Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 6: Đừng lãng quên những trang sử viết bằng máu của cha ông

Trường Sơn
Trường Sơn
02/08/2014 07:00 GMT+7

(TNO) Nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới 1979 cũng là trả lại sự thật lịch sử. Nếu 'bỏ quên' nó quá lâu có nghĩa là chúng ta đang tự chối từ những trang sử đã được viết bằng máu và nước mắt của cha ông mình.


Bìa cuốn Xác phàm của nhà văn Nguyễn Đình Tú
 

Đây là những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, với Thanh Niên Online nhân dịp cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh biên giới 1979 của anh vừa ra mắt độc giả.

* Động lực nào đã thôi thúc anh lựa chọn cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 2.1979 làm bối cảnh cho Xác phàm, cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình?

- Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Có lẽ với nhiều bạn đọc, những đề tài mà tôi khai thác trước nay có vẻ chủ yếu liên quan đến sex, bạo lực, tội phạm. Điều ấy cũng có phần đúng. Nhưng đã xác định là một nhà văn quân đội thì không thể không quan tâm đến đề tài chiến tranh. Nhiều tác giả đàn anh trước đây đã khá thành công khi viết về hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng với thế hệ chúng tôi, giai đoạn đó hơi xa, việc tái hiện lại sao cho mới, khác, hấp dẫn với người đọc hiện tại không phải dễ dàng.

Trong khi đó về mặt thời gian, cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc gần với chúng ta hơn. Chất liệu từ những câu chuyện, nhân chứng từng trải qua hai cuộc chiến ấy cũng rõ ràng, tươi mới hơn. Nhưng trong một thời gian dài, vì nhiều lý do mà việc khai thác đề tài này, ngay trong văn học, cũng là một “vùng cấm”. Nhưng văn học là văn học. Nó sẽ vẫn lặng lẽ làm công việc của mình. Nhà văn cần phải viết về những gì mà anh tâm huyết.

 
Lấy bối cảnh chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 nhưng Xác phàm (Nguyễn Đình Tú, NXB Trẻ) chỉ khai thác 17 ngày động binh ác liệt nhất chống quân Khợ xâm lược trên hướng chính từ Quốc Môn dẫn vào Pháo đài Cảnh Giác của thị xã Vùng Biên. Đây là những địa danh được mã hóa từ nguyên mẫu thị xã Lạng Sơn, một trong những nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất. Theo tác giả cuốn sách, nhắc nhớ lại những tháng ngày quân dân các dân tộc vùng biên dũng cảm đánh giặc như thế nào và “bài học cảnh giác” trước kẻ thù ở bên kia biên giới. Tác giả cho biết cuốn sách được viết từ tháng 8-9.2013 nhưng vì nhiều lý do khách quan mà thời điểm này mới có thể ra mắt độc giả.

Ý tưởng viết về chiến tranh biên giới hình thành từ lâu nhưng định hình rõ với tôi từ khi chứng kiến những cuộc tuần hành của người dân Hà Nội và TP.HCM sau vụ Trung Quốc (TQ) cắt cáp tàu Bình Minh 02 hồi năm 2011-2012. Trước đó, trong những chuyến công tác đến các vùng biên, sau khi nghe những câu chuyện về những ngày chiến sự ác liệt ở pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) hay Vị Xuyên (Hà Giang)... tôi đã tự nhắc mình phải viết về đề tài này.

* Trong quá trình xây dựng tác phẩm chắc hẳn anh cũng phải tìm kiếm thông tin từ những nhân chứng từng đi qua thời kỳ chiến tranh 1979. Anh thấy những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của họ về giai đoạn ấy thế nào?

- Việc hình thành cuốn sách cũng không có gì quá đặc biệt. Tôi cũng trải qua những bước đi bếp núc cơ bản từ nghiên cứu tư liệu lịch sử, tìm kiếm nguyên mẫu và đi thực tế. Khi tiếp xúc với những nhân vật thì mỗi người có những ký ức, câu chuyện cũng như góc nhìn khác nhau về cuộc chiến. Nhưng điểm chung của cả những người lính đến người dân thường là họ đều thấy chán ghét cuộc chiến ấy cũng như căm thù những kẻ xâm lược từ bên kia biên giới.

Nhưng điều khiến tôi day dứt là nếu như những cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ có thể tự hào, thoải mái khi nói về những năm tháng của mình thì câu chuyện của những cựu chiến binh bảo vệ biên giới phía Bắc chỉ như một sự chia sẻ âm thầm giữa những người lính. Trong nhiều năm họ không được nhắc đến, những câu chuyện của họ không có sự cộng hưởng của báo chí hay bất cứ hình thức tôn vinh nào trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay văn học nghệ thuật. Dường như có một sự ẩn ức, một nỗi niềm chung rằng tại sao một cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc nhưng dường như đang bị lãng quên.

* Anh có thấy họ thể hiện thế nào vì những sự việc dường như lãng quên ấy?

- Buồn thôi. Vào mỗi dịp 22.12, 27.7, ở một khu phố, một trường phổ thông hay đại học nào đó người ta có thể mời các anh hùng, các cựu chiến binh chống Pháp, chống Mỹ đến nói chuyện nhưng gần như không có những cựu binh thời kỳ chống TQ xâm lược. Đó là sự thật. Ở khía cạnh nào đó có thể hiểu xã hội đang muốn quên đi cuộc chiến này (còn nguyên nhân vì sao lại có sự muốn quên đi ấy là một câu chuyện khác). Việc muốn quên đi là của xã hội nhưng những người đã trải qua họ có quyền nhớ đến nó.

Những cựu chiến binh tôi từng gặp họ tâm tư vì họ cũng hy sinh xương máu, tuổi trẻ nhưng cuộc chiến tranh biên giới lại không được quan tâm một cách bình đẳng như các cuộc chiến khác. Có lẽ đa số họ cũng không biết vì sao lại có chuyện đó để mà trách móc đâu. Có thể một số người từng ở vị trí này kia họ hiểu được nguyên nhân từ quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước, còn đa số sau chiến tranh trở lại là người dân bình thường.

Về mặt tiêu chuẩn chế độ (giá trị vật chất) những người lính chống TQ xâm lược cũng được hưởng đầy đủ như các thế hệ trước nhưng về mặt tôn vinh tinh thần có cảm giác như ít nhiều bị tránh né.

Điều đáng nói là chúng ta không giải thích được một cách rõ ràng điều đó. Hàng chục năm không nhắc đến cuộc chiến ấy đã hình thành một sự tự kiểm duyệt trong mỗi người, điều ấy là không tốt đối với tâm thức một dân tộc.

Đừng lãng quên những trang sử viết bằng máu của cha ông 2
Nhà văn Nguyễn Đình Tú

* Nếu không nhầm thì Xác phàm dường như là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được in trong nước kể từ những năm 1990 về đề tài chiến tranh biên giới phía Bắc?

- Anh cũng biết là với Văn nghệ Quân đội thì mảng đề tài về người lính, về chiến tranh luôn chiếm một vị trí quan trọng. Nhưng rất tiếc là từ hơn hai chục năm qua những tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh biên giới phía Bắc gần như là một khoảng trống khổng lồ. Tôi có thể xác nhận như vậy dựa trên thực tế 14 năm làm công tác biên tập ở Văn nghệ Quân đội, trong đó có 7 năm phụ trách mảng văn xuôi.

Nhắc đến chiến tranh biên giới sau khi biên tập thì chỉ chung chung là “loạn biên giới năm ấy” hay “năm ấy biên giới có động”...

Với bản thân tôi, khi viết Xác phàm cũng là viết trong tâm thế không biết viết rồi có in được không. Nhưng mình thấy cần viết thì phải viết. Viết như một sự tự nhắc nhớ lại cuộc chiến. Nhắc lại cuộc chiến không phải là gặm nhấm nỗi đau, không chỉ là ghi nhận những chiến công hay chia sẻ với những người đã khuất, những người đã để lại một phần xương máu, tuổi trẻ của mình ở chiến trường. Tôi nghĩ rằng, nhắc lại còn có nghĩa là để chúng ta không quên những đe dọa, những mối nguy họa ẩn tàng từ bên kia biên giới.

Nhắc lại cũng là trả lại sự thật lịch sử. Nếu bỏ quên nó quá lâu có nghĩa là chúng ta đang tự chối từ những trang sử đã được viết bằng máu và nước mắt của cha ông mình.

* Xin cảm ơn anh!

Trường Sơn
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.