Niềm tự hào của Tâm

27/07/2014 03:00 GMT+7

Chân ướt chân ráo về nước để theo đuổi một dự án duy nhất dành cho cộng đồng LGBT (đồng tính nam nữ, song tính và chuyển giới) trong suốt 3 năm, hành trình của Nguyễn Thanh Tâm vẫn còn rất nhiều thử thách, nhưng Tâm vẫn có cách vượt qua của riêng mình.


Nguyễn Thanh Tâm (giữa) - Ảnh: K.Nga 

Không ngần ngại thừa nhận mình thuộc thế giới thứ ba, Tâm chia sẻ từng rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng VN có hẳn những cộng đồng LGBT tại các thành phố lớn. Tâm quyết định tìm hiểu và tham gia một tổ chức phi chính phủ mang tên CSAGA tại Hà Nội. Ý tưởng mang dự án Pride (Tự hào) về VN ra đời khi Tâm được SIDA mời tham dự Stockholm Pride hè năm 2011.

Tâm quyết định nghỉ việc ở Singapore về VN để tập trung cho dự án trên. “Cái khó ở chỗ mình vẫn chưa thật sự đi sâu sát vào cộng đồng này ở nước mình. Hơn nữa, mọi người cũng nhìn dự án trên với điểm nhấn là đám đông diễu hành và ai cũng cho rằng đây chưa phải lúc. Nhưng thật sự nếu chỉ ngồi mà nói thì sẽ chẳng có bắt đầu hay thực tế nào cả”, Tâm chia sẻ.

Năm đầu tiên diễn ra thành công trước sự ngạc nhiên của nhiều người, nhưng bản thân Tâm đã chuẩn bị cho những năm tiếp theo, bởi Tâm không muốn Pride chỉ là sự kiện mà trở thành một hoạt động thật sự.

Theo Tâm, mỗi năm Viet Pride đều hướng đến những mục tiêu mới nhưng không quên hoàn thành những việc đã đề ra. Điểm nhấn của hoạt động năm nay là sự tham gia đông đảo của các đại diện LGBT ở nhiều độ tuổi tại 13 tỉnh, thành với các buổi chiếu phim; hội thảo với PFLAG (hội các phụ huynh có con thuộc cộng đồng LGBT); các buổi tham vấn dành cho các đại diện cùng các tổ chức từng hỗ trợ Pride ở nước ngoài cũng xoay quanh những hạng mục rất thiết thực như: việc làm, thành kiến của xã hội, các vấn đề mà cộng đồng LGBT gặp phải…

“Nhiều ý kiến vẫn cho rằng giới LGBT tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tệ nạn như: mại dâm, quan hệ tình dục không an toàn, các bệnh xã hội, nghề nghiệp bấp bênh… Điều này không sai, nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, lý do tại sao thì ít người nhìn thấy. Họ gặp thử thách, áp lực từ nhiều phía, gia đình lẫn xã hội. Và dường như các chính sách phòng chống tệ nạn hay bệnh tật cũng vô tình bỏ qua cộng đồng này”, Tâm chia sẻ. 

Tâm cũng cho rằng việc xóa bỏ những kỳ thị dành cho cộng đồng LGBT và sự tự định kiến của chính bản thân mỗi thành viên không thể làm trong ngày một ngày hai.

“Đó là một con đường rất dài, nhưng bản thân Tâm tự tin với đích đến của nó. Dĩ nhiên mình cũng không thể làm quá lên, ở nước ngoài người ta làm 10 rồi, mình cố gắng làm được 1 cũng tốt. Cũng sẽ có lúc Viet Pride trở thành một hoạt động thường niên và mọi người thấy chán. Nhưng có bạn bảo Tâm, hy vọng Pride giống như tết vậy đó, có chán đi nữa mỗi năm vẫn mong nó đến”, Tâm chân thành.

Theo đuổi dự án hơn 3 năm, Tâm cũng thú thật mình không có thời gian làm nhiều việc khác. Nhưng Tâm cũng đã kịp “gom” cho mình hàng loạt các học bổng và đang “sống dựa” vào tiền chi tiêu của các học bổng này. Từ trải nghiệm của mình, Tâm cũng hình thành ý tưởng về học bổng dành cho các bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT có hoàn cảnh khó khăn.

Viet Pride do Nguyễn Thanh Tâm tổ chức thường được biết đến với tên Pride Hà Nội (năm thứ 3 với chủ đề “Tay trong tay” diễn ra từ 1 - 3.8.2014) để phân biệt với Viet Pride Sài Gòn do Tổ chức ICS vừa thực hiện. Dù có những cách tiếp cận khác nhau nhưng hai sự kiện đều nhằm mục đích kết nối cộng đồng LGBT ở VN.

Kim Nga

>> Bạo hành trong những cặp đồng tính nữ
>> Chiếu phim ngắn về người đồng tính, chuyển giới
>> Tranh khắc đá cổ xưa về đồng tính
>> Hôn nhân đồng tính, bao giờ?  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.