Cải cách cho dân nhờ

02/08/2014 03:00 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Cửu ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có một căn hộ muốn làm thủ tục tặng cho con gái. Theo hướng dẫn, ông phải chứng thực sao y bản chính 5 bộ hồ sơ gồm hộ khẩu, chứng minh thư, khai sinh, đăng ký kết hôn, sổ đỏ và khá nhiều thứ giấy tờ khác. Riêng lệ phí chứng thực đã lên tới hơn 400.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Cửu ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có một căn hộ muốn làm thủ tục tặng cho con gái. Theo hướng dẫn, ông phải chứng thực sao y bản chính 5 bộ hồ sơ gồm hộ khẩu, chứng minh thư, khai sinh, đăng ký kết hôn, sổ đỏ và khá nhiều thứ giấy tờ khác. Riêng lệ phí chứng thực đã lên tới hơn 400.000 đồng.

Nhưng khi đi nộp hồ sơ, ông vẫn mang theo toàn bộ bản chính, bởi lẽ “họ đòi xuất trình cả bản chính để đối chiếu”.

Trên thực tế, không phải ai cũng “hiểu chuyện” để “quân tử phòng thân” như ông Cửu. Rất nhiều trường hợp, người dân phải đi lên đi xuống rất nhiều lần bổ sung các loại thủ tục kiểu như thế. Có người mang giấy tờ photocopy kèm bản chính đến nộp hồ sơ bị trả lại bắt về chứng thực; có người sao y giấy tờ đến nộp, cán bộ tiếp nhận hồ sơ lại đòi phải có bản chính để đối chiếu...

Trong khi, theo quy định tại điều 6 Nghị định 79/2007/NĐ-CP, khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân có quyền lựa chọn, hoặc nộp bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính; hoặc nộp bản photocopy xuất trình kèm bản chính để người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản photocopy với bản chính.

Lạm dụng bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính đang là một thực tế không chỉ khiến người dân bức xúc, mà còn gây lãng phí về thời gian và tiền bạc cho xã hội. Những lĩnh vực lạm dụng phổ biến nhất hiện nay là trong giải quyết các thủ tục về nhà đất, xây dựng, tư pháp, hộ tịch, thuế và tuyển sinh, tuyển dụng.

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng này. Có thể do cơ quan hành chính nhận thức chưa đầy đủ về việc sử dụng bản sao nói chung và bản sao có chứng thực nói riêng khi giải quyết thủ tục hành chính - chỉ quy định về giấy tờ phải nộp bắt buộc phải là bản sao có chứng thực và không quy định công dân có quyền lựa chọn. Nhưng cơ bản, vẫn là do các công chức, viên chức khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục có tâm lý ngại đối chiếu, sợ trách nhiệm nên đã bắt người dân nộp bản sao chứng thực mà không tiếp nhận bản sao để tự đối chiếu. Tức là chọn việc nhàn cho mình và đẩy khó cho người dân.

Tình trạng này nghiêm trọng đến mức ngày 20.6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ thị một số biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng. Trong đó yêu cầu các cơ quan hành chính 2 việc: Khi người dân thực hiện thủ tục hành chính nộp bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính; Trường hợp người dân nộp bản sao thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu với bản chính mà không được yêu cầu công dân nộp bản sao có chứng thực.

Để thực hiện việc này, một mặt các cơ quan hành chính phải tự cải tổ nội bộ, chữa căn bệnh “sợ trách nhiệm”. Mặt khác, người dân khi đi làm thủ tục cũng cần hiểu, thực hiện quyền của mình, yêu cầu các công chức, viên chức hành chính phải tuân thủ pháp luật.

Cải cách hành chính là một công việc đòi hỏi nhiều quyết tâm và cả sự đau đớn. Nhưng nếu không có kỷ luật sắt thì xã hội không bao giờ biết đến sự ngọt ngào của một nền hành chính biết mỉm cười.

Đồng Nhân

>> Thủ tục hành chính về đất đai như 'thiên la địa võng
>> Kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính trong xây dựng để gỡ khó cho doanh nghiệp
>> Mất quá nhiều thời gian cho thủ tục hành chính
>> Bãi bỏ 35 thủ tục hành chính
>> Sửa đổi, ban hành mới 3 thủ tục hành chính
>> Bãi bỏ 5 thủ tục hành chính
>> Phải xin lỗi nếu chậm giải quyết thủ tục hành chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.