Nắm đất nghĩa trang liệt sĩ trên bản đồ 'Hồn thiêng đất Việt'

27/07/2014 09:00 GMT+7

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), sáng 25.7 tại chùa Hoa Lâm (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nghệ nhân Võ Văn Hải cùng Ban trị sự chùa làm lễ cầu siêu cho anh linh các liệt sĩ, đồng thời giới thiệu 3 tấm bản đồ Hồn thiêng đất Việt rất kỳ công của ông.

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), sáng 25.7 tại chùa Hoa Lâm (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nghệ nhân Võ Văn Hải cùng Ban trị sự chùa làm lễ cầu siêu cho anh linh các liệt sĩ, đồng thời giới thiệu 3 tấm bản đồ Hồn thiêng đất Việt rất kỳ công của ông.

Người bán dạo “dọc đường gió bụi”


Ông Hải bên tấm bản đồ - Ảnh: Vietkings 

Võ Văn Hải (sinh năm 1955 tại Gò Công, Tiền Giang) từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu mỹ thuật, rất thích vẽ và mày mò khắc đẽo những miếng gỗ nhỏ thành tác phẩm lưu niệm (móc khóa, tượng…). Cưới vợ năm 1982, một năm sau họ có con. Đời sống kinh tế quá khó khăn, ông phải bỏ việc để bước vào một cuộc “phiêu lưu bất đắc dĩ” chỉ cốt kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Sẵn có hoa tay, nghề “tự do” đầu tiên của Hải là vẽ bong bóng bay và đi bán dạo. Đáng nể là ông không chịu “nằm vùng” ở địa bàn tỉnh Tiền Giang quê mình mà phiêu du khắp khu vực Nam bộ, ra tận hầu hết các tỉnh miền Trung. Hết thời bong bóng, ông chuyển qua nghề bán cháo dạo, rồi bán kem hè phố…

Năm 1986, Võ Văn Hải đưa gia đình lên Tây nguyên, cư ngụ tại khóm 9, buôn H’Dok, TP.Buôn Ma Thuột. Sinh sống ở quê hương mới cũng chẳng đỡ vất vả hơn, ông lại tiếp tục “chai mặt oằn vai” với đời để mưu sinh bằng những tháng ngày chạy xe ôm, bốc vác mướn cho đến tận năm 2000 mới bỏ nghề. Nhờ đi nhiều nơi, trải nghiệm được nhiều điều trong cuộc sống mà sau này ông viết nên tập thơ Việt Nam quê hương tôi do NXB Văn hóa nghệ thuật TP.HCM xuất bản năm 2012 (thơ lục bát, dài 3.709 câu).

Tâm nguyện với đất nước

Nguyên nhân khiến ông buộc phải “dừng bước giang hồ” là căn bệnh hoại tử đại tràng nhưng không thể phẫu thuật. Sau khi biết mình phải “về hưu non” vì căn bệnh quái ác không biết sẽ “điểm danh” lúc nào, ông đã hoàn tất thủ tục hiến xác cho y học. Lúc này, hai người con trai đều đã có gia đình riêng nên ông yên tâm với những “cuộc chơi” mới. Năm 2011, ông Hải trở thành Kỷ lục gia VN khi sở hữu Ngoạn thạch vi ảnh (cuốn sách bìa bằng nu cây cà phê lớn nhất) và Kỳ thạch vi ngoạn ảnh (viên đá ghi nhiều hình ảnh nhất). Năm 2013, ông tiếp tục thực hiện kỷ lục Bộ tem bằng gỗ đầu tiên về cộng đồng 54 dân tộc VN  (phỏng theo bộ tem bưu chính đã phát hành) và nhiều công trình khác... Nhưng có lẽ gian khổ nhất, được ông đặt tâm tư, nguyện vọng nhiều nhất là Hành trình Hồn thiêng đất Việt, đi tới 63 tỉnh thành và các hải đảo của cả nước, nhận mẫu đất tại các khu nghĩa trang liệt sĩ linh thiêng nhằm thực hiện ước mơ làm nên những bản đồ VN với kích thước lớn.

Ấp ủ đề tài từ giữa năm 2011 nhưng mãi đến tháng 10 năm đó ông Hải mới quyết định… bán nhà để thực hiện. Nhà bán được 350 triệu đồng, ông mua lại mảnh đất và căn nhà nhỏ hết 150 triệu, còn dư 200 triệu đủ thực hiện ước mơ đi xuyên Việt bằng xe máy… Để  hoàn thành tâm nguyện, ông đã gửi đơn đề nghị hỗ trợ đến Tổ chức Kỷ lục VN (Vietkings) và UBND tỉnh Đắk Lắk. Vietkings đã có công văn gửi Bộ LĐ-TB-XH đề nghị hỗ trợ ông sưu tầm đủ mẫu đất ở nghĩa trang liệt sĩ tại 63 tỉnh thành và 4 đảo: Phú Quốc, Côn Đảo, Hoàng Sa, Trường Sa.

Sáng 1.11.2011, ông Võ Văn Hải cùng cán bộ chiến sĩ Binh đoàn Tây nguyên làm lễ dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk, mở đầu hành trình xuyên Việt bằng xe máy. Đi đến đâu, ông đều chụp hình ghi dấu và lấy xác nhận của chính quyền địa phương. Đến ngày 10.6.2014, ông nhận phần đất tại Côn Đảo và kết thúc cuộc hành trình kéo dài 3 năm. Mỗi bản đồ được xây dựng bằng gỗ, khung làm bằng gỗ căm xe chia thành các ô, mỗi ô là một tỉnh, thành theo đúng tỷ lệ và ranh giới hành chính. Trong mỗi ô tỉnh, thành là đất mà ông Hải lấy từ chính địa phương đó. Phần nền kết bằng 54 tấm ván biểu trưng cho 54 dân tộc, viền xung quanh hình 18 con chim Lạc làm bằng gỗ hương đang bay tượng trưng 18 đời Hùng Vương.

Ông Võ Văn Hải đã kịp hoàn thành ý nguyện của mình. Chiều 24.7, dù đang rất bận bịu cho lễ cầu siêu được tổ chức vào sáng 25.7 tại chùa Hoa Lâm, nhưng qua điện thoại liên lạc, ông rất vui: “Tôi sẵn sàng khóc để cho vạn người cười. Đó là hạnh phúc của tôi!”. 

3 tấm bản đồ lần lượt được hoàn thiện với kích thước lớn. Tấm thứ nhất (khổ 1,6 m x 1,1 m), sau lễ cầu siêu tại chùa Hoa Lâm lúc 8 giờ sáng 25.7, được Ban Chỉ đạo Tây nguyên chuyển ra tặng đảo Trường Sa. Tấm bản đồ thứ hai (2,6 m x 1,9 m) đặt tại chùa Hoa Lâm để cầu quốc thái dân an. Còn tấm bản đồ lớn nhất (3,5 m x 2,6 m) nặng hơn 500 kg sẽ được đưa về Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ, sau đó dâng lên đền Hùng (Phú Thọ) nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10.3 âm lịch).

Hà Đình Nguyên

>> Triển lãm bản đồ, tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa
>> Tấm bản đồ xâm lăng của Trung Quốc
>> Bản đồ mới của Trung Quốc bị lên án
>> Bản đồ dọc Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền VN
>> Xếp hình bản đồ Việt Nam hướng về biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.