Cuốn sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò là vô giá trị

14/08/2014 18:34 GMT+7

(TNO) Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, không thể thay thế được thực tế nêu trên.

(TNO) Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, không thể thay thế được thực tế nêu trên.

>> Trung Quốc ra sách về đường lưỡi bò
>> Học giả Trung Quốc quyết liệt chỉ trích 'đường lưỡi bò
>> Đường lưỡi bò, giàn khoan Hải Dương - 981 vào biếm họa
>> m mưu hợp lý hóa 'đường lưỡi bò

Đây là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trước câu hỏi về phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc vừa xuất bản cuốn sách về đường lưỡi bò.

 Cuốn sách của TQ về đường lưỡi bò là vô giá trị
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình - Ảnh: Ngọc Thắng

Trước đó vào ngày 11.8, tờ Trung Quốc Hải dương báo đưa tin cuốn sách đầu tiên đưa ra lý luận về đường lưỡi bò, với tựa đề “Luận về lịch sử, vị thế và tác dụng của đường chín đoạn Nam Hải” vừa chính thức được xuất bản. 

Theo Trung Quốc Hải dương báo, cuốn sách trên vẫn khẳng định đường chín đoạn là “tuyến quyền lợi biển mang tính lịch sử”, trong đó bao gồm “quyền tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc” đối với các quần đảo ở biển Đông và quyền của nước này đánh bắt và khai thác nguồn tài nguyên trong đường lưỡi bò.

Đã có gần 1000 lao động Việt Nam từ Libya về nước

Tại họp báo, ông Lê Hải Bình cho biết tính đến hết 13.8.2014, đã có 907 lao động Việt Nam về nước, 294 lao động rời Libya đến các nước lân cận. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những lao động Việt Nam cuối cùng đã được di chuyển khỏi khu vực đang xảy ra chiến sự đến khu vực an toàn.

Ông Lê Hải Bình đã trả lời các câu hỏi của phóng viên.

PV: Trong thời gian qua Việt Nam và Mỹ liên tục có các cuộc trao đổi đoàn quân sự cấp cao. Xin cho biết hai nước có kế hoạch hợp tác như thế nào trong lĩnh vực quốc phòng? Hãng tin Reuters vừa qua dẫn quan chức ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ sẽ giám sát tình hình Biển Đông. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam?

Các hoạt động trao đổi đoàn cùng nhiều hoạt động khác là những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy và triển khai quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được xác lập vào 7.2013. Việt Nam hoan nghênh mọi sự đóng góp tích cực, có tính xây dựng của các nước trong và ngoài khu vực trong duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn, hàng hải ở biển Đông.

PV: Được biết vào 8.2014 Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn biển ASEAN mở rộng. Xin cho biết thành phần tham gia? Trong diễn đàn này vấn đề biển Đông sẽ được đề cập như thế nào?

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) 47 và các hội nghị liên quan vừa qua tại Myanmar, các bộ trưởng đã hoan nghênh việc Việt Nam đăng cai chủ trì tổ chức Diễn đàn biển ASEAN và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng. Các quốc gia có liên quan trong và ngoài khu vực đều được mời tham dự các diễn đàn này. Vấn đề duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông, vùng biển quan trọng bậc nhất của Đông Nam Á cũng sẽ được bàn luận tại các diễn đàn này.

PV: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Thái Lan áp dụng yêu cầu nhập cảnh qua đường bộ phải có visa đối với 71 nước trong đó có Việt Nam?

Theo hiệp định miễn thị thực cho công dân Việt Nam và công dân Thái Lan mang hộ chiếu phổ thông được ký giữa hai nước năm 2000 thì công dân mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông được nhập cảnh và lưu trú miễn thị thực trong khoảng thời gian không quá 30 ngày. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin này. Chiều 14.8 đại diện Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao đã làm việc với Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội để xác minh thông tin.

PV: Tại Hội nghị AMM 47 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vẫn khăng khăng quan điểm không có tranh chấp ở Biển Đông. Thái độ đó của Trung Quốc cho thấy việc ra đời Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam?

Tại Hội nghị AMM 47 và các hội nghị liên quan vừa qua, các bộ trưởng đã đặc biệt quan tâm và bảy tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở biển Đông, nhấn mạnh yêu cầu không để tái diễn các sự kiện tương tự.

Các hội nghị cũng nhấn mạnh vào việc duy trì hòa bình ổn định an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, cũng như yêu cầu các bên liên quan phải tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực thi đầy đủ tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002 và đặc biệt thương lượng thực chất để sớm đi đến COC.

ASEAN và các đối tác của mình sẽ tích cực triển khai các kết quả đạt được qua các hội nghị vừa rồi.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.