Nhiều trường trung cấp không tuyển được học sinh

30/07/2014 15:17 GMT+7

(TNO) Sáng 30.7, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học đối với bậc giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT đã lý giải nhiều nguyên nhân khiến bậc học này ngày càng khó tuyển sinh.

>> Trung học chuyên nghiệp vẫn còn... chờ học sinh
>> ĐH Y-Dược TP.HCM: Tuyển 550 chỉ tiêu hệ trung học chuyên nghiệp
>> Trung học chuyên nghiệp: Không phải là ngõ cụt

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, quy mô học sinh trung cấp chuyên nghiệp trong 4 năm gần đây có xu hướng giảm và giảm mạnh trong năm vừa qua. Năm học 2013-2014, quy mô học sinh là 485.631 em, giảm hơn 130.000 học sinh so với năm học 2012-2013. Công tác tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, kết thúc năm 2013, số thí sinh nhập học vào các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chỉ đạt 49,5% (180.389 học sinh) so với chỉ tiêu được xác định.

Nhiều cơ sở đào tạo tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt trong đó có 38 trường không tuyển được học sinh nào (bao gồm có 11 trường trung cấp chuyên nghiệp, 5 trường CĐ, 12 trường ĐH, 10 cơ sở khác; trong đó có 21 cơ sở đào tạo công lập, 17 cơ sở đào tạo tư thục). Đáng lưu ý là số thí sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển vào học trung cấp chuyên nghiệp là 17.885 học sinh, chiếm 10% và liên tục giảm trong 4 năm trở lại đây. Trong khi đó nguồn tuyển đối với bậc học này không hề giảm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, các nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là cơ hội việc làm của học sinh thấp và đào tạo chưa thích nghi với thị trường lao động. Cơ sở thiết bị của các trường lạc hậu hơn rất nhiều so với xã hội nên học sinh học xong không làm việc được. Hầu hết, các doanh nghiệp tuyển dụng xong phải đào tạo lại nên họ tuyển lao động phổ thông để đào tạo còn nhanh hơn.

 Nhiều trường trung cấp không tuyển sinh được học sinh nào
Thiết bị đào tạo lạc hậu khiến học sinh không vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp - Ảnh: Ngọc Thắng

Chấm dứt việc “bán chỉ tiêu tuyển sinh”

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận rằng: Trong năm học qua công tác tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo trung cấp chuyên nghiệp đã được thực hiện tốt hơn, chất lượng giáo dục chuyên nghiệp đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, quy mô và chất lượng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kỹ năng thực hành mà thị trường đòi hỏi. Học sinh trung cấp chuyên nghiệp ra trường còn thiếu kỹ năng thực hành trên thiết bị công nghệ hiện đại, năng lực giao tiếp tại môi trường làm việc và trình độ ngoại ngữ còn yếu. Năng lực nghề nghiệp của học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển số lượng với yêu cầu nâng cao chất lượng.

Nguyên nhân là do việc đào tạo chủ yếu dựa trên năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo và theo thị hiếu của người học, quy mô đào tạo một số ngành thuộc lĩnh vực kinh doanh và quản lý, sức khỏe có xu hướng lớn hơn nhu cầu, trong khi đó một số ngành xã hội có nhu cầu cao như các ngành về công nghệ kỹ thuật, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường mặc dù có xu hướng tăng lên nhưng vẫn có rất ít người vào học.

Đặc biệt, công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp còn rất yếu kém. Đây là một thách thức lớn đối với giáo dục nghề nghiệp nói chung và trung cấp chuyên nghiệp nói riêng trong việc thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 là: “Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết: Việc liên kết đào tạo ở một số địa phương còn buông lỏng, có hiện tượng chuyển chỉ tiêu đào tạo cho cơ sở đào tạo khác (thực chất là “bán” chỉ tiêu), không phản ánh đúng mục đích của việc liên kết, thiếu các yếu tố đóng góp về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của cả hai bên liên kết. Hiện tượng này cần phải chấm dứt ngay trong năm học 2014-2015.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.