Nói thật - Làm thật

15/08/2014 03:00 GMT+7

15 giờ chiều nay 15.8, Thanh Niên tổ chức giao lưu trực tuyến tại www.thanhnien.com.vn xung quanh chủ đề: Nói thật - Làm thật giữa độc giả với 5 cá nhân xuất sắc là đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 3 năm 2014. Thanh Niên xin giới thiệu chân dung 5 gương mặt trên.

15 giờ chiều nay 15.8, Thanh Niên tổ chức giao lưu trực tuyến tại www.thanhnien.com.vn xung quanh chủ đề: Nói thật - Làm thật giữa độc giả với 5 cá nhân xuất sắc là đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 3 năm 2014. Thanh Niên xin giới thiệu chân dung 5 gương mặt trên.

 

Nói thật - Làm thật 1
Hoàng Anh Tuấn

Cảnh sát giao thông có duyên đánh án ma túy

Thượng úy Hoàng Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang có duyên khám phá nhiều vụ án ma túy. Từ năm 2012 đến nay, Tuấn trực tiếp tham gia bắt giữ 6 vụ vận chuyển ma túy, bắt giữ 13 đối tượng, thu giữ 134 bánh heroin.

Bằng sự mưu trí và nhạy cảm, Tuấn góp công lớn trong khám phá nhiều vụ án vận chuyển ma túy trong những lần đi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông.

Điểm lại nhiều vụ đánh án, Tuấn đúc kết, tội phạm ma túy rất manh động, mỗi sai lầm nhỏ nhất có thể trả giá bằng tính mạng của bản thân, đồng đội. Trước mỗi chuyến tuần tra đêm, Tuấn trực tiếp lên phương án chuẩn bị mọi việc, không để tội phạm có cơ hội ra tay tấn công.

Phương châm này được áp dụng triệt để trong vụ bắt giữ Sùng A Sanh, trú tại xã Pà Cò, H.Mai Châu, Hòa Bình lúc 0 giờ 50 ngày 15.5.2012. Nhận thấy Sanh đến từ điểm nóng ma túy, lái xe rất nhanh trong đêm. Khám xe có ma túy, Sùng A Sanh bắt đầu vùng vẫy chống cự, Tuấn lao vào quật ngã đối tượng để khống chế. Khi khám xe, ngoài 16 bánh heroin, phát hiện Sanh thủ sẵn 1 khẩu súng quân dụng với 8 viên đạn trong cốp gần ghế lái.

Nói thật - Làm thật 2
Lại Văn Điệp (đứng) 

Thợ mộc tỉ phú trên đôi chân tật nguyền

Lại Văn Điệp bị bại liệt hai chân, 8 tuổi chập chững bước đi đầu đời trên nạng gỗ. Chàng trai này viết lên câu chuyện đẹp về nghị lực người khuyết tật khi làm chủ doanh nghiệp có doanh thu tiền tỉ và dạy nghề, tạo việc làm cho những người đồng cảnh.

Chặng đường học nghề cũng gập ghềnh không kém lúc tập đi. Suốt tháng đầu tiên, Điệp chỉ tập luyện cho đôi tay có thể cầm, nắm và làm quen dụng cụ chạm khắc. Mỗi công đoạn trong nghề, Điệp dành thời gian học dài hơn người bình thường. Nhưng cũng khoảng một năm sau, Điệp có khoản thu nhập đầu tiên với 300.000 đồng mỗi tháng. Khi đã thuộc kỹ năng cơ bản, chàng trai khuyết tật mong muốn tiến xa hơn, tiếp tục lặn lội qua khắp các làng nghề truyền thống ở Nam Định, Hải Phòng xin học từ các nghệ nhân. Chẳng ai nỡ từ chối trước nghị lực vươn lên đáng quý này, Điệp ngày càng trưởng thành trong nghề với sự hướng dẫn từ những người thầy, đồng nghiệp cho đến ngày mở công ty làm ăn riêng.

Hiện tại, công ty do Điệp gây dựng làm quản lý đang tạo việc làm, dạy nghề cho 30 lao động, với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Dự kiến năm nay, công ty của Điệp sẽ cán đích mức doanh thu khoảng 4,5 tỉ đồng.

Nói thật - Làm thật 3
Đỗ Quốc Quảng

Tình nguyện gác giữ biển Hoàng Sa

Đỗ Quốc Quảng (thôn Định Tân, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) tình nguyện ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản, góp thêm tiếng nói đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa. Chuyến đi biển kéo dài 28 ngày đối mặt với tình huống căng thẳng, hiểm nguy rình rập mãi là ký ức không thể nào quên.

Tình huống nguy hiểm nhất bất ngờ xảy ra 3 giờ chiều ngày 7.6, nhóm tàu cá Quảng Ngãi di chuyển về gần nhau, tranh thủ nghỉ ngơi. Chưa kịp ổn định thì cả trăm tàu Trung Quốc đã quây vòng tròn quanh nhóm tàu cá nhỏ bé của các ngư dân VN. Từ các ngả, tàu Trung Quốc lao thẳng về phía tàu cá. Rất may, tàu cá VN vẫn kịp thời di chuyển vòng tránh, có sự tiếp viện của lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển nên thiệt hại không đáng kể.

Đỗ Quốc Quảng mộc mạc chia sẻ, mong muốn lớn nhất là sớm tiết kiệm đủ vốn đóng tàu riêng để ra Hoàng Sa làm ăn. Ngư trường Hoàng Sa là nơi lao động sản xuất, nuôi sống bao thế hệ ngư dân, trong đó có ông cha dòng họ. Chờ mùa bão qua rồi, ngư dân sẽ trở lại Hoàng Sa, bám biển, giữ biển để làm ăn, để canh gác bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như cha ông trước đây đã làm, đã giữ biển, giữ ngư trường cho bây giờ có nơi khai thác. “Dù mỗi chuyến đi biển sẽ có hiểm nguy cũng không khiến ngư dân chúng tôi nao núng hay sự hãi”, Quảng nói với giọng hào sảng, chắc nịch.

Nói thật - Làm thật 4
Mai Văn Phương (giữa) 

Tỉ phú sáng tạo

Là kỹ sư trưởng vận hành nguồn nổ đầu tiên của người Việt làm việc trên tàu Bình Minh 02 (Tập đoàn dầu khí quốc gia VN), Mai Văn Phương (32 tuổi) đã có nhiều sáng kiến góp phần vào công việc thăm dò dầu khí giữa biển khơi.

Từ khi làm việc trên con tàu Bình Minh 02, Phương đã có nhiều sáng kiến và được anh em trên tàu phong cho biệt danh "Tỉ phú sáng tạo". Trong số những sáng kiến phải kể đến “Giải pháp chống bỏ line do hỏng solenoid và pigtail ở súng có volume lớn”, “Giải pháp đồng bộ tránh hư hỏng và tăng tuổi thọ làm việc của Umbilicals”. Cả hai sáng kiến kể trên cho thấy hiệu quả một cách ấn tượng, thuyết phục từ khi đưa vào áp dụng thực tế.

“Nếu tính về giá trị kinh tế thì với hai giải pháp này đã làm lợi cho công ty ít nhất 20 tỉ đồng/năm. Ngoài kết quả mang lại về mặt tài chính, giải pháp còn góp phần làm giảm rủi ro, giảm tai nạn lao động, nâng cao mức độ an toàn trong quá trình làm việc của người vận hành, mà những giá trị này thì rất khó tính ra bằng tiền được”, Phương lý giải.

Công việc thăm dò, khảo sát địa chấn trên tàu Bình Minh 02 rất áp lực, đòi hỏi người vận hành phải tập trung cao độ, có trách nhiệm cao trong công việc, dù đó là những việc nhỏ nhất.

Phương nói: “Công việc trên biển rất vất vả và hầu như không có thời gian để nghĩ ngợi nhiều thứ. Mình thường bắt đầu công việc từ lúc 7 giờ sáng và nghỉ ngơi sau 12 giờ đêm”.

Nói thật - Làm thật 5
Nguyễn Dương Kim Hảo - Ảnh: nhân vật cung cấp   

Cậu bé với nhiều giải thưởng

Mặc dù mới học lớp 7 nhưng Nguyễn Dương Kim Hảo (học sinh lớp 7/8 của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM đã giành nhiều giải thưởng sáng tạo trẻ có uy tín trong và ngoài nước.

Hảo đã có hàng chục sáng tạo ứng dụng thành công trong thực tế. Sản phẩm mang lại thành công vang dội của Hảo đó là mô hình “Bảng điều khiển thông minh”. Thiết bị giúp người dùng có thể tắt điện từ xa thông qua một chiếc remote hoặc điện thoại di động được lập trình sẵn phần mềm này.

Với tính thiết thực, tiết kiệm điện và tiện ích trong đời sống hằng ngày, mô hình “Bảng điều khiển thông minh” đã mang về cho Hảo 7 giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong đó phải kể đến giải nhất Hội thi tin học trẻ toàn quốc năm 2012; giải nhất Hội thi sáng tạo trẻ và Hội thi tin học trẻ năm 2013; huy chương vàng Sáng tạo trẻ quốc tế IEYI tại Malaysia năm 2013; huy chương vàng của Viện Sáng tạo trẻ Indonesia; giải thưởng đặc biệt của Viện Sáng tạo hàn lâm Hàn Quốc, bằng khen của T.Ư Đoàn trao tặng... Tại Hội thi tin học trẻ toàn quốc năm 2014 vừa diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 - 11.8, Hảo cũng vinh dự đoạt giải nhất. 

Phan Hậu - Lê Thanh

>> Giao lưu trực tuyến ‘Nói thật - Làm thật’
>> Ông Nguyễn Bá Thanh: "Chúng ta phải nói thật làm thật! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.