Hàng giả đầy đường

15/08/2014 03:00 GMT+7

Vừa là địa bàn sản xuất, tiêu thụ, vừa là nơi trung chuyển hàng lậu, nhưng các lực lượng chức năng Hà Nội “đánh” buôn lậu lại chưa đạt hiệu quả cao.

Vừa là địa bàn sản xuất, tiêu thụ, vừa là nơi trung chuyển hàng lậu, nhưng các lực lượng chức năng Hà Nội “đánh” buôn lậu lại chưa đạt hiệu quả cao.

Hàng giả đầy đường
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP.Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và an toàn giao thông - Ảnh: TTXVN

Đây là thực trạng được chỉ ra tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với TP.Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và an toàn giao thông sáng qua 14.8.

Ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, nhìn nhận địa bàn này vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi trung chuyển hàng lậu, hàng giả, chủ yếu từ tuyến Quảng Ninh qua Hà Nội đưa vào miền Nam, và từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai về Hà Nội. Ngoài ra, cũng có hiện tượng vận chuyển hoa quả Thái Lan từ tuyến miền Trung qua Hà Nội. Công an Hà Nội đã tập trung kế hoạch chống hàng lậu, gian lận thương mại tại các chợ trung tâm như chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp. Thực tế cho thấy, tuy hàng lậu từ Trung Quốc tại các chợ nửa đầu năm giảm so với cùng kỳ 2013, nhưng từ tháng 5 trở lại đây, Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng tiểu ngạch nhưng lại “bật đèn xanh” để doanh nghiệp (DN) nước này trốn thuế.

 

Ra bất kỳ đường phố nào của Hà Nội cũng thấy đầy hàng giả, hàng nhái. Hệ thống chính trị dưới phường xã chắc biết, nhưng tổ chức thế nào mà phát hiện, xử lý còn hạn chế như vậy?

Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an

Từ Hà Nội gọi điện thẳng sang Trung Quốc đặt hàng

Ông Chung cũng cho hay, thủ đoạn chính buôn lậu hàng từ Trung Quốc là hình thành các nhóm, các hộ tiêu thụ ở chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp gọi điện thẳng sang Trung Quốc đặt hàng. Đường dây vận chuyển chia làm 4 công đoạn: nội địa - Trung Quốc - biên giới - hợp pháp hóa thông qua một số công ty “ma” tại các tỉnh biên giới. Hàng từ đó được vận chuyển về Hà Nội và phía nam theo đường sắt hoặc đường chuyển phát nhanh. Ông Chung nhận định, từ nay đến cuối năm tình hình buôn lậu và gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, nhất là nhóm hàng mũ bảo hiểm, thực phẩm chức năng (TPCN). Mới đây, Công an Hà Nội cũng đã phối hợp C46 - Bộ Công an bắt 60 tấn thuốc bắc từ Trung Quốc, đặc biệt bắt được gần 1 tấn pháo lậu.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan, Hà Nội cần tập trung vào các chuyên đề chuyên sâu, trong đó xác định việc thẩm lậu ngay tại các cửa khẩu, sân bay Nội Bài, ga đường sắt Yên Viên. Hà Nội đang là nơi trung chuyển tiêu thụ thuốc lá ngoại nhập lậu qua đường biển, cửa hàng miễn thuế, đã xuất hiện thuốc lá giả Vinataba do Trung Quốc sản xuất.

Ông Cẩn cho biết, tới đây hải quan sẽ đấu tranh tập trung vào thực phẩm, trong đó có TPCN giả mạo. Thống kê 1 năm có gần 2.000 DN đăng ký nhập khẩu TPCN trị giá hơn 300 triệu USD/năm, nhưng kiểm tra, đánh giá hàm lượng so với tiêu chuẩn các nước G7 chỉ đạt 30%, thậm chí hàng giả mạo in nhãn mác ở Trung Quốc, sản xuất ở VN. Hàng Trung Quốc cũng lợi dụng tạm nhập tái xuất để quay vòng trở lại (hải quan vừa bắt giữ ở Cao Bằng 7 container máy chiếu mới 100% nhưng khám không có máy chiếu, chỉ có máy tính đã qua sử dụng). Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đề nghị nếu bắt giữ hàng lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc thì cần điều tra sâu xem việc thẩm lậu theo đường nào, để có biện pháp chấn chỉnh và kỷ luật cán bộ móc ngoặc, tiếp tay cho hoạt động này.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng lưu ý lại lực lượng hải quan và ngành thuế Hà Nội. “Ngành thuế phải xem lại, một hộ kinh doanh ở chợ Ninh Hiệp nhà có 4 - 5 xe tải với 20 lái xe, vậy 1 tháng thu nhập 2 - 3 triệu có đúng không? Hải quan Hà Nội cần thấy hết trách nhiệm của mình, tiên phong chống hàng lậu, hàng giả, nhất là tại sân bay Nội Bài, mỗi ngày có 5 chuyến bay hàng hóa khoảng 200 tấn, nguy cơ buôn lậu rất cao”.

Chỉ bắt được 1% thuốc lá lậu

Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an, cho rằng chế tài xử phạt chưa nghiêm. Theo thống kê, số vụ vi phạm bị khởi tố chưa đầy 10%, hơn 90% còn lại chỉ xử phạt hành chính, dẫn đến các đối tượng buôn lậu nhờn luật.

Năm 2013, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm phối hợp với Công an Hà Nội kiểm tra 3 cửa hàng bày bán máy sinh hóa, đã phát hiện 46 máy cũ nhưng được “mông má” từ Pháp đem về VN, tiêu thụ với giá trị chênh lệch hàng tỉ đồng. “Một công ty bán thiết bị y tế cũ, sai phạm 7 năm liền mới bị phát hiện, người dân xung quanh chắc chắn biết, nhưng chính quyền phường xã không biết thì phải xem lại trách nhiệm”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, hoạt động của cơ quan chức năng cấp thành phố tốt, nhưng cấp quận huyện, phường xã rất hạn chế, hình thức. “Ra bất kỳ đường phố nào của Hà Nội cũng thấy đầy hàng giả, hàng nhái. Hệ thống chính trị dưới phường xã chắc biết, nhưng tổ chức thế nào mà phát hiện, xử lý còn hạn chế như vậy?”, ông Lực nêu vấn đề. Đại diện Bộ Công an cũng cho rằng, Hà Nội cần phối hợp chặt hơn nữa với các tỉnh mới “đánh lớn” buôn lậu được.

Cùng cách nhìn này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, đề nghị Hà Nội cần tập trung đánh vào đầu ra, vì hàng giả, hàng lậu tràn ngập các đường phố, các chợ. “Mỗi năm có gần 700 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu, nhưng chỉ bắt được 7 triệu bao, bằng 1%, thất thu thuế hơn 6.000 tỉ đồng, trong khi thuốc lá lậu bán đầy đường, lực lượng chức năng cấp quận, phường hoàn toàn có thể tịch thu, xử phạt. Cần phải quy trách nhiệm đến từng quận, phường”, ông Hải nói.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra có tình trạng vì lợi ích cục bộ để làm ngơ cho buôn lậu, một bộ phận nhỏ cán bộ tha hóa, tiếp tay buôn lậu. “Dân biết hết, cảnh sát khu vực biết và quản lý thị trường càng biết nên phải dựa vào dân. Thành phố cần chỉ đạo điều tra cơ bản, tập trung lực lượng đánh mạnh vào các đường dây ổ nhóm buôn lậu”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu Hà Nội phân công rõ trách nhiệm từng lực lượng tham gia, không để tình trạng cán bộ bao che, dung túng cho buôn lậu. Nơi nào để hoạt động buôn lậu công khai sẽ xử lý người đứng đầu địa bàn quận, huyện.

Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, 7 tháng đầu năm, lực lượng liên ngành thành phố đã kiểm tra 19.960 vụ, trong đó đã xử lý 9.414 vụ, chuyển cơ quan điều tra khởi tố hình sự 31 vụ đối với 34 bị can. Đã có sự câu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trên biên giới và trong nội địa, sử dụng chứng từ quay vòng để vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu cũng như gian lận trong kê khai nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt là sự gia tăng của hàng chất lượng thấp từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ, tên thương mại, nhãn hiệu các sản phẩm của VN như: đồ vệ sinh, khóa, bóng đèn, xăm lốp...

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.