa, Phú Yên) đã bỏ ngang, chuyển sang mở cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ.

Một bức tranh mỹ nghệ của cơ sở anh Tuân -  Ảnh: Đức Huy

Cơ sở của anh Tuân bây giờ khá khang trang, có nhà trưng bày sản phẩm và đang ăn nên làm ra. Đến nay, anh Tuân có thể khẳng định đã chọn đúng hướng đi cho mình dù cái duyên đưa anh đến nghề gỗ mỹ nghệ cũng khá tình cờ.

Cách đây 4 năm, anh Tuân vào làm việc cho Nhà máy đường KCP (H.Sơn Hòa). Tình cờ ở đây, anh gặp một người thợ mộc chuyên làm đồ gỗ mỹ nghệ và người này đã rủ anh thử kinh doanh nghề này. Thế là anh đồng ý mà chẳng suy nghĩ gì nhiều. Anh Tuân bộc bạch: “Lúc đó, tôi gom hết vốn được 20 triệu đồng và đầu tư hết vào đó với hy vọng sản phẩm gỗ mỹ nghệ tôi làm ra sẽ hút được người dùng”.

 

Địa chỉ liên hệ: Bùi Võ Tuân, thôn Tân Phú, xã Suối Bạc, H.Sơn Hòa (Phú Yên). Điện thoại: 0972301357.

Sau 4 năm đến với nghề gỗ mỹ nghệ, bây giờ anh đã có một gia sản cũng kha khá. Cơ sở của anh hiện có 4 - 5 lao động với mức thu nhập mỗi tháng từ 4 - 5 triệu đồng/người. “Trước đây, tôi ít vốn nên chủ yếu là làm gia công. Người ta đặt cái gì thì mình làm cái nấy. Chừng 2 năm lại đây, tôi đầu tư mua nguyên liệu về chế tác luôn. Sản phẩm của tôi tham gia triển lãm hội chợ nên khách hàng cũng quen rồi”, anh Tuân giới thiệu về sự thăng trầm của việc kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Anh Tuân còn tiết lộ trong đợt tỉnh Phú Yên tổ chức thiết kế quà lưu niệm, sản phẩm của cơ sở anh đoạt 2 giải khuyến khích. Hiện có 1 sản phẩm bình chọn là hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đã được tỉnh chọn tham gia cấp khu vực ở Quảng Nam.

Điều khá đặc biệt, mặc dù chọn gỗ mỹ nghệ để phát triển kinh doanh, nhưng anh lại chưa học qua nó ngày nào mà chỉ sưu tầm trên mạng, tập làm dần rồi quen. Anh Tuân chia sẻ: “Tôi đâu hiểu gì về mỹ thuật. Mẫu mã thì lên mạng tra cứu, nghiên cứu rồi tự chế ra mẫu để khách hàng lựa chọn. Làm riết rồi quen, bây giờ chế tạo mẫu thì chẳng khó với tôi nữa”. Hiện giờ, rất nhiều khách đến đặt hàng, có người đặt trên 20 sản phẩm cùng một lúc. “Họ nhìn thấy đẹp nên đặt cho mình làm. Mà hầu hết họ mua sản phẩm của tôi về để dùng, treo, trưng bày trong nhà”, anh Tuân nói.

Theo anh Tuân, H.Sơn Hòa đã liên hệ với anh, đặt vấn đề làm quà lưu niệm cho khách đến tham quan Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định. Ở đây sẽ có quầy trưng bày quà lưu niệm để khách có thể mua làm quà. “Tôi dự định mở một quầy lưu niệm tại TP.Tuy Hòa để giới thiệu sản phẩm của mình rộng rãi hơn. Và tôi cũng dự kiến sẽ đầu tư thêm máy móc để mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm”, anh Tuân thổ lộ. 

Đức Huy

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 47: 'Kỹ sư làng' chế hàng loạt máy
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 48: Nuôi cấy đông trùng hạ thảo
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 49: Làm giàu bằng nghề chiếu cói  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.