Thay đổi thi cử

30/07/2014 09:00 GMT+7

Hôm qua 29.7, tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014 - 2015, Bộ GD-ĐT đã công bố 3 phương án cho một kỳ thi THPT quốc gia thay thế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH như hiện nay.

Hôm qua 29.7, tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014 - 2015, Bộ GD-ĐT đã công bố 3 phương án cho một kỳ thi THPT quốc gia thay thế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH như hiện nay.  

Có thể từ năm 2015 kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không còn mà thay thế bằng kỳ thi THPT quốc gia gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đa số ý kiến đều nghiêng về phương án 1 nếu thực hiện ngay từ năm 2015.

Trước mắt chọn “không gây xáo trộn, lo lắng”

 

Ba phương án là hành trình đi đến cách thi cử để đánh giá được năng lực, phẩm chất của người học

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên Bùi Đức Cường cho rằng: Phương án 1 phù hợp với thực trạng dạy học hiện nay, gần với cách kiểm tra đánh giá mà ngành đang áp dụng, không gây ra sự xáo trộn, tâm lý lo lắng trong xã hội. Phương án này có thể thực hiện ngay trong năm 2015 mà không lo sớm hay muộn. Đồng tình với suy nghĩ trên, Phó chủ tịch UBND Tuyên Quang Vũ Thị Bích Việt cũng nghiêng về phương án 1 vì phương án 2 và 3 thì học sinh miền núi như Tuyên Quang chưa tiếp cận được. “Tôi vẫn muốn năm 2015 chọn phương án thứ nhất để đảm bảo học sinh đỡ bị thay đổi nhiều quá, nhanh quá”, bà Việt đề xuất. Ngoài ra, bà Việt còn tỏ ra băn khoăn về việc chấm thi tích hợp.

Ông Trần Trọng Kiểm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cũng đề nghị chọn phương án 1 nếu quyết tâm thực hiện ngay từ năm 2015. Theo ông Kiểm, “về lâu dài thì nên chọn phương án 2 nhưng năm tới và một số năm tới thì chúng ta chọn phương án 1. Phương án này đảm bảo giảm áp lực cho học sinh về số môn thi, thi 4 môn thôi”.

Ngay cả đại biểu các thành phố lớn cũng ủng hộ phương án 1. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chọn phương án 1 cho năm 2015. “Chúng ta cần có thời gian chuẩn bị vì sự thay đổi liên quan đến hai vấn đề rất quan trọng, đó là: người ra đề thi và việc học sinh phải được dạy học, hướng dẫn trước, làm quen với cách thức thi. Do vậy, thi theo môn sẽ đáp ứng được yêu cầu phù hợp với việc dạy và học hiện nay”, ông Sơn phát biểu.

Về lâu dài, phương án bài thi tích hợp

 

Thấy lợi thì quyết tâm làm

Đến dự và phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Bộ GD-ĐT cần tham khảo ý kiến rộng rãi và cẩn trọng trước khi quyết định phương án cuối cùng. Có thể không chỉ có 3 phương án như Bộ đề xuất mà còn những phương án khác hợp lý hơn, khả thi hơn”. Ông Đam nói: “Nếu thi tổng hợp 3 môn lại một bài thi phải 3 người chấm..., những cái đó nếu có khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì chúng ta vẫn nên làm vì chúng ta đặt lợi ích của xã hội. Nếu cảm thấy làm một kỳ thi bớt được những tốn kém, không chỉ riêng các cháu và gia đình các cháu mà cả xã hội, nếu thấy lợi thì chúng ta quyết tâm làm”.

T.MAI

Tuy nhiên, phần lớn các đại biểu đều khẳng định những ưu điểm về thay đổi cách đánh giá của phương án 2 và 3.

Ông Trần Thanh Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng chỉ nên thực hiện phương án 1 trong năm 2015 vì trong các phương án Bộ nêu ra, phương án 2 đổi mới triệt để nhất. Nhưng nếu thực hiện ngay thì điều kiện chưa cho phép. Do vậy ông Đức đề nghị năm 2016 đi theo lộ trình phương án 2 và có lẽ chuẩn bị để sau năm 2020 nên chuyển qua phương án 3.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cũng cho rằng phương án 2 nếu thực hiện sớm nhất cũng phải năm 2016. Đây là phương án đáp ứng kịp một số nhu cầu đổi mới, cách tổ chức và cách ra đề theo hướng tích hợp của từng môn. Làm sao để học sinh và quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên, chuyên viên của sở GD-ĐT có thời gian tập huấn và làm quen được với cách ra đề tích hợp. “Tôi cho rằng cả ba phương án đều tốt nhưng nên làm theo lộ trình từng bước”, ông Sơn nói.

Còn ông Trần Trọng Kiểm đề xuất: Đến năm 2017 khi chúng ta đã thực hiện dạy học tích hợp, chuẩn bị được đội ngũ giáo viên chấm bài tích hợp thì có thể đáp ứng yêu cầu thi theo bài thi.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ quan điểm: “Về lộ trình, không phải làm tích hợp ngay mà sẽ làm có tính chất tổng hợp ban đầu, sau đó chúng ta tích hợp dần sau khi chương trình mới ra đời”. Cũng ủng hộ phương án 2, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, đề nghị Bộ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi, nhất là trong đội ngũ giáo viên.

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng thực chất 3 phương án là một, không hề tách bạch mà chỉ khác nhau về mức độ của mỗi phương án. Ông Luận ví 3 phương án như một hành trình của đích đến. “Ví như một đoàn tàu từ Hà Nội vào TP.HCM thì phương án 1 sẽ là đến ga Vinh; phương án 2 đến Nha Trang - Quảng Ngãi; còn từ phương án 3 sẽ là đi đến TP.HCM. Ba phương án là hành trình đi đến cách thi cử để đánh giá được năng lực, phẩm chất của người học. Quá trình thay đổi vừa để học sinh thay đổi cách học, vừa là quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng giáo viên từng bước một. Đảm bảo, không đổi mới theo kiểu “giật cục”, ông Luận nói.

Bộ sẽ tiếp nhận các ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia, cơ sở GD-ĐT và của toàn xã hội. Nếu nhận được sự đồng thuận cao sẽ công bố phương án tổ chức thi chính thức trong tháng 9 để triển khai áp dụng từ năm 2015.

Tuệ Nguyễn

>> Cần thiết phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia
>> Không giới hạn báo chí đưa tin tiêu cực thi cử !
>> Có chữa được bệnh thành tích trong thi cử ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.