Ám ảnh cây đè

19/08/2014 05:35 GMT+7

Sự cố cây xanh gãy cành, tét nhánh và ngã đổ trên đường phố đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân TP.HCM mỗi khi bước ra khỏi nhà trong mùa mưa.

Sự cố cây xanh gãy cành, tét nhánh và ngã đổ trên đường phố đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân TP.HCM mỗi khi bước ra khỏi nhà trong mùa mưa.

 Ám ảnh cây đè 1
Cây lim xẹt bật gốc đè 4 ô tô tại ngã tư Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.Bến Nghé) vào chiều 28.5 - Ảnh: Công Nguyên

Cái chết của chị Nguyễn Thị Nhung (36 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) do bị cây lim xẹt bật gốc đè phải khi chị và gia đình đang đi trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Đa Kao, Q.1) vào chiều 17.8 khiến nhiều người thương cảm; đồng thời cũng lo lắng cho mình.

 

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ lãnh đạo Phòng Quản lý công viên và cây xanh thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, chiều 18.8, Phòng Quản lý công viên và cây xanh phối hợp với Công ty công viên cây xanh TP đã tiến hành khảo sát thực tế tình hình cây xanh trên địa bàn. Về trường hợp cây đổ gây chết người vào ngày 17.8, vị cán bộ này cho rằng, nguyên nhân vẫn chưa thể khẳng định chính xác, nhưng “ngã đổ cùng lúc 3 cây đang sinh trưởng tốt, chứng tỏ cơn lốc rất mạnh đã đi qua khu vực này”. 

Đ.Mười

Anh Vũ, người trực tiếp đỡ cây, đưa chị Nhung ra và đi cấp cứu, kể lại: “Lúc đó mưa kèm theo gió lớn, tôi đang đứng trong nhà thì cây lim xẹt bỗng nhiễn đổ nhào ra đường, đè lên 2 xe máy và 5 người. Chồng và 2 đứa con của chị Dung cùng 1 cô gái khác bị thương nhẹ. Riêng chị Dung bị đè nặng nhất. Ngay lập tức tôi và hơn 10 người nữa tới cố gắng nhấc cây đưa chị Dung ra. Do cây quá nặng, phải thêm nhiều người nữa mới đưa chị Dung ra ngoài được. Đến lúc đưa đi cấp cứu thì chị Dung không qua khỏi”.

Chứng kiến cảnh này, bà Thủy, một người dân sống gần đó lo lắng: “Sống ngay trung tâm Sài Gòn mà chứng kiến những cảnh này thì ai mà không đau lòng và lo lắng cho gia đình mình. Bây giờ mỗi khi trời mưa giông là sợ ra đường”.

Nhật ký... cây đè

Người dân sợ ra đường bởi đây không phải là trường hợp đầu tiên. Thời gian qua đã có nhiều vụ cây xanh đường phố gây tai nạn thương tâm.

Vào đêm 21.8.2012, bà Đỗ Thị Tuyết Hạnh (47 tuổi, quê Đồng Tháp) đi bộ trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh) bị nhánh cây rơi trúng đầu và tử vong sau đó.

 Ám ảnh cây đè 2
Hiện trường nhánh cây xanh gãy nhánh đè 2 người bị thương tại công viên 30.4 ngày 31.5 - Ảnh: Công Nguyên

Từ đầu năm 2014 đến nay đã có không ít cây xanh gãy nhánh làm người đi đường bị thương và đè lên nhiều xe ô tô, xe máy tại trung tâm TP.HCM. Như sự cố xảy ra vào ngày 5.4, cây xanh trên đường Lê Duẩn (Q.1) gãy nhánh rơi xuống làm 2 nữ sinh bị thương.

Vào chiều 31.5, một nhánh cây xanh đường kính khoảng 30 cm, dài hơn 10 m tại công viên 30.4 (P.Bến Nghé, Q.1) rơi xuống làm 2 người bị thương.

Trong hai ngày 28, 30.5, trên địa bàn P.Bến Nghé, Q.1 đã xảy ra 2 vụ cây xanh đổ làm hư hỏng 5 ô tô, 1 xe máy và 2 người bị thương.

Ngày 16.8 vừa qua, 1 ngày trước sự cố chết người trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, 1 nhánh cây xanh trước số nhà 105 đường Ngô Gia Tự (P.2, Q.10) cũng gãy rơi trúng 1 nữ sinh đang đứng đợi xe buýt.

 Ám ảnh cây đè 3
Nhân viên Công ty công viên cây xanh có mặt để giải quyết sự cố cây ngã đổ - Ảnh: Công Nguyên

Các sự cố do cây xanh gây ra tại TP.HCM trong những năm gần đây, phần nhiều xảy ra đối với cây lim xẹt (còn gọi là lim sét). Đây là loại cây họ đậu, thuộc nhóm cây gỗ lớn, cao 20 - 25 m, hoa màu vàng, cành lá xum xuê, được trồng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, phổ biến ở miền Đông Nam bộ. Tại TP.HCM, lim xẹt được trồng trên nhiều tuyến đường từ trước và sau năm 1975, trong đó có các đường ở khu vực trung tâm TP như Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm...

Làm gì để tránh hiểm họa?

Theo ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hội Công viên cây xanh VN, cây lim xẹt có bộ rễ đâm ngang như rễ cây bàng, không có rễ cọc ăn sâu nên dễ bị bật gốc khi có giông mạnh. Thời điểm cơn bão số 1 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào TP.HCM (tháng 4.2012), trong 683 cây bị ngã đổ có đến 208 cây lim xẹt.

Ông Kiểm cho rằng, với những cây nhanh ra cành lá như lim xẹt, me chua, sọ khỉ (còn gọi là xà cừ)... thì cần phải mé cành trước mùa mưa bão đến. Tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, cây lim xẹt thậm chí được cắt trụi cành gần như 100% trước khi mùa mưa đến, nhưng 1 năm sau đã ra cành mới tươi xanh. Cắt trụi như vậy có mặt tốt là sẽ đảm bảo an toàn cho người đi đường và cho cả cây xanh, nhưng cũng có mặt xấu là làm cho con đường thiếu bóng mát trong thời gian chờ cây ra lá trở lại. Vấn đề là để nếu như mé nhánh đến mức như thế, Công ty công viên cây xanh TP.HCM không thể nào đủ nhân lực để làm. Do vậy theo ông Kiểm, có thể mé nhánh khoảng 50% số cành lá trên cây là đủ an toàn, vừa để cho cây vẫn còn cành lá che mát đường phố, vừa có thể hạn chế tình trạng cây gãy cành, tét nhánh hay ngã đổ khi có mưa giông, gió lớn.

Theo ông Kiểm, với những cây có nguy cơ gãy đổ, nhất là cây đã già cỗi nhưng chưa thể đốn để thay thế ngay được thì phải có chế độ chăm sóc thật kỹ. "Theo tôi, những cây đã già, sâu bệnh thì cần nên đốn để thay thế. Tôi vừa chứng kiến một cây sao cao to đã được đốn trên đường Lê Quý Đôn bị mục hết gốc, dù lá vẫn còn xanh tốt", ông Kiểm cho biết.

 Ám ảnh cây đè 4
Cây lim xẹt gãy đổ gây chết người trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vào chiều 17.8 cho thấy bộ rễ của loại cây này rất cạn, không có rễ cọc - Ảnh: Phạm Hữu

Các chuyên gia cây xanh cho rằng việc đốn và cải tạo cây xanh trên đường phố nên thực hiện dần dần theo từng năm. Cây đốn đến đâu trồng lại đến đó và có thể trồng lại đúng loại cây đã trồng trên đường. Cây trồng trên đường phố không cần phải là những cây to lớn, chỉ nên vừa đủ để đảm bảo chức năng điều hòa nhiệt độ, tạo cảnh quan cho đô thị và điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người dân.

Những loại cây xanh phù hợp nhất đối với TP.HCM là me chua, bằng lăng, bò cạp nước (người dân quen gọi là cây Osaka vàng), long não và một số loại cây khác. Sao, dầu là 2 loại cây đặc trưng của TP.HCM, theo ông Kiểm, có thể trồng trên đường phố, nhưng chỉ nên để ở độ tuổi khoảng 100 năm trở lại.

Trách nhiệm bồi thường

Theo luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), về mặt pháp lý, cây xanh trồng trên đường phố thuộc quyền sở hữu của TP, do các khu quản lý giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT) quản lý và Công ty công viên cây xanh là đơn vị được giao chăm sóc dưới hình thức thuê bao. Việc xảy ra tai nạn do cây xanh đổ trong mùa mưa bão gây chết, bị thương, hư hại tài sản là những tai nạn đáng tiếc. Trách nhiệm bồi thường đã được quy định tại điều 626 bộ luật Dân sự năm 2005: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Vấn đề bồi thường do hai bên thương lượng, thỏa thuận, nếu không giải quyết được thì người dân có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Mai Vọng - Công Nguyên

 >> Cây xanh ngã, hai bé thơ bỗng dưng mồ côi mẹ
>> Cây xanh bật gốc, một người đi đường tử vong
>> Chờ xe buýt, nữ sinh bị cây xanh rớt trúng đầu bất tỉnh
>> Cây xanh trốc gốc vì gió lớn
>> Cây xanh bật gốc đè người đi đường
>> Vụ cây đổ đè 4 xe ô tô: Công ty cây xanh hỗ trợ một phần thiệt hại
>> Kẹt đường vì cây xanh tét nhánh
>> Cây xanh tét nhánh, 1 người gãy chân
>> Cây xanh bật gốc, ngã đè ô tô đậu bên đường 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.