Chậm chuyến kéo dài, khách có thể được bồi thường

02/08/2014 03:00 GMT+7

Các hãng hàng không để chậm chuyến kéo dài mà không phải lý do bất khả kháng, được miễn trừ trách nhiệm thì có thể phải bồi thường cho hành khách.

Các hãng hàng không để chậm chuyến kéo dài mà không phải lý do bất khả kháng, được miễn trừ trách nhiệm thì có thể phải bồi thường cho hành khách.

Chậm chuyến kéo dài,  khách có thể được bồi thường

Khách hàng chờ tại sân bay Nội Bài, Hà Nội - Ảnh: Khả Hòa

Sau 1 tháng triển khai việc giám sát chậm, hủy chuyến cũng như chất lượng dịch vụ hành khách, việc bồi thường cho hành khách đã có dấu hiệu tích cực hơn.

Bồi thường là cần thiết

Sáng qua, chuyến bay VJ8660 chặng bay TP.HCM - Hà Nội đã bị hủy do tàu bay gặp sự cố kỹ thuật. Hơn 170 hành khách đã được chuyển sang 3 chuyến bay khác cùng ngày, được Vietjet Air phục vụ bữa ăn và bồi thường ngay 300.000 đồng/khách.

Cũng trong hôm qua, do thời tiết xấu, Vietnam Airlines (VNA) đã phải hủy nhiều chuyến bay đến/đi sân bay Liên Khương (Đà Lạt). Đặc biệt, chuyến bay VN1380 chặng TP.HCM - Đà Lạt đang bay đến Đà Lạt đã phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, Nha Trang, nhưng do thời tiết xấu không thể hạ cánh được, bộ phận điều hành của hãng này quyết định không tiếp tục thực hiện hành trình đến Đà Lạt. Hãng đã hỗ trợ cho khách hàng trên chuyến bay 300.000 đồng/khách với hạng phổ thông và 400.000 đồng/khách với hạng thương gia.

Trả lời Thanh Niên, Cục phó Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết Cục đang tính tới nghiên cứu áp dụng quy định bồi thường với việc chậm chuyến. Hiện tại Quyết định 10 mới chỉ áp dụng việc bồi thường ứng trước không hoàn lại với các chuyến bay bị hủy. Tuy nhiên, với thời gian hoãn chuyến kéo dài, việc bồi thường cho hành khách theo ông Cường là cần thiết.

Đảm bảo công bằng

Theo ông Cường, việc bồi thường khi chậm chuyến sẽ phải tính toán để vừa mang lại quyền lợi cho hành khách vừa không gây sức ép quá lớn cho các hãng. Vì thực tế, tại nhiều đường bay lẻ, việc chậm chuyến bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố bất khả kháng như thời tiết. Ví dụ bay lên Điện Biên, nhiều chuyến bay không hạ cánh được phải bay về, hay đường bay Côn Đảo, Liên Khương cũng hay gặp thời tiết xấu. Ông Cường cho biết, Cục sẽ làm việc thêm với các hãng hàng không trong nước cũng như các hãng quốc tế có đường bay tại VN theo quy định, để nghiên cứu tính toán mức áp dụng, khung thời gian chậm chuyến có thể được hưởng đền bù, đặc biệt là các khả năng miễn trừ nếu đúng không phải là lỗi chủ quan thì hãng không phải bồi thường.

Liên quan đến việc 3 chuyến bay của VNA đi Hà Nội - Đồng Hới bị hủy trong tháng 7, dư luận nêu vấn đề có biểu hiện của việc hủy, dồn chuyến bay vì lý do thương mại, Cục Hàng không đã xác minh tìm hiểu nguyên nhân. Theo Cục, trong các ngày từ 30.6 - 17.7, có 5 chiếc ATR72 hỏng hóc kỹ thuật phải kiểm tra, sửa chữa đảm bảo an toàn. Vì thế toàn bộ lịch bay cho đội tàu ATR72 trong các ngày 3, 13 và 16.7 đã bị thay đổi. Theo đó, một số chuyến bay bị hủy và thu xếp tàu bay A321 để bay thay thế. Qua phân tích, so sánh giữa phương án bay bù vào ngày hôm sau bằng tàu ATR72 và phương án thay bằng tàu A321 bay ngay, thì phương án lựa chọn dùng tàu bay A321 tối ưu hơn, dù chi phí khai thác cao hơn. Số lượng khách bị ảnh hưởng vì hủy chuyến bay là ít nhất. Qua xem xét nhật ký bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay..., Cục Hàng không thấy việc hủy các chuyến bay của VNA hoàn toàn do lý do kỹ thuật, không phải là hủy, dồn chuyến bay vì lý do thương mại. Trước đó, Cảng vụ miền Bắc cũng thống kê có 10 chuyến bay bị hủy vì lý do thương mại từ 13 - 29.7, tuy nhiên, Cục Hàng không khẳng định các chuyến bay này bị hủy vì lý do kỹ thuật.

Đề xuất đóng quầy thủ tục sớm

Để giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, Phó tổng giám đốc VNA Dương Trí Thành đề xuất được thay đổi thời gian tối thiểu đóng quầy làm thủ tục check in cho các chuyến bay nội địa từ 30 phút như hiện nay lên 40 phút so với giờ khởi hành, để các đơn vị phục vụ có đủ thời gian chuẩn bị. Cửa ra máy bay sẽ đóng trước giờ khởi hành 15 phút so với 10 phút hiện nay, nhằm tạo thêm thời gian cho hãng đủ thời gian dỡ hành lý khi có trục trặc về khách như không tìm được khách, mà không làm ảnh hưởng đến chuyến bay.

Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết VNA sẽ bắt đầu kiểm soát chặt chẽ quy định hành khách chỉ được mang một kiện hàng hóa xách tay khối lượng 7 kg, tránh kéo dài thời gian soi chiếu an ninh.

Mai Hà

>> Các hãng hàng không né nghĩa vụ khi chậm chuyến
>> Nhiều hãng không xin lỗi, không nêu lý do khi chậm chuyến bay
>> Vietnam Airlines phủ nhận vụ 200 khách chậm chuyến vì chờ 1 khách quan trọng
>> Chậm chuyến bay do... hành khách?

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.