Ấn tượng TN snap

17/08/2014 03:56 GMT+7

Dù chỉ mới vừa ra mắt từ cuối năm 2013 nhưng ứng dụng TNsnap “xem clip, hình ảnh 3D từ báo in” được phát triển từ công nghệ thực tế ảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, nhất là giới trẻ.

 TNsnap thu hút sự quan tâm của giới trẻ - Ảnh: Nguyễn Tập

Đặc biệt ấn tượng với tính năng TNsnap, cho phép xem video clip, hình ảnh 3D trên báo in Thanh Niên, từ vòng chung kết World Cup 2014, anh Mai Tiến Tính (địa chỉ 12/2A đường 904, P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) chia sẻ: “Thật khó tin, những điều này mình đã nghĩ rằng chỉ có trong phim”.

Anh Tính cho biết do công việc nên anh không có thời gian để thức đêm xem bóng đá. Nhờ có TNsnap, buổi sáng ngồi uống cà phê với bạn bè, anh lại sử dụng điện thoại để soi vào góc nhỏ trên tờ báo là sẽ nắm bắt hết các tình huống trong trận đấu và tỷ số.

Một lần tình cờ, gắn bó luôn...

 

Xem clip trên báo in từ... thế kỷ 18

Theo series truyện ăn khách Harry Potter của tác giả J.K.Rowling, clip đã được xem trên báo in từ... thế kỷ 18 với ấn phẩm phù thủy nổi tiếng của nước Anh, Nhật báo Tiên tri (Daily Prophet). Theo Harrypotter.wikia.com, Nhật báo Tiên tri xuất hiện trễ nhất vào năm 1743, có thể còn sớm hơn. Năm 1994, bọn “mafia” lợi dụng sự kiện thể thao lớn nhất thế giới được tổ chức ở Anh và lên kế hoạch khủng bố vào người hâm mộ đang tụ tập về đây.

Khỏi phải nói Nhật báo Tiên tri ngày hôm sau bán chạy như thế nào khi họ thu được toàn cảnh cuộc tấn công lên trang nhất.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, chính là đối tượng hào hứng sử dụng TNsnap nhất.

Đặng Văn Hoàn, sinh viên, Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, hồ hởi: “Khi đi xe buýt mở laptop ra đọc báo mạng, xem clip bất tiện lắm. Một lần tình cờ được anh bạn giới thiệu về TNsnap, mình gắn bó luôn với tờ Thanh Niên. Kể từ đó, mỗi lần đi xe buýt, mình chỉ cần mua theo tờ báo và sử dụng điện thoại xem clip”.

Ngồi gần đó, Đặng Thị Trang - em gái Hoàn - cũng cảm thấy tò mò về tính năng kỳ lạ này. Sau khi thích thú xem hết clip trên cột tin “Thế giới trẻ” đã tải ngay ứng dụng về. Theo Trang, Thanh Niên nên có thêm những clip hướng dẫn về phương pháp nấu ăn, nữ công gia chánh... thì TNsnap sẽ được nhiều người sử dụng hơn.

Còn bạn Phan Hoài Nhơn, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết đã nghe nói về TNsnap từ trước đó. Nhơn cho rằng, ứng dụng này rất thông minh; tuy nhiên, Thanh Niên nên hỗ trợ thêm việc tải ứng dụng cho hệ điều hành Windows Phone thay vì chỉ trên iOS và Android như hiện nay.

Sự ra đời của TNsnap

Sự ra đời của TNsnap gắn liền với việc điện thoại thông minh đang trong thời kỳ bùng nổ bên cạnh những ứng dụng kèm theo.

Tháng 10.2011, giữa lúc QR code đang rất được ưa chuộng, Spring River Chronicle, một tờ tuần san với chỉ 3.000 bản phát hành mỗi số, đã tiên phong trong việc dùng QR code mang đến trải nghiệm đọc báo kèm cả hình ảnh động và âm thanh, theo Editorandpublisher.com. Trên góc bài báo của Spring River Chronicle là một mã QR chứa đường dẫn đến video được lưu trữ trên YouTube. Bạn đọc dùng camera của smartphone để soi mã QR, và được dẫn đến đoạn video kèm theo.

Tuy nhiên, tính năng của QR code đối với báo in hoặc tạp chí chỉ dừng lại ở vai trò đường dẫn, trong khi đó, công nghệ AR (Augmented Reality - Thực tế ảo) lại cho phép các tờ báo mang bản tin nhiều tích hợp thú vị như xem hình 3D, cho phép tra cứu, tương tác...

Cũng trong năm 2011, Metro Herald (Ireland) là tờ báo đầu tiên thử nghiệm AR vào việc xem clip trên báo in bằng việc hợp tác với hãng công nghệ Blippar (Mỹ), theo Siliconrepublic.com. Theo đó, người đọc có thể dùng ứng dụng Blippar quét trang báo của Metro Herald để xem clip liên quan tin tức, kết quả khảo sát, thậm chí là đáp án ô chữ trên báo. Tuy nhiên, thời điểm đó Metro Herald không có ứng dụng của riêng mình mà phải dựa vào Blippar, clip của Metro Herald phải xem qua Blippar, ứng dụng chuyên nhận diện công nghệ thực tế ảo trên sách báo, biển quảng cáo, sản phẩm...

Tháng 2.2013, nhật báo Tokyo Shimbun (Nhật Bản) hợp tác cùng hãng quảng cáo Dentsu cho ra mắt ứng dụng AR News, sử dụng công nghệ AR. AR News được thiết kế hướng đến trẻ em, các bé có thể dùng thứ đồ chơi yêu thích của mình là tablet hoặc smartphone, soi lên bản tin trên báo in, màn hình thiết bị sẽ trả về phiên bản dành riêng cho trẻ em của chính bản tin đó. Bản tin mới này viết bằng thứ tiếng Nhật dễ đọc hơn, được minh họa thêm hình vẽ, kèm đó là các bình giảng, chú thích hoặc tóm tắt...

Tháng 4.2013, nhật báo tiếng Anh tại Philippines là The Philippines Star ra mắt ứng dụng cùng tên cho phép xem hình ảnh, tin tức và các đoạn trailer phim bằng cách quét từ trang báo in.

Cuối năm 2013, Báo Thanh Niên trở thành tờ báo đầu tiên tại VN cho phép người đọc có thể xem clip và hình ảnh 3D trên báo in. Theo đó, người dùng chỉ cần tải ứng dụng đọc báo Thanh Niên trên điện thoại thông minh và máy tính bảng (Thanh Niên Mobile) và soi vào những tin bài có gắn logo TNsnap là sẽ có thể xem ngay clip và hình ảnh 3D.

       Đặng Sinh

>> Hấp dẫn TNsnap 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.