Đào tạo 10.000 người trẻ khởi nghiệp

01/08/2014 03:25 GMT+7

Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (thuộc Thành đoàn TP.HCM) phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM vừa khai giảng khóa đào tạo “Lãnh đạo khởi nghiệp” vào cuối tháng 7.

Đây là khóa học đầu tiên khởi động cho dự án “Mỗi doanh nhân - Một người thầy”, nhằm hướng tới mục tiêu góp phần đào tạo cho khoảng 10.000 người trẻ kiến thức khởi nghiệp trong vòng 5 năm (2014 - 2018).

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM.

Dự án đặt ra mục tiêu đào tạo 10.000 người trẻ khởi nghiệp liệu có khả thi, bởi trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn và cũng có nhiều đơn vị phải giải thể, thưa chị ?

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ước tính năm 2013 tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 và số doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc phải giải thể là 60.737. Dù số doanh nghiệp phá sản nhiều, nhưng số thành lập mới cũng không hẳn là ít.

Lâu nay, khi nói đến những doanh nghiệp thành công thì người ta thường nói đến thời điểm, cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngoài thời điểm, cơ hội, điều quan trọng vẫn là yếu tố con người. Đặc biệt, trong giai đoạn mới, nội lực của doanh nhân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để có thể lèo lái doanh nghiệp phát triển và hội nhập.

Song song đó, môi trường khởi nghiệp VN cũng chỉ đang phát triển ở những giai đoạn đầu tiên. Tuy những người khởi nghiệp rất năng động và có điểm mạnh riêng, nhưng nếu họ được truyền tải kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh thì họ có thể đi được những bước đi rất dài. Đó là điều thôi thúc chúng tôi kết hợp, tận dụng kinh nghiệm của những doanh nhân đã thành công để giúp cho lớp người trẻ khởi nghiệp.

Thưa chị, đâu là điểm mấu chốt trong nội dung đào tạo người trẻ khởi nghiệp ?

Không chỉ cung cấp những nội dung thiết yếu và nền tảng cho người khởi nghiệp như đánh giá ý tưởng, khảo sát thị trường, xây dựng đội ngũ, lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng kêu gọi đầu tư, điểm mấu chốt và khác biệt của dự án là nhấn mạnh đến những hỗ trợ sau đào tạo nhằm hiện thực hóa ý tưởng, mô hình khởi nghiệp tiềm năng. Hỗ trợ văn phòng làm việc, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tư vấn, huấn luyện theo phương thức 1-1 (mỗi doanh nhân bảo trợ cho một dự án)... là những điều chúng tôi cho rằng người khởi nghiệp rất cần.

 Các bạn trẻ tham gia khóa đào tạo “Lãnh đạo khởi nghiệp” - Ảnh: Như Lịch
Các bạn trẻ tham gia khóa đào tạo “Lãnh đạo khởi nghiệp” - Ảnh: Như Lịch

Có ý kiến cho rằng khởi nghiệp là cái gì đó rất khó để dạy bởi rất khó để người ta nói hết những gì đã trải qua, nhưng người khởi nghiệp vẫn cần phải học, thực hành và trải nghiệm, năng lực học hỏi giúp gia tăng cơ hội thành công. Người khởi nghiệp nên và rất cần biết đánh giá, đo lường các rủi ro trong dự án của mình trước khi khởi nghiệp, cần phải có ý thức “luyện võ công” nâng cao năng lực, nội lực của mình. Điều này giúp tiết kiệm nguồn lực cho người khởi nghiệp và cả xã hội.

Từ dự án này, chị mong muốn nhìn thấy thế hệ doanh nhân mới như thế nào trong tương lai ?

Chúng tôi hướng đến mục tiêu dài hạn là đào tạo lớp doanh nhân trẻ bản lĩnh, sáng tạo, không chỉ quan tâm đến kinh doanh mà còn hiểu được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đối với giới khởi nghiệp và doanh nghiệp trẻ, đây là những yếu tố quan trọng góp phần quyết định dự án có thể đi được đường dài hay không. Bởi lẽ khách hàng, người tiêu dùng có xu hướng ủng hộ những doanh nghiệp, những sản phẩm thực sự mang lại giá trị cho cộng đồng.

Bảo trợ 100 dự án sáng tạo

Hiện dự án đang tiếp tục tuyển chọn, xét trao học bổng khóa đào tạo "Lãnh đạo khởi nghiệp" cho thanh niên, sinh viên tại TP.HCM. Thông tin liên hệ: Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, số 4 Alexandre De Rhodes (Q.1, TP.HCM), điện thoại:  08.54043555

Như Lịch
(thực hiện)

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 43: Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng
>> Khởi nghiệp bằng ‘nông nghiệp lười’
>> Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can - 'hành trang' khởi nghiệp
>> Bí quyết khởi nghiệp vốn ít lời nhiều
>> Học bổng khởi nghiệp 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.