192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 7: Được cứu mạng

10/08/2014 02:30 GMT+7

Những con người khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ gặp gỡ giữa núi rừng Ô Kha (tỉnh Khánh Hòa), giữa muôn vàn nghiệt ngã. Sự khắc nghiệt của số phận đã không thể quật ngã được cô gái mỏng manh đang rạc người vì những đau thương.

Những con người khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ gặp gỡ giữa núi rừng Ô Kha (tỉnh Khánh Hòa), giữa muôn vàn nghiệt ngã. Sự khắc nghiệt của số phận đã không thể quật ngã được cô gái mỏng manh đang rạc người vì những đau thương.

>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 6: Thiên nhiên ảo diệu và thực tại phũ phàng

 Tác giả Annette Herfkens hạnh phúc với hai con - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tác giả Annette Herfkens hạnh phúc với hai con - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chiều muộn, một nhóm đàn ông người Việt bất thình lình xuất hiện từ bụi rậm, mang theo những túi đen cỡ lớn. Tôi không thể tin vào mắt mình. Nhóm người này di chuyển rất có chủ đích. Một thanh niên chừng hai mươi tuổi tiến về phía tôi, tay cầm một mảnh giấy. Anh chồm người tới và cho tôi xem trong mảnh giấy viết gì. Đó là danh sách hành khách. Anh ta ra dấu, có vẻ như muốn tôi chỉ tên mình. Tôi làm theo và chỉ vào “Annette Herfkens”. Anh mỉm cười, và thưởng cho tôi một ngụm nước, đựng trong cái chai nhựa xanh nhạt, hình vuông. Không từ ngữ nào có thể diễn tả hương vị của ngụm nước ít ỏi đó. Rượu sâm banh lúc này cũng không thể so sánh. Chai nước đó mãi mãi đọng lại trong tâm trí tôi - mãi mãi.

 Bà Annette Herfkens được người dân tộc Raglai (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Tư Liệu
Bà Annette Herfkens được người dân tộc Raglai (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đưa ra
khỏi hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Tư Liệu

Thêm nhiều người đàn ông khác tiến tới. Họ cho tôi vào tấm vải bạt, sau đó buộc hai đầu bằng hai cây gậy to. Hai người khiêng tôi lên vai, mỗi người một đầu. Tôi không thể tin những gì đang diễn ra. Nhóm người này bắt đầu di chuyển; và tôi treo tòn ten ở giữa. Chúng tôi đi qua xác cô gái trẻ. Đi qua ông “Numachi”. Thi thể của cả hai người này đang phân hủy và được cho vào bao tải đen. Kéo khóa lại. Bất thình lình tôi thảng thốt. Vậy Pasje thì sao? Người đàn ông của tôi thì sao? Tôi không muốn bỏ anh lại. Kể từ khi tai nạn xảy ra, đây là lần đầu tiên tôi thật sự hoảng sợ. Họ đang mang tôi đi. Khỏi Pasje của tôi. Khỏi dãy núi của tôi. Khỏi cái nơi mà tôi được bảo bọc! Tôi xin thêm nước, họ cho tôi một ngụm nhỏ. Ngụm nước đó có tác dụng như thuốc an thần.

Chúng tôi di chuyển trong rừng. Tôi nhìn thấy từng chiếc lá thật gần; ánh trời chiều làm bừng sáng từng giọt mưa. Tôi thư giãn, trong khi vẫn bị móc tòn ten trên vai của nhóm người cứu hộ. Họ đi rất khẽ khi lên xuống từng ngọn đồi nhỏ. Tính hài hước của tôi trở lại, tự hỏi: đâu phải ai cũng có đặc quyền được công kênh như thế này? Chúng tôi gặp một khe nứt sâu và phải băng qua đó. Nhóm người này xếp hàng và chuyền tôi qua từng người một. Họ cực kỳ cố gắng không làm tôi đau, nhưng thực tình tôi không thể không thét lên sau mỗi lần được “chuyển giao” như vậy. Sau đó, cả nhóm từng người một tháo giày ra. Bây giờ họ khiêng tôi còn khẽ khàng hơn trước. Tôi mỉm cười nhìn cả nhóm đầy biết ơn.

Trời bắt đầu chạng vạng. Cả nhóm ngừng lại. Cắm trại nghỉ ngơi sao? Họ nhóm lửa, đặt tôi gần đó, và treo tấm vải bạt giữa hai cây gậy, như một con heo quay. Tôi xin thêm nước nhưng lần này họ lắc đầu. Tôi xin thêm, lần này xen cả phẫn nộ, như một con nghiện: “Làm ơn cho tôi thêm nước đi!”. Một lúc sau, họ cho tôi uống nước cơm nóng. Cuối cùng thì cũng được uống! Nhưng tôi vẫn thèm đến phát điên những ngụm nước lạnh trong vắt lúc mới được cứu!

Tôi thức ngủ chập chờn. Nhóm cứu hộ, bây giờ tôi đếm rõ là có sáu người, đang ngồi tán chuyện quanh ngọn lửa. Rổn rảng bằng tiếng Việt. Trò chuyện rất to. Sau đó, cả nhóm đi vòng quanh và dạt vào trong lều. Tôi hoảng sợ, van nài họ: “Làm ơn thắp sáng lên một chút”. Nghĩ cũng lạ: cả khoảng thời gian tám ngày trong rừng một mình không biết sợ là gì, bây giờ bất thình lình tôi lại biết sợ, cái gì cũng thảng thốt. Họ cột cái đèn xách tay lên một cây gậy khác và cho thêm củi vào lửa. Sau đó cả nhóm rút vào lều. Tôi ngủ bên ngoài, treo tòn ten, như một con heo quay. 

Cuộc đời chóng vánh

Khi cuốn sách 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh đến tay bạn đọc, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay xấu số MH370 của hãng Malaysia Airlines, cuộc tìm kiếm tốn kém nhất và mịt mờ nhất trong lịch sử ngành hàng không, vẫn đang hằng ngày diễn ra trong vô vọng. Công việc làm báo cũng đã buộc tôi theo dõi chặt chẽ từng diễn biến của cuộc kiếm tìm này. Cứ mỗi ngày trôi qua không có kết quả, chúng tôi chỉ biết tự nhủ rằng: thôi thì lại ngày mai và chợt nhói lòng khi nhận ra: cái “ngày mai” của chúng tôi - những kẻ ngoài cuộc - nói ra sao nhẹ như không.

Trong cuốn sách của mình, tác giả Annette Herfkens có lẽ không có mục đích nào khác ngoài việc kể lại câu chuyện sinh tồn sau biến cố đó và những năm tiếp theo của cuộc đời mình. Biến cố chưa bao giờ buông tha bất kỳ một kiếp người nào và Herfkens chắc chắn không ngoại lệ. Tuy vậy, con người cũng chưa bao giờ đầu hàng nghịch cảnh - cho dù có nghiệt ngã đến đâu - nếu niềm tin vào một ngày mai nhất định sẽ tươi đẹp hơn vẫn còn đó.

Herfkens đã làm được. Với niềm tin vào cuộc sống và nghị lực của bà, chúng ta hãy cùng hy vọng thân nhân của tất cả các chuyến bay gặp nạn trong một năm quá nhiều biến cố của ngành hàng không cũng sẽ làm được. Và chúng ta, những kẻ ngoài cuộc, không cần đến những biến cố kinh hoàng như bà Herfkens hay những thân nhân đó để mới có thể thấu hiểu và thương yêu những người thân của mình hơn. Tình thương và sự tin yêu không cần biến cố hay tai nạn nào để hiện hình -  chúng luôn ở đó, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống này.

Cuộc đời dẫu luôn biết là dài lắm, nhưng cũng sẽ rất chóng vánh mà thôi.

An Điền

Thấu cảm nhau để cuộc đời tươi đẹp hơn

Tác giả cuốn sách này, bà Annette Herfkens, đã nói với người dịch như thế về cách vượt qua nỗi đau mất mát.

Thật trùng hợp khi cuốn sách của bà ra đời chỉ chưa đầy 2 tuần trước tai nạn máy bay MH370. Nếu có cơ hội gặp người thân của các nạn nhân MH370, bà sẽ nói gì với họ?

Tôi sẽ khuyên họ hãy đón nhận nỗi đau mất mát và ở yên với nó. Đừng để tâm trí bị dày vò bởi những câu hỏi như: “Có khả năng khác xảy ra không? Nếu vậy thì sao? Giá mà”. Hãy đón nhận thực tại và ở trong đó. Hãy chấp nhận sự thật là họ đã phải mất người thân. Hãy để nỗi đau gắn kết mọi người với nhau. Mở lòng ra, đừng khép kín với nhau.

Tâm trạng bà như thế nào khi sắp trở lại VN lần nữa, với tư cách là tác giả của cuốn sách?

Rất hào hứng và hạnh phúc. Sau hơn 20 năm, tôi ngày càng nhận rõ mối kết nối của mình với VN, với vẻ đẹp và những con người kiên cường nơi đây. Tôi cũng hy vọng sẽ có cơ hội gặp lại người thân của các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay của mình.

Đã hơn 20 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, điều gì bà luôn ấp ủ và muốn chia sẻ với mọi người?

Tôi thực sự tin là mỗi chúng ta đều có thể làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, nếu ai cũng luôn cố gắng thấu cảm người khác bằng cách luôn đặt mình vào trong hoàn cảnh của họ, thật tự nhiên và không e dè.

An Điền
(thực hiện)

Annette Herfkens
Người dịch: An Điền
FIRST NEWS - TRÍ VIỆT thực hiện và giữ bản quyền

>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 5: Cơn khát và nỗi cô đơn
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 4: Cơn mưa ân phúc
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 3: Chờ đợi trong đau đớn
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 2: Tỉnh dậy giữa những xác người
>> 192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay: Chuyến bay kinh hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.