Hollywood loay hoay với những công thức làm phim cũ rích

10/08/2014 11:00 GMT+7

(TNO) Hollywood đang khan hiếm những kịch bản hay và phải loay hoay với những công thức làm phim cũ rích.

(TNO) Tiêu chí thành công của một bộ phim ở kinh đô giải trí Hollywood (Mỹ) thường đồng nghĩa với việc lôi kéo khán giả đến rạp và thu về lợi nhuận cho nhà sản xuất.

>> Những vấn đề nan giải của Hollywood

 
Thành công của The Amazing Spider-Man là điều kiện tốt để các nhà làm phim sản xuất tiếp phần 2

Do đó, để đảm bảo thành công, các hãng phim thường tuân theo những công thức làm phim quen thuộc như làm phần tiếp theo, làm tiền truyện, làm lại bản cũ, làm lại nhưng đổi nội dung, hoặc làm phim về nhân vật...

1. Làm phần tiếp theo (sequel):

Trong tình trạng khan hiếm kịch bản hay như hiện nay thì việc làm các phần phim tiếp theo dựa trên thành công sẵn có của một bộ phim là mỏ vàng của Hollywood. Phần tiếp theo có thể mở rộng hoặc kể tiếp câu chuyện trong phần phim trước đó, hay đơn giản chỉ đưa nhân vật cũ trở lại màn ảnh.

Đầu tư vào phần phim tiếp theo được coi là một giải pháp an toàn đối với các nhà sản xuất phim của Hollywood. Do đó, không khó để bắt gặp các phần phim nối tiếp của các bộ phim ăn khách như The Amazing Spider-Man 2, How To Train Your Dragon 2, The Expendable 3... tràn ngập màn ảnh hè 2014.


Nam diễn viên Chris Evans (bên phải) trong buổi ra mắt bộ phim Captain America: The First Avenger ở New York (Mỹ) năm 2011 

2. Làm tiền truyện (Prequel):

Thành công của một bộ phim ăn khách là điều kiện để các nhà sản xuất phim Hollywood khai thác mãi. Không chỉ làm “hậu truyện”, Hollywood còn làm phim kể về những sự kiện đã diễn ra trước và kết nối với phần phim hiện có. 

Dù công thức này không được ưa chuộng bằng làm phần tiếp theo (sequel), tiền truyện (prequel) là một giải pháp để các nhà làm phim Hollywood “đổi vị” và thu hút khán giả đến rạp chiếu. X-Men: First Class (2011) là tiền truyện của X-Men (2000). Hay Captain America: The First Avenger (2011) là tiền truyện của Iron Man (2008).


King Kong (2005) được làm mới từ bản phim cũ cùng tên năm 1933 

3. Làm lại bản cũ (remake):

Bộ phim The Ring (2005) là một ví dụ tiêu biểu cho thể loại phim làm lại bản cũ. The Ring xuất phát từ bản gốc của Nhật tên Ringu (1998). Hay bộ phim King Kong (2005) là làm mới từ bản phim cũ cùng tên năm 1933.

Các nhà làm phim sẽ “mượn” cốt truyện, nhân vật... từ một phim đã ra đời trước đó, chỉ chỉnh sửa một số tình tiết hay làm mới cách thể hiện để phù hợp với công chúng ở thời đại hiện tại.


Một cảnh trong Batman Begins (2005) 

4. Làm lại nhưng đổi nội dung (reboot):

Phim lấy cảm hứng từ các sản phẩm ra đời trước đó (phần phim trước, phim truyền hình, truyện tranh) được xây dựng lại hoàn toàn mới với khung thời gian mới, tuyến nhân vật mới, không liên quan đến phần gốc. Bộ phim Batman Begins (2005) là phiên bản làm lại nhưng đổi nội dung của Batman (1989).


Nam diễn viên Hugh Jackman thủ vai “người sói” Wolverine 

5. Làm phim về nhân vật (spin-off):

Khi khán giả đã chán nản với các thể loại phim “bình mới rượu cũ” thì Hollywood nghĩ ngay đến việc khai thác một góc độ khác của các bộ phim thành công trước đó. Các nhà làm phim sẽ “nhặt” ra một nhân vật chiếm được nhiều cảm tình của công chúng hơn hết và tập trung phát triển tính cách, câu chuyện về nhân vật này thành một bộ phim mới. 

Khán giả hẳn sẽ rất háo hức kéo đến rạp chiếu để xem chuyện đời của “người sói” Wolverine trong X-Men: Wolverine (2009), hoặc chú mèo đi hia Puss in Boots (2011).

Nhật Hằng (tổng hợp)
Ảnh: AFP, Reuters

>> Ngôi sao Thái tham gia phim võ thuật Hollywood
>> Sandra Bullock thu nhập cao nhất Hollywood
>> Làm phim kiểu Hollywood
>> Robert Downey Jr vẫn kiếm tiền nhiều nhất Hollywood
>> Người sắt’ Robert Downey Jr kiếm tiền giỏi nhất Hollywood

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.