Sự hài lòng của người dân

01/08/2014 02:28 GMT+7

“Hà Nội không vội được đâu”, câu thành ngữ mới này giờ đây được dùng để chỉ thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền toái, thái độ “dân cần nhưng quan không vội” ở các cơ quan hành chính của Hà Nội.

Một khảo sát độc lập do Khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp Sở VH-TT-DL Hà Nội công bố hồi đầu năm 2014, cho thấy tỷ lệ hài lòng của người dân với bộ máy hành chính không cao.

Đại đa số người được hỏi cho rằng, tại các cơ quan hành chính hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người dân đến liên hệ làm việc đều có các hành vi ứng xử không phù hợp. Có tới 88,1% người được hỏi cho rằng cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 94,7% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp.

Thế nên, có lý do để Kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Hà Nội mà UBND TP.Hà Nội bắt đầu thực hiện từ hôm nay, 1.8, được chờ đón. Mục đích đạt được 80% sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính vào năm 2015 thực sự rất tốt đẹp, nó đã khá gần với nguyên tắc “khách hàng là thượng đế” trong mối quan hệ giữa cơ quan công quyền và công dân ở nhiều nước.

Nhưng có 2 điều cần phải lưu ý đối với bản kế hoạch có mục tiêu văn minh này. Thứ nhất, chọn các lĩnh vực bức xúc trong dịch vụ hành chính công như cấp giấy phép xây dựng, cấp “sổ đỏ”, CMND, khai sinh, khai tử, kết hôn; chọn phương pháp phát phiếu ngẫu nhiên cho cuộc khảo sát là đúng. Nhưng với quy mô nhỏ (có tổng số 5.400 phiếu phát ra) và bộ câu hỏi chung chung, thì có lẽ kết quả thu được cũng sẽ chưa đáng kể. Đó là chưa kể, với 41,4% người được hỏi cho biết họ phải bổ sung giấy tờ nhiều lần trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó, 30,8% phải bổ sung do không được hướng dẫn đầy đủ về thủ tục và 40,9% là do thủ tục hành chính quá phức tạp (khảo sát kể trên), thì các câu trả lời “rất hài lòng”, “hài lòng” và “không hài lòng” của người dân trong các phiếu điều tra cũng sẽ chẳng giúp được gì cho việc “cải thiện chất lượng phục vụ” như kế hoạch mong muốn.

Để cải thiện chất lượng phục vụ cần đến điều thứ hai, quan trọng hơn: những thay đổi về thể chế để cơ quan hành chính trở thành người bán hàng (dịch vụ công) còn người dân, doanh nghiệp thực sự là khách hàng. Và chỉ khi nào việc chấm điểm công chức của người dân trở thành điều khoản bắt buộc trong đánh giá các công chức hành chính, khi đó mới bảo đảm thái độ phục vụ tận tụy và sự phản ứng nhanh nhạy của đội ngũ công chức hành chính trước các yêu cầu của người dân.

An Nguyên

>> Thủ tục hải quan tối đa không được quá 2 ngày
>> Doanh nghiệp lại phàn nàn thủ tục hải quan
>> Chuyển phát nhanh kết quả thủ tục hành chính
>> Thủ tục đầu tư còn nhiêu khê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.