Tranh luận khi nhân hệ số điểm ưu tiên

11/08/2014 09:00 GMT+7

Trên các số báo ngày 9 và 10.8, Báo Thanh Niên có bài Có hợp lý khi nhân hệ số điểm ưu tiên? phân tích liên quan đến việc nhân hệ số điểm ưu tiên khu vực, đối tượng cho thí sinh dự thi vào các ngành có nhân hệ số môn thi chính. Chúng tôi tiếp tục ghi nhận các ý kiến tranh luận về chủ trương này của Bộ.

Trên các số báo ngày 9 và 10.8, Báo Thanh Niên có bài Có hợp lý khi nhân hệ số điểm ưu tiên? phân tích liên quan đến việc nhân hệ số điểm ưu tiên khu vực, đối tượng cho thí sinh dự thi vào các ngành có nhân hệ số môn thi chính. Chúng tôi tiếp tục ghi nhận các ý kiến tranh luận về chủ trương này của Bộ.

Nhiều trường phải thay đổi điểm chuẩn

Sự thay đổi này không nói đến việc công bằng hay không. Tuy nhiên, điều này đang tác động rất lớn đến các trường, đặc biệt là các trường có điểm trúng tuyển cao. Bởi lẽ, thay đổi này được đưa ra ngay dịp công bố tiêu chí đảm bảo đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ trong khi trước đó hầu hết các trường đã hoàn tất và công bố việc xác định phương án điểm chuẩn dự kiến. Điểm chuẩn dự kiến này được xác định dựa trên tổng chỉ tiêu cần tuyển của trường trong năm nay. Vì vậy, việc thay đổi điểm ưu tiên sẽ khiến có trường phải thay đổi mức điểm chuẩn chính thức so với dự kiến nên sẽ có những thí sinh từ đậu thành rớt. Điều đáng nói ở đây chính là thời điểm công bố những thay đổi trong chính sách tuyển sinh, Bộ cần thực hiện từ đầu chứ không phải chờ đến bây giờ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nhân hệ số điểm ưu tiên là đúng

Trước đây, điểm sàn được xác định trên tổng điểm thi của 3 môn ở từng khối thi. Điểm ưu tiên khu vực và đối tượng cũng là điểm ưu tiên cho tổng điểm 3 môn thi này. Nhưng nay Bộ đã thay đổi cách xác định tiêu chí đảm bảo đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng bên cạnh mức điểm xét tuyển cơ bản là tổng điểm 3 môn thi (ngành không nhân hệ số) còn có mức điểm xét tuyển cơ bản dựa trên tổng điểm 4 môn thi (ngành nhân hệ số môn thi chính). Nguyên tắc xét tuyển của thí sinh được tính là điểm trung bình các môn thi thay vì tổng điểm 3 môn như trước. Nếu vẫn giữ cách tính điểm ưu tiên cũ cho cách xác định điểm xét tuyển cơ bản mới sẽ không còn phù hợp vì thiệt thòi cho một bộ phận thí sinh. Điều này sẽ nhìn thấy rõ hơn với ví dụ một ngành được trường xác định điểm chuẩn trúng tuyển là 13. Trường hợp ngành này không nhân hệ số môn thi chính, sau khi trừ điểm ưu tiên tối đa theo quy chế 3,5 điểm thì thí sinh phải đạt 9,5 điểm mới đậu và điểm trung bình mỗi môn là 3,17. Cũng với ngành này nhưng nhân hệ số môn thi chính thí sinh cần đạt 17,5 điểm mới trúng tuyển (sau khi nhân hệ số). Giả dụ vẫn tính ưu tiên theo cách cũ trừ 3,5 điểm ưu tiên tối đa, thí sinh cần đạt 14 điểm mới trúng tuyển, lúc này giá trị trung bình mỗi môn thi lên tới 3,5. Như vậy, rõ ràng nếu không nhân hệ số điểm ưu tiên thí sinh sẽ bị thiệt khi thi vào ngành có môn thi chính.

Cách tính điểm ưu tiên này là đúng, trả lại sự công bằng cho thí sinh chứ không phải vấn đề có lợi hay không lợi cho thí sinh.

PGS-TS Đỗ Văn Xê
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ)

Không nên thay đổi theo phương thức thi

Điểm ưu tiên tuyển sinh không nên thay đổi theo phương thức thi. Bởi lẽ, với chủ trương cho phép các trường tự chủ tuyển sinh như hiện nay thì rất có thể năm sau sẽ có nhiều phương thức khác nhau. Khi đó, cách xác định điểm ưu tiên sẽ như thế nào khi có trường tuyển sinh dựa trên kết quả thi 2 môn, 3 môn hoặc chỉ dựa trên kết quả học bạ THPT. Tôi cho rằng, nếu chủ trương chính sách của nhà nước về việc ưu tiên không thay đổi thì cách xác định điểm ưu tiên tuyển sinh nên giữ ổn định như cũ, tránh sự phức tạp.

Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn)

Hà Ánh (ghi)

>> Bộ GD-ĐT công bố về cách tính điểm ưu tiên
>> Nhân hệ số điểm ưu tiên khu vực, đối tượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.