Sẽ có các giải pháp đảm bảo quyền cho trẻ tự kỷ

27/07/2014 03:45 GMT+7

Đó là khẳng định của bà Vũ Thị Kim Hoa (ảnh), Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), khi trao đổi với Thanh Niên về vấn đề trẻ tự kỷ bị ngược đãi, bạo hành.

Đó là khẳng định của bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), khi trao đổi với Thanh Niên về vấn đề trẻ tự kỷ bị ngược đãi, bạo hành.

Trong tuần qua, Thanh Niên có loạt bài Dạy trẻ tự kỷ bằng…khúc cây. Với trách nhiệm của mình, Cục đã vào cuộc như thế nào?

 

Bà Vũ Thị Kim Hoa

Ngay khi vụ việc đăng trên Báo Thanh Niên, Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông là đơn vị được Cục giao theo dõi và cập nhật thông tin báo cáo với lãnh đạo và các phòng chuyên môn để có biện pháp giải quyết. Cục cũng đã liên hệ và chỉ đạo ngành dọc là Sở LĐ-TB-XH TP.HCM theo dõi nắm tình hình vụ việc để cùng các đơn vị chức năng của TP giải quyết. Đồng thời ngày 25.7, Cục cũng đã làm báo cáo gửi lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH về việc giải quyết vụ việc trên. Theo tôi, TP.HCM đưa ra xử lý trước mắt như vậy là tạm ổn. Tuy nhiên, về sau cần có giải pháp lâu dài.

Theo bà, dạy trẻ tự kỷ bằng roi vọt sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ?

Việc dạy trẻ bằng roi vọt là vi phạm quyền trẻ em. Chúng ta cần phải lên án hành vi phản giáo dục nêu trên. Dạy trẻ em bình thường bằng roi vọt đã là rất tệ hại, có thể ảnh hưởng tới phát triển tâm lý, tinh thần và thể chất của các em, huống chi là trẻ tự kỷ. Giáo viên Trường Anh Vương đã vi phạm các quyền của trẻ em. Tất cả những trường hợp dạy trẻ bằng roi vọt, như thông tin Báo Thanh Niên phản ánh, là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý theo luật. Vấn đề này cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra để có biện pháp xử lý xác đáng. Nếu gây thương tích, tổn thất tinh thần và tâm lý cho trẻ có thể bị xử lý hình sự.

Để xảy ra tình trạng này phải chăng chúng ta đang thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế và thiếu đội ngũ giáo viên, chuyên gia tư vấn?

 

Giáo viên Trường Anh Vương đã vi phạm các quyền của trẻ em. Tất cả những trường hợp dạy trẻ bằng roi vọt, như thông tin Báo Thanh Niên phản ánh, là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý theo luật

Trong thời gian qua, Cục đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để xây dựng, phát triển mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em. Bên cạnh ngành LĐ-TB-XH, các ngành khác cũng đều có các dịch vụ về chăm sóc trẻ em. Vấn đề ở đây không phải là thiếu mà là những người cung cấp dịch vụ có được trang bị kiến thức, thông tin liên quan đến quyền trẻ em hay không, có được đào tạo đúng chuyên môn chuyên ngành hay chưa. Những người này đã được cung cấp thông tin hiểu biết về luật pháp VN, về chính sách bảo vệ trẻ em hay không. Nếu có cơ sở dịch vụ đầy đủ, những người cung cấp dịch vụ được đào tạo bài bản, hiểu chính sách pháp luật sẽ không có chuyện tương tự xảy ra.

Tại VN, số trẻ em bị mắc bệnh tự kỷ được phát hiện ngày một tăng. Vậy chúng ta đã có chính sách dành riêng cho trẻ tự kỷ?

Với chức năng quản lý nhà nước về trẻ em, nhằm bảo đảm các quyền của trẻ em, trong thời gian qua, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chương trình, chính sách bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Trẻ tự kỷ nằm trong chính sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, chúng ta chưa có điều tra quốc gia nào liên quan đến trẻ em tự kỷ, mà hầu hết là nghiên cứu nhỏ. Hiện chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện khung chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đó có trẻ dễ tổn thương như trẻ tự kỷ.

Vậy trước mắt Cục có giải pháp gì để trẻ tự kỷ được chăm sóc và bảo vệ quyền lợi tốt hơn?

Hội chứng tự kỷ đang là vấn đề xã hội quan tâm. Thời gian tới dựa vào mạng lưới dịch vụ sẵn có, chúng tôi sẽ đưa thêm nội dung chăm sóc trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, để các cơ sở có khả năng phát hiện sớm, có kỹ năng tư vấn, giúp trẻ đến các dịch vụ hỗ trợ phù hợp.

Điều quan trọng nhất bây giờ, chúng ta phải quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, đội ngũ nhân viên công tác xã hội để biết cách phát hiện sớm và giúp trẻ tự kỷ đến với các dịch vụ theo nhu cầu. Tùy theo từng mức độ, đội ngũ tư vấn sẽ giúp trẻ đến các dịch vụ chuyên sâu, hoặc đến các trung tâm tư vấn. Để đảm bảo tốt chăm sóc trẻ tự kỷ, trước mắt trong năm nay, chúng tôi sẽ có các chương trình đào tạo để giúp các cơ sở có kỹ năng chăm sóc cho đối tượng này. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng bộ tài liệu kỹ thuật để chăm sóc trẻ tự kỷ; sách cẩm nang dành các bậc cha mẹ, cộng tác viên hướng dẫn sàng lọc và phát hiện sớm trẻ tự kỷ; các tờ rơi tuyên truyền giúp mọi người biết cách chăm sóc trẻ rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng. Cục cũng đã tham mưu cho Bộ LĐ-TB-XH ban hành Thông tư 23 về quy trình hỗ trợ can thiệp trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Thu Hằng (thực hiện)

>> Vụ dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây: Chủ cơ sở chỉ hợp đồng miệng với người lao động
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây: Công an tiếp nhận bằng chứng để điều tra
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây: Không thấy có bạo hành (!?)
>> Dạy trẻ bằng… khúc cây: Bơ vơ trẻ tự kỷ
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây: Buộc đóng cửa trường ngay lập tức
>> Vụ 'Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây': Trường Anh Vương hoạt động trá hình
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.