Điểm xét tuyển

09/08/2014 03:00 GMT+7

Giả định nếu năm nay Bộ GD-ĐT vẫn giữ khái niệm điểm sàn như trước đây với mức điểm bằng 13 -14 trong tình hình phổ điểm của thí sinh năm nay cao hơn các năm trước thì dư luận sẽ phản ứng mạnh mẽ vì cho rằng điểm đầu vào ĐH như thế là quá thấp. Tuy nhiên, với các mức điểm xét tuyển vừa công bố trong sáng qua, phần đông các trường và thí sinh đều thấy như không xảy ra chuyện gì.

Giả định nếu năm nay Bộ GD-ĐT vẫn giữ khái niệm điểm sàn như trước đây với mức điểm bằng 13 -14 trong tình hình phổ điểm của thí sinh năm nay cao hơn các năm trước thì dư luận sẽ phản ứng mạnh mẽ vì cho rằng điểm đầu vào ĐH như thế là quá thấp. Tuy nhiên, với các mức điểm xét tuyển vừa công bố trong sáng qua, phần đông các trường và thí sinh đều thấy như không xảy ra chuyện gì.

Về bản chất, các mức điểm xét tuyển năm nay không khác gì với điểm sàn những năm trước đây. Nghĩa là ngưỡng thấp nhất để thí sinh có thể được xét tuyển vào ĐH là 13.

Thế nhưng cách xác định điểm đầu vào năm nay, một cách minh định, Bộ giúp cho xã hội thấy rõ sự phân tầng của các trường, các ngành về chất lượng đầu vào mà lâu nay sự thừa nhận này chưa rõ ràng, chính thức. Hiện cả nước có trên 400 trường ĐH, CĐ nhưng với mức điểm xét tuyển cao nhất (17 điểm khối A, A1, C, D và 18 điểm khối B), theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chỉ có khoảng 15 - 20 trường đạt được. Điều này phần nào cũng tạo động lực cho các trường phấn đấu để tạo được uy tín đối với người học, thể hiện đẳng cấp, khẳng định “thương hiệu”. Có lẽ đây là cái được lớn nhất khi thay thế điểm sàn bằng các mức điểm xét tuyển.

Trong khi xác định các mức điểm lại phát hiện một điều lâu nay đã thành thói quen nhưng chưa chắc đã chính xác. Theo quy định, năm nay thí sinh dự thi vào ngành có nhân hệ số môn thi chính, điểm ưu tiên khu vực và đối tượng cũng sẽ được nhân hệ số theo công thức. Hàng bao lâu nay, rất nhiều trường, nhiều ngành xác định điểm chuẩn có nhân hệ số môn chính nhưng điểm thí sinh ưu tiên vẫn vậy. Theo lý giải của đại diện Bộ GD-ĐT, nếu không nhân hệ số điểm ưu tiên theo cách này thí sinh  sẽ chịu thiệt thòi khi dự thi vào các ngành có môn thi chính, đặc biệt với những trường xét điểm trúng tuyển ở mức tối thiểu. Điều này có thể sẽ còn gây tranh luận và buộc các trường phải điều chỉnh, thay đổi trong cách tính điểm trúng tuyển, xét tuyển… nhưng theo nhiều người thừa nhận, nó sòng phẳng và chính xác hơn cách tính lâu nay.

Tuy nhiên, dự kiến đây cũng là điều mà thí sinh và các trường sẽ gặp nhiều rắc rối, khó khăn khi phải vừa xác định điểm chuẩn nhân hệ số theo công thức vừa phải tính toán đâu là điểm ưu tiên thí sinh được hưởng. Đó là chưa kể, cùng một thí sinh nhưng nếu thi vào 2 ngành khác nhau, trong đó một ngành nhân hệ số, ngành không thì điểm ưu tiên của thí sinh này sẽ khác nhau.

Với phổ điểm được xem là cao hơn năm trước nhưng Bộ GD-ĐT vẫn giữ mức điểm tối thiểu 13 - 14 chứng tỏ Bộ mong muốn tạo nguồn tuyển dồi dào cho các trường, đặc biệt các trường tốp dưới. Thí sinh vì thế cũng sẽ có nhiều cơ hội vào ĐH.

Tuy nhiên, các mức điểm xét tuyển này, theo nhiều người làm công tác tuyển sinh lâu năm, nghịch lý lại chỉ có giá trị với các chương trình đào tạo trong nước. Thực tế hiện nay, rất nhiều trường ĐH tuyển sinh các chương trình liên kết nhưng không bị ràng buộc về điểm xét tuyển đầu vào. Đây cũng là một vấn đề Bộ GD-ĐT cần xem xét.

Cuối cùng, việc thay đổi từ điểm sàn thành các mức điểm xét tuyển có giá trị gì không nếu năm sau thực hiện phương án một kỳ thi quốc gia lấy điểm kỳ thi này làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển? Đó mới là điều quan trọng.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.