Con sẽ sống vì có hàng trăm bà mẹ giữa đời - Kỳ 2: Đó là một ngày của các con

29/07/2014 09:30 GMT+7

(TNO) Một buổi sáng tháng 7, tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Thị Nghè, vài bà mẹ đi bộ cùng nhau vào trung tâm. Đó là “ngày hẹn” thứ năm hàng tuần, họ đến phụ những cô giáo, điều dưỡng của nơi này, đút cơm cho những đứa trẻ.

>> Con sẽ sống vì có hàng trăm bà mẹ giữa đời

Con sẽ… ‘sống’ bởi hằng trăm bà mẹ giữa đời này - Kỳ 2: Đó là 1 ngày của… các con 1
 Các mẹ chăm sóc bé Én tại bệnh viện. Ảnh: Thanh Vạn

 >> Con sẽ sống vì có hàng trăm bà mẹ giữa đời

Ngày đút cháo cho con...

“An Nhiên là cái duyên để các mẹ biết nhau”, chị Đặng Thị Thùy Linh kể lại những ngày đầu tiên mình và bạn bè (chỉ biết nhau qua Facebook) đã cùng nhau chia sẻ công việc nhịp nhàng để “làm mẹ” cho An Nhiên đến ngày con khỏe và được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội Thị Nghè.

Cũng từ ngày đó, hằng tuần, chị Linh lại đưa lên mạng hoạt động của ngày thứ Năm, đi “đút  cơm” cho các em  bé khác của trung tâm Thị Nghè. Vừa thấy các chị đến cửa, cô hộ lý đã phân công cho các chị bé nào, cháo hay cơm, hay phở...

 

Mình chăm hai đứa con khỏe mạnh đã mệt, mà các chị chăm vài chục cháu, bé nào cũng được ăn no, tắm sạch, thay tã ngày 5 -6 lần. Mình quyết định dành ra một ngày mỗi tuần để đến phụ các chị cho các con ăn. Cuối tuần thì đã có nhiều người tình nguyện giúp, nên mình chọn bỏ một ngày đi trong tuần, để phụ các chị được nhiều hơn

Chị Đặng Thùy Linh

Ai cũng biết việc, thành thạo cầm tô cháo, lại gần làm quen với cậu bé trong cũi đang chơi đùa. Ở đây, hầu hết các em đều là những em bé bị bỏ rơi từ khi lọt lòng. Nhiều em mang chứng bệnh nặng, tự đập đầu mình vào tường hoặc tự móc mắt mình liên tục.

Các mẹ lại gần gũi, nói nhỏ: “Mẹ cho con ăn nhé!” , rồi cứ vậy, từng bà mẹ lại “vào vai” đúng với thiên chức của mình, cho em bé thiếu hơi mẹ thêm một chút hơi ấm của người mẹ lạ. Chỉ chừng 2 tiếng buổi trưa thứ năm, mỗi người đút cho 2-3 em bé ăn no, lau sạch miệng và để các bé ngủ trưa.

Chị Thùy Linh giải thích: “Khi đưa An Nhiên về nhà mới ở đây, tôi đã bất ngờ khi biết về trung tâm này, không hoàn toàn vì hoàn cảnh của các con, vì ở đây các con được chăm sóc rất sạch sẽ, mà là vì tấm lòng của các cô giáo, điều dưỡng ở đây. Mình chăm hai đứa con khỏe mạnh đã mệt, mà các chị chăm vài chục cháu, bé nào cũng được ăn no, tắm sạch, thay tã ngày 5 - 6 lần. Mình quyết định dành ra một ngày mỗi tuần để đến phụ các chị cho các con ăn. Cuối tuần thì đã có nhiều người tình nguyện giúp, nên mình chọn bỏ một ngày đi trong tuần, để phụ các chị được nhiều hơn”.

Khi chị Hương cho các bé ăn, một cậu nhóc tên Tuấn với hai cái chân cong đang lồm cồm trèo từ trên giường xuống. Cô điều dưỡng nháy mắt cười: “Chị có muốn cho Tuấn ăn không? Tuấn giỏi lắm. Tập đi mà gần biết đi rồi đó, mấy năm trước bé chỉ bò được thôi”. Tuấn cười tươi như hoa, ngoan ngoãn ăn từng muỗng súp các mẹ múc cho, hệt như một chàng trai tự lập.

... và ngày con xuất viện

Ngay sau buổi đút cháo, các mẹ xắn tay áo rồi vội vàng rời khỏi trung tâm. Trong ngày thứ Năm, họ sẽ làm được nhiều việc hơn hằng ngày, vì đã dẹp hẳn việc riêng sang một bên để dành trọn cho các con của mình.

Ngày hôm ấy, chị Đồng Thị Lâm (quê ở Tánh Linh, Bình Thuận) đón các chị bằng nụ cười hiếm hoi trên gương mặt đen đúa. Hôm ấy, con của chị Lâm được xuất viện. Cách đó gần 1 tháng, bé nhập viện khi 3 tháng tuổi, nặng 3 kg, chẩn đoán viêm ruột do hẹp đường ruột và chờ mổ.

Các chị trong nhóm An Nhiên biết tới mẹ Lâm và con qua những bệnh nhân ở cùng phòng đưa chuyện. Hôm gặp mặt, chị Lâm vừa kể chuyện chồng đã đánh chị ngay trong bệnh viện vì con khóc, bóp cổ con, nước mắt vừa rưng rưng. Hôm ấy, bình sữa để bé uống cũng đã được mẹ Lâm pha loãng vì hết tiền, và anh chồng đã bỏ về quê không thèm phụ giúp gì nữa.

Chị Lâm nói mà giọng lạc đi: “Mừng quá, bác sĩ cho về rồi chị ơi!”. Ngày hôm tôi đến, chị Linh đưa túi tã đã chuẩn bị sẵn cho bé, gửi kèm chị Lâm tiền xe và dặn dò: “Chiều tụi em quay lại đưa bé xuất viện”.

Trong một ngày như vậy, các bà mẹ có thời gian trong nhóm An Nhiên sẽ đi thăm hết các bệnh nhi mà họ nhận lời giúp, gửi lại hết các loại sữa, tã, đồ ăn hoặc quà mà các cha mẹ trên Facebook gửi cho các con.

Đó là một ngày may mắn, vì em bé con chị Lâm khi vào viện bé xíu như một con mèo, lại có nguy cơ phải phẫu thuật. Hôm ấy, bé được xuất viện khỏe mạnh mà không cần phẫu thuật gì, góp thêm vào phần việc của những bà mẹ An Nhiên một ca thành công.

Con sẽ… ‘sống’ bởi hằng trăm bà mẹ giữa đời này - Kỳ 2: Đó là 1 ngày của… các con 2
Một buổi sáng thứ Năm đút cháo tại trung tâm Thị Nghè, mái nhà mới của bé An Nhiên, và cũng là nơi các mẹ có thời gian sinh hoạt chung mỗi thứ Năm hằng tuần - Ảnh: Khải Đơn

Con sẽ… ‘sống’ bởi hằng trăm bà mẹ giữa đời này - Kỳ 2: Đó là 1 ngày của… các con 3
Chị Đặng Thị Thùy Linh (trái) gửi sữa và tã cho con của chị Đồng Thị Lâm. Bé 3 tháng tuổi, khi lên bệnh viện bé nhỏ xíu, chỉ nặng 3kg và đợi phẫu thuật. Hôm đến thăm, bé được bác sĩ cho xuất viện vì hồi phục mà không cần mổ - Ảnh: Khải Đơn

Về với đứa con ở nhà

Chuyện đến bệnh viện của chị Xuân Hương thật tình cờ khi chính con chị lúc còn nhỏ phải nhập viện và xa mẹ nhiều ngày. Khi vào bệnh viện lại nhìn thấy những bà mẹ khác cực nhọc vì con ở bệnh viện, từ đó, khi con đã lớn và cứng cáp hơn, chị Hương bắt đầu vào bệnh viện tìm những em bé cần được giúp đỡ, như “lời hứa” ngày xưa của mình với những đứa trẻ đau ốm.

Ban đầu, khi mới vào bệnh viện đi tìm và chăm sóc bệnh nhi, chị Hương thường về nhà trong cảm xúc nặng nề, có lúc bật khóc. Nhưng sau đó chị rút ra: “Tôi nghĩ mình lo hết mình khi ở bệnh viện với các con, còn về nhà tôi phải tự dẹp mọi nỗi buồn sang một bên, để nhìn thấy con, chăm sóc cho con. Không thể để nỗi buồn của riêng mình làm ảnh hưởng tới chồng, con gia đình được”.

Khi về đến nhà, thấy đứa con gần 2 tuổi bi bô nói, chị Hương lại có thêm sức lực, hy vọng để ngày hôm sau tiếp tục vào gặp những đứa con đang điều trị. Khi dịch sởi đang bùng phát, nhiều người khuyên chị Hương không nên vào bệnh viện vì sợ lây cho con. Nhưng lúc đó chị không thể bỏ những đứa bé mà không có người hỗ trợ tã, sữa, viện phí nên vẫn vào.

Khi con chị Hương bị sốt và nổi mẩn đỏ, chị rất sợ hãi vì lo con bị sởi, nhưng cuối cùng con chỉ bị sốt phát ban. Đã quá “chuyên nghiệp”, sau những biến cố đó, chị Hương tự quy định cho mình: “Từ bệnh viện về, tôi luôn tắm rửa sạch sẽ rồi mới ôm con, dù lúc về thèm con chỉ muốn chạy tới ôm. Đặc biệt, có thời gian tôi hay ở khoa nhiễm, mà trẻ con rất dễ lây bệnh từ bên ngoài”. 

Cứ thứ Năm hằng tuần, theo đúng lịch đút cơm và mua sữa, tã cho các con trong bệnh viện xong, chị Thùy Linh lại nhìn đồng hồ và rời bệnh viện đúng khi vừa xong việc. Chị tự hào nói: “Hai cô nhỏ ở nhà biết tự lo hết rồi, nhưng mình tranh thủ về với con. Ban ngày đi lo công việc, chứ chiều cũng vậy, là phải về với tụi nhỏ mới được”.

Để làm được công việc này hằng tuần, chị Linh chia sẻ: “Anh xã nhà tôi rất ủng hộ. Có một lần, anh cũng vào bệnh viện thăm An Nhiên. Những lần chúng tôi đi thăm mái ấm, cần mua đồ đạc gì, đưa đón anh cũng đưa tôi đi. Tôi và Hương đều may mắn vì được chồng ủng hộ nhiều lắm”.

Trong những ngày chăm sóc An Nhiên, có nhiều chị cũng phải “giấu chồng” vì muốn làm việc này do các anh nghĩ việc nhà chưa lo xong đã đi lo việc ngoài đường. Không tiện nói ra sự khó khăn của mình, những bà mẹ vẫn nhận phần việc, phần cho ăn, phần đưa sữa, phần đút cơm, tặng tã... để những đứa con ngoài bệnh viện nhận được điều tốt như chính con của mình.

Nhưng với những người mẹ như các chị, họ đã từng nhận nhiều đau khổ hơn vậy trước khi đến được với những em bé may mắn như hôm ấy.

Mẹ ơi, cố lên!

Ngủ ngoan nào các mẹ
Ngày mới đã sang rồi
Các mẹ còn chưa ngủ
Nghĩ về con phải không?

Con về đây ngoan lắm
Hổng đau nữa mẹ à
Các cô hiền từ lắm
Chăm con giỏi lắm nha
Con về đây cũng ổn
Nhưng con nhớ mẹ nhiều

Con cũng mong gặp mẹ
Muốn được gọi mẹ, ba
Nhưng mẹ ơi đừng khóc
Nhiên ngoan, mẹ cũng ngoan
Mẹ ngoan đi ngủ sớm
Để Nhiên con an lòng

Mẹ hư cứ ngồi khóc
Là Nhiên hổng yêu đâu
Nhiên luôn mong mẹ khỏe
Để Nhiên cũng không sầu

Mẹ con ta đã hẹn
Gặp nhau mỗi tháng mà
Khỏa lắp từng cơn nhớ
Mẹ, Nhiên cùng cố nha!
(Chị Hương Lê viết về An Nhiên trong thời gian bé đang điều trị tại bệnh viện)

(Chị Hương Lê viết về An Nhiên trong thời gian bé đang điều trị tại bệnh viện)

 

Khải Đơn

>> Con sẽ sống vì có hàng trăm bà mẹ giữa đời - Kỳ 3: Những đứa con ít may mắn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.