Vỡ lòng tin

31/07/2014 03:00 GMT+7

Người ta bảo “quá tam ba bận”, thế mà phải đến 9 bận, vụ án vỡ đường ống dẫn nước sông Đà có số vốn đầu tư lên tới 1.500 tỉ đồng mới được xem xét điều tra thì kể cũng là chậm. Tuy nhiên, chậm còn hơn không, dù lòng tin của người dân cũng chưa vì thế mà có lại ngay được.

Người ta bảo “quá tam ba bận”, thế mà phải đến 9 bận, vụ án vỡ đường ống dẫn nước sông Đà có số vốn đầu tư lên tới 1.500 tỉ đồng mới được xem xét điều tra thì kể cũng là chậm. Tuy nhiên, chậm còn hơn không, dù lòng tin của người dân cũng chưa vì thế mà có lại ngay được.

Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan rồi đây sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Nhưng có rất nhiều câu hỏi về quy trình quản lý, trách nhiệm kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, về lòng tin… xung quanh đường ống vỡ này cần phải được trả lời minh bạch, để những “đường ống vỡ” không bao giờ còn trở thành một thứ a xít xói mòn những chuẩn mực xã hội.

Một công trình hàng nghìn tỉ đồng đầu tư từ tiền đóng thuế của dân, được giao cho một doanh nghiệp, vừa thiết kế, vừa thi công, vừa giám sát. Không lẽ, chỉ vì doanh nghiệp “tự ứng tiền” thì khỏi chịu sự quản lý, khỏi phải tuân thủ các quy trình đầu tư, hay còn gì khác nữa?

Chủ đầu tư đường ống nước là Tổng công ty cổ phần Vinaconex, với 58% vốn nhà nước do Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - thuộc Bộ Tài chính - làm đại diện; quản lý nhà nước về chuyên môn và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình xây dựng là Bộ Xây dựng; quản lý địa bàn là UBND TP.Hà Nội. Nhưng cho đến nay chỉ có một mình Vinaconex hứng chịu mọi búa rìu dư luận, liệu có thỏa đáng không?

Vinaconex phải chịu trách nhiệm về những sai sót trong quá trình đầu tư; tiếp theo là cơ quan chủ quản, là trách nhiệm quản lý địa bàn của TP.Hà Nội. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Bộ Xây dựng cũng có phần trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về xây dựng?

Nhưng có lẽ, những câu hỏi về trách nhiệm đó không lớn bằng câu hỏi về lòng tin trong vụ vỡ đường ống nước này. Đường ống độc đạo dài 47 km dẫn nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà (H.Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) về đến Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) này, được Bộ Xây dựng trao danh hiệu “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010. Chưa đầy 2 năm sau, “niềm tự hào” của ngành xây dựng trở thành “cơn ác mộng” của hơn 70.000 hộ dân phía tây và tây nam thủ đô. Trách người dân giờ đây thiếu niềm tin hay phải nhìn lại chính thái độ làm việc thiếu trách nhiệm, kém minh bạch (không loại trừ tiêu cực) của cơ quan chức năng đây?

Và trong khi sự việc chưa được giải quyết triệt để, trách nhiệm chưa rõ ràng, TP.Hà Nội tiếp tục giao cho Vinaconex đầu tư xây dựng đường ống nước thứ hai, chạy song song với đường ống vỡ là điều khiến dư luận khó hiểu và bức xúc hơn cả. “Một lần thất tín, vạn lần bất tin”, 9 lần vỡ đường ống, hơn 20 ngày hàng chục nghìn hộ dân, hàng trăm nghìn con người khốn khổ vì thiếu nước giữa thủ đô, lẽ ra phải là vấn đề đầu tiên cần cân nhắc trước khi lại tiếp tục giao việc xây dựng đường ống nước cho Vinaconex.

Lợi ích của dân, cuộc sống của dân phải luôn là mục tiêu phục vụ, động lực phấn đấu của các công bộc.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.