Tháng 7 ở Ma Lù Thàng

27/07/2014 09:00 GMT+7

Giờ nói đến Ma Lù Thàng (xã Ma Ly Pho, H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nhiều người hay nối thêm từ 'khu kinh tế cửa khẩu'. Còn với những người lính kinh qua cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc, nhắc đến Ma Lù Thàng là dư âm tiếng súng đầu tiên lại dội về, cùng ký ức về một thời đạn pháo - lưỡi lê bất ngờ ào sang từ bên kia biên giới.

Giờ nói đến Ma Lù Thàng (xã Ma Ly Pho, H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nhiều người hay nối thêm từ “khu kinh tế cửa khẩu”. Còn với những người lính kinh qua cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc, nhắc đến Ma Lù Thàng là dư âm tiếng súng đầu tiên lại dội về, cùng ký ức về một thời đạn pháo - lưỡi lê bất ngờ ào sang từ bên kia biên giới.

Súng nổ trước tháng 2.1979

 Bức ảnh chụp chung và lời đề tặng của thiếu tướng Hà Ngọc Tiếu (khi đó là Phó tư lệnh Công an nhân dân vũ trang) với các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Ma Lù Thàng, sau trận 17.2.1979 - Ảnh: M.T.H chụp lại

Ông Lương Thế Hào, Phó vụ trưởng Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên chiến sĩ Đồn biên phòng Ma Lù Thàng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu từ 1976, đến giờ vẫn in sâu tên đơn vị cũ: “Đồn 33, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu” và nghẹn ngào: “Không có những năm tháng khốc liệt ấy, tôi không trưởng thành được như hôm nay”.

Tương tự, đại tá Nguyễn Quang Thọ (59 tuổi, nguyên cán bộ đồn từ 1976 - 1980) thành thực: “Kinh qua nhiều chức vụ, chuyển nhiều đơn vị nhưng ấn tượng sâu sắc nhất là thời gian công tác tại Ma Lù Thàng. Đây là nơi rèn luyện, thử thách nghiệt ngã nhất!”. Ông nhấn mạnh: “Cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2.1979 đã khẳng định sức mạnh của tình đồng đội trong những tình huống cam go nhất!”.

Những tháng năm khốc liệt và cam go mà những cựu binh nhắc đến là cuối những năm 1978, khi tại Ma Lù Thàng, hành động Trung Quốc lấn chiếm đất đai diễn ra sớm nhất và căng thẳng nhất: ngày 29.11.1978, Trung Quốc cho 1 đại đội tập kích Trạm biên phòng Lùng Chan của đồn.

Nhắc lại thời điểm trước tháng 2.1979, ông Lý Dân Quẩy (57 tuổi, ở bản Ma Ly Pho, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 64, Tỉnh đội Lai Châu) kể: Đơn vị đóng chốt trên điểm cao K88 ngay cạnh đồn biên phòng, nhìn thấy rõ phía Trung Quốc cho tập kết khá sớm, lộ liễu các đơn vị xe tăng, cơ giới dọc đường lớn sau Kim Thủy Hà. “Từ Đồn Ma Lù Thàng nhìn sang dãy đồi Pờ Xì Ngài của Trung Quốc, thấy rõ mồn một các ụ súng DKZ, đại liên dày đặc. Cả trận địa 5 khẩu pháo 105 ly và 2 trận địa hỏa tiễn H12 cũng nhìn được bằng mắt thường!”, ông Quẩy rành mạch vậy và cứ thi thoảng lại hướng mắt lên dãy núi phía bên kia biên giới: “Đạn pháo nó bắn, giết chết mấy chục anh em biên phòng còn rất trẻ!”.

Ông Phạm Trục (87 tuổi, hiện sống ở Yên Bái, nguyên Chính trị viên đồn thời điểm 1977 - 1980) kể: ngày 21.1.1979, tốp gồm 3 chiến sĩ Biên phòng Trạm 3 đang tuần tra dọc sông Nậm Na thì bị 1 trung đội lính Trung Quốc phục kích, bắn chết 1 chiến sĩ, bắt sống 1 người.

 

Hy sinh trên tay đồng đội

“Khi tôi quay lại chỗ giấu binh nhất Nguyễn Văn Mật, quê ở Đông Khê, Mê Linh, Vĩnh Phúc để đưa về tiếp thì ruột gan Mật đã lòi hết ra ngoài. Lấy mũ úp vào phần ruột đồng đội, băng lại và ôm lưng đưa về tuyến sau, nhưng do mất nhiều máu, Mật hực lên vài tiếng và chết ngay trên tay tôi, mắt vẫn mở trừng trừng!”.

Cựu binh Lê Đình Thế

Thịt xương tan trong đất

Buổi sáng 17.2.1979, Ma Lù Thàng là đồn biên phòng xa nhất về phía tây trở thành mục tiêu Trung Quốc tấn công (trong tổng số 47/60 đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung). Do nằm trên đường trục lớn cửa khẩu, đồn phải đối phó với hùng hậu bộ binh và xe tăng.

Ông Lê Đình Thế, nguyên chiến sĩ Đồn Ma Lù Thàng (hiện ở xã Nhạc Sơn, Sông Lô, Vĩnh Phúc) kể lại tâm trạng của cậu trai 19 tuổi “run lập cập” lần đầu hứng chịu trận mưa pháo từ bên kia biên giới, khi đang cùng tiểu đội 7 người chốt gác ở cầu cửa khẩu tuyến 1. Thế nhưng chỉ sau nửa ngày đánh trả quân xâm lược, cậu trai ấy đã một mình vừa bắn trả lính Trung Quốc, vừa cõng - dìu 2 đồng đội bị thương nặng thoát khỏi trận địa.

Với những cựu binh Đồn Ma Lù Thàng năm 1979, gương mặt xương xương của liệt sĩ - thiếu úy Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1950, tại xã Thiệu Long, H.Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa) không bao giờ phai nhòa. Sáng 17.2.1979, người quản lý “tay hòm chìa khóa” hậu cần của đồn đã chỉ huy 1 phân đội chặn đánh quân xâm lược ở mũi chính diện, đẩy lùi nhiều đợt tấn công. Bị thương vào tay, anh tự băng bó và tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Lần thứ ba, bị thương gãy cả hai chân, Nguyễn Văn Hiền vẫn không rời vị trí, tiếp tục động viên chiến sĩ phản kích quyết liệt. Địch dùng chiến thuật biển người ào lên hết đợt này đến đợt khác. Sắp hết đạn, Nguyễn Văn Hiền lệnh cho 12 chiến sĩ phá vây, rút về tuyến sau. Một mình anh ở lại ghìm chân địch và chiến đấu dũng cảm đến viên đạn cuối cùng, trưa 17.2.1979.


Mốc 66 ở Khu kinh tế Ma Lù Thàng 

Nhớ về người chồng ngã xuống khi mới 29 tuổi, cô giáo mới nghỉ hưu Nguyễn Thị Đường (hiện đang ở P.Đông Sơn, TP.Thanh Hóa) nghèn nghẹn: “Mảnh đất Ma Lù Thàng là một phần máu thịt của tôi!” và cho biết con trai là Nguyễn Việt Hùng cũng tiếp bước con đường của bố, đang là thượng úy, công tác tại Đại đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa.

Với người khác, cụm từ “một phần máu thịt” có thể chỉ là hình tượng, nhưng với gia đình cô giáo Nguyễn Thị Đường và Bộ đội biên phòng Ma Lù Thàng thì đó là sự thật còn nhiều hơn cả thật: trong số các cán bộ chiến sĩ biên phòng hy sinh tại đồn, có 8 người được xác định là “không có khả năng tìm kiếm thi hài” và thân thể các anh tan vào từng nắm đất biên cương.

Hội tụ ân tình

Tôi lên Ma Lù Thàng trước ngày 27.7.2014, hơn 35 năm sau ngày những người lính Đồn Ma Lù Thàng ngã xuống (17.2.1979). Con đường từ Pa So - trung tâm huyện Phong Thổ lên Ma Lù Thàng không còn gập ghềnh đèo dốc như những năm trước, mà láng mịn chạy thẳng đến cửa khẩu thông thương. Nơi đóng quân của đồn, tranh nứa, hầm hào công sự chằng chịt thưở nào giờ đã san lấp thành mặt bằng chờ doanh nghiệp nào đó đến xây dựng - đầu tư nhà xưởng, kho bãi. Thời gian có thể lấy đi di chứng, kỷ vật, chiến địa nhưng chắc chắn không xóa nổi ký ức oai hùng, gắn với những con người anh dũng.

Buổi chiều Ma Lù Thàng, thiếu tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên đồn, chở tôi dọc theo con sông Nậm Na, giới thiệu rành rọt từng địa danh gắn với sự kiện tháng 2.1979. Dọc đường đi, anh liên tục gọi điện thoại kiểm tra từng thông tin về những người lính năm xưa không tìm được thi thể, để gọi tên trong lễ cầu siêu tối mai. Hùng bảo: “Có những chuyện không được phép quên lãng, nhất là những sự thật lịch sử, để sống có trách nhiệm hơn với vùng đất mình gắn bó!”.

Những điều Hùng nói, tôi tin là thật. Thật như khi đến Ma Lù Thàng ngày này, chứng kiến những chiến sĩ trẻ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sáng mai về lại quê nhà, nhưng ngày cuối cùng ở đơn vị vẫn nhễ nhại mồ hôi dọn dẹp - tu sửa đài tưởng niệm 26 người lính của đồn hy sinh 35 năm trước. Thật như lời của cựu binh Lý Dân Quẩy người dân tộc Dao: “Ối! Tối nào tao cũng đợi ti vi chiếu xem cái giàn khoan của Trung Quốc nó làm gì ngoài biển!” và bảo: “Ở biên giới này, phải nhắc con cháu cảnh giác thôi!”.

Bao năm rồi, cuối tháng 7, những tấm bia ghi tên liệt sĩ trải dọc biên giới Việt - Trung luôn rừng rực khói hương, hằn soi ánh lửa trên phù hiệu hình vó ngựa gắn ve áo biên phòng.

Tháng 7, trời Tây Bắc đang mùa mưa bỗng cao xanh đến lạ, cứ thăm thẳm như màu biển Hoàng Sa kéo về hòa cùng màu lá xanh nơi địa đầu. Hình như, đó là màu xanh hội tụ áo lính quá khứ - hiện tại cùng chọn một ngày thiêng và cùng thề giữ nước non!

Mai Thanh Hải

>> Xuân về trên công trường thủy điện Lai Châu
>> Động đất 3,6 độ richter tại Lai Châu
>> T.Ư Đoàn tặng quà tết cho đồng bào Lai Châu
>> Khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu
>> Nét đẹp Lai Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.