Cha con 'người rừng' bây giờ ra sao? - Kỳ 2: Theo chân 'người rừng' đi rẫy

12/08/2014 09:30 GMT+7

(TNO) Vì sợ ở nhà “phải” chăn trâu nên hôm nào cũng vậy, không bảo không rằng, “người rừng” con Hồ Văn Lang lại hối hả lên rẫy từ sáng sớm. Hôm thì đi thăm đồi ngô, hôm thì đi chặt mây rừng.

>> Cha con 'người rừng' bây giờ ra sao? - Kỳ 1: Đi rẫy giỏi nhưng rất sợ… trâu

 Buộc chặt nắm cơm, “người rừng” đã sẵn sàng lên đường
Buộc chặt nắm cơm, “người rừng” sẵn sàng lên đường

Ấn tượng bữa sáng chờ cơm

Sáng sớm, không khí ở ngôi làng vùng cao thật lạnh lẽo, sương mù bao trùm khắp mọi nơi. Trên rừng, cành lá cây cối như được mặc thêm chiếc áo mới long lanh của những giọt sương. Lúc này, trong căn bếp nhỏ, anh Hồ Văn lang đang gói ghém cẩn thận nắm cơm cho một ngày đi rừng có dẫn theo chúng tôi.

Mọi ngày, cứ khoảng 6 giờ 30 phút là “người rừng” Hồ Văn Lang đã tay xách nách mang lên đường. Riêng hôm nay, mấy đám cỏ gần nhà đã trụi, anh Hồ Văn Tri phải dắt con trâu đi ăn tận bãi cỏ ngoài đồng xa.

Trong gia đình nghèo ấy lại có kỷ cương khiến người thành thị phải suy ngẫm: chưa đủ thành viên thì không một ai ăn trước. Điều này làm chúng tôi thật sự ấn tượng. Lúc ngồi đợi anh Tri về ăn sáng, nhìn đám trai làng lần lượt lên rẫy, trên khuôn mặt “người rừng” Lang lộ rõ vẻ bồn chồn, nóng lòng.

 Đi sâu trong rừng già mới có cây mây mọc, “người rừng” đang róc từng sợi mây
Đi sâu trong rừng già mới có cây mây mọc, “người rừng” đang róc từng sợi mây

Vậy là chuyến đi của chúng tôi với “người rừng” đúng 7 giờ mới xuất phát.

Mon men qua hết đồi ngô lại tới đồi lúa. Xuyên thêm vài cánh rừng và lội qua 2 con suối, đôi chân “người rừng” Hồ Văn Lang luôn thoăn thoắt mà chúng tôi phải thở dốc từng hơi mới bắt kịp. Cuối cùng, sau hơn 2 tiếng đồng hồ hụt hơi lội bộ, chúng tôi cũng được tận mắt nhìn “người rừng” con hăng say chặt từng sợi mây rừng.

“Tung hoành” giữa rừng già

“Anh Lang không chịu ở nhà, cứ sáng sớm là đi rẫy liền, ở nhà anh sợ mình bảo đi chăn trâu, anh không dám. Mới ngày hôm qua, sau khi lên thăm rẫy ngô xong, anh Lang lại đi phát đường trên đám rừng già để đi rẫy cho gần, mọi khi thì phải lần mòn theo bờ sông, xa lắm”, anh Tri trả lời cho lý do về việc anh trai mình ngày nào cũng ở trong rừng, cho dù hết việc tỉa lúa, tỉa ngô thì cũng tìm việc gì ở ngoài rừng mà làm chứ không về nhà sớm.

Sau một hồi lâu xé rừng để đi sâu vào trong, cuối cùng “người rừng” cũng tìm thấy thứ mình cần tìm. Bỏ túi xách xuống đất, anh cẩn thận lấy chiếc rựa đã được mài bén ra, róc từng sợi mây rừng với những chiếc gai nhọn hoắc mọc khắp thân cây. Cứ khoảng độ 5 hay 10 phút, “người rừng” lại ngưng để tìm rút từng ngọn gai đã đâm vào tay mình. Cứ như thế, 1 sợi, 2 sợi… rồi chẳng mấy chốc đã được một bó. Trưa đến, “người rừng” ngồi nghỉ chân và rít từng hơi thuốc, lấy hòn đá ra mài cho cây rựa thêm phần sắc bén.

 Ngồi nghỉ chân, rít điếu thuốc và mài cho cây rựa thêm phần sắc bén
Ngồi nghỉ chân, rít điếu thuốc và mài cho cây rựa thêm phần sắc bén

Anh Tri kể: “Những ngày đầu về sống với gia đình, khi đi rẫy mình phải dẫn anh Lang đi theo, lúc đó mình phải chỉ cái nào thì cần hái, cần chặt để về bán lấy tiền. Cũng như vậy mà đường lên nương, xuống rẫy anh mới nhớ. Bây giờ thì đỡ lắm rồi, anh có thể tự đi một mình mà không cần ai dẫn hết”. Đặc biệt, lúc mới về, anh Lang ăn trầu liên tục, một ngày cũng phải cho anh cả buồng cau mới đủ. Giờ anh bỏ ăn trầu rồi, chỉ hút thuốc thôi, vì vậy nên giờ anh hòa nhập nhanh hơn với cộng đồng người Cor, với gia đình và ngôi làng mình”.

Hôm đó, “người rừng” con đã chặt được bó mây to tướng, thế nhưng khi vác trên vai đi ngang qua con suối, anh Lang tiếp tục dừng lại để trổ tài săn bắt của mình. Mấy chú ếch và cua đã trở thành mồi ngon cho gia đình anh Lang buổi tối hôm đó.

Ngày nào cũng vậy, sau một ngày trời “tung hoành” trong chốn rừng già heo hút, tối đến, anh Lang lại trở về nhà với những công việc rất “nữ công gia chánh”, từ dọn dẹp nhà cửa, đến chuẩn bị cho một bữa cơm có thịt, rồi thậm chí rửa chén…

(Còn tiếp)

Trác Rin

>> Giúp cha con 'người rừng' xây nhà
>> Kinh doanh “người rừng”
>> Người rừng' con hòa nhập nhanh, ghiền... điện thoại di động
>> Cha con 'người rừng' đòi về... thăm rừng
>> Ly kỳ những câu chuyện 'người rừng' trên thế giới
>> Giải mã 'gia tài' người rừng
>> Bí ẩn cha con “người rừng”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.