Kìm giá mua điện trong 20 năm ?

26/07/2014 06:10 GMT+7

Dự thảo mới của Bộ Công thương khiến nhiều thủy điện nhỏ đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động.

Dự thảo mới của Bộ Công thương khiến nhiều thủy điện nhỏ đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động.

Khống chế giá mua điện 20 năm, nhiều thủy điện nhỏ có thể phá sản - Ảnh: TTXVN
Khống chế giá mua điện 20 năm, nhiều thủy điện nhỏ có thể phá sản - Ảnh: TTXVN 

Một số chủ đầu tư các dự án nhà máy thủy điện nhỏ đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương kiến nghị về dự thảo quy định khống chế giá mua điện trong 20 năm của các tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn điện lực VN (EVN). Cụ thể, trong dự thảo thông tư trên, theo bản hợp đồng mẫu, điều 6 có quy định: “Hợp đồng này có hiệu lực thực hiện sau khi ký kết và chấm dứt sau hai mươi năm kể từ ngày vận hành thương mại...”.

Không đúng cơ chế thị trường

 

Nếu có chính sách hợp lý, chúng ta sẽ huy động được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào ngành điện, giảm sự lệ thuộc vào việc mua điện từ Trung Quốc như ở các tỉnh phía bắc

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư năng lượng VN

Điều này đang gây bức xúc cho chủ đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ (có công suất dưới 30 MW), đối tượng điều chỉnh chính của dự thảo, khi giá mua điện của các tổng công ty điện thuộc EVN sẽ không thay đổi trong 20 năm. Ông Lê Trường Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Mai Châu (Hòa Bình), cho biết ông không ký đơn trên nhưng một bản hợp đồng quy định như vậy là khá cứng nhắc và bất lợi cho các nhà máy thủy điện nhỏ. Ông Thủy đề nghị phía EVN giữ nguyên, thực hiện đúng thời hạn trong bản hợp đồng mà công ty của ông đã ký.

Tỏ thái độ bức xúc hơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện Tam Long (Đắk Lắk) Bùi Văn Hùng cho rằng: “Nếu quy định trên được áp dụng, các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa sẽ lâm cảnh khốn khó, nguy cơ đóng cửa là rất lớn”. Theo ông này, trong 4 năm (2009 đến 2013), giá bán điện lẻ của EVN cho người dân đã tăng 59%, từ 948 đồng lên hơn 1.508 đồng mỗi kWh nhưng biểu giá chi phí tránh được của các nhà máy thủy điện nhỏ trong thời gian đó chỉ tăng 24% (từ 760 đồng lên 983 đồng/kWh). Riêng năm 2014, các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa không được tăng giá.

Ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Tân - chủ đầu tư dự án Thủy điện Hà Nang (công suất 11 MW) ở Quảng Ngãi, nhận xét bản hợp đồng áp đặt một mức giá trong 20 năm như vậy là quá bất lợi cho nhà đầu tư. “Cứ tính trượt giá trung bình 6 - 7%/năm trong khi giá bán điện giữ nguyên thì doanh nghiệp (DN) bán điện thiệt hại biết bao nhiêu? Nó không công bằng và không đúng với cơ chế thị trường”, ông Lập nói. Cũng theo ông Lập, nhiều nhà máy thủy điện tư nhân đã rất khốn khổ vì chịu lãi suất cao, nay lại không lường trước được những cái khó do ngành điện áp đặt.

“Sẽ do đàm phán giữa hai bên”

Giám đốc Nhà máy thủy điện Sông Bung 6 (29 MW) Nguyễn Văn Khánh thông tin giá bán điện ở nhà máy của ông chỉ 550 đồng/kWh và năm 2013, công ty đã lỗ 4 tỉ đồng. Nếu dự thảo trên được thông qua thì nhà máy của ông khó tồn tại được.

Trong bản kiến nghị gửi tới Văn phòng Chính phủ, chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương không thông qua dự thảo thông tư và cần có chính sách mua giá điện theo cơ chế thị trường: tăng khi giá bán điện tăng và giảm cũng giảm theo mức giảm chung phù hợp. Ông Huỳnh Kim Lập thì đề nghị hai bên vẫn ký hợp đồng nhưng giá mua bán điện sẽ thay đổi theo phụ lục hợp đồng, tùy theo diễn biến, thay đổi chi phí đầu vào sản xuất để đảm bảo cho các nhà máy điện hoạt động được, có lợi nhuận hợp lý.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư năng lượng VN, cũng nhận xét ngành điện nên có cơ chế mua điện của các dự án thủy điện nhỏ ở mức hợp lý để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án thủy điện theo quy hoạch, đóng góp vào sự phát triển nguồn điện. “Nếu có chính sách hợp lý, chúng ta sẽ huy động được sự tham gia của nhiều DN khác đầu tư vào ngành điện, giảm sự lệ thuộc vào việc mua điện từ Trung Quốc như ở các tỉnh phía bắc”, ông nói.

Ông Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương)cũng cho rằng: “Hợp đồng mua bán, thời hạn cụ thể thế nào sẽ do đàm phán giữa hai bên. Theo từng nhà máy, có hợp đồng 15 - 20 năm, có bản hợp đồng 30 năm chứ không cố định”.

Nên có hệ số cộng thêm

Dễ hiểu tại sao Bộ Công thương đưa ra một mẫu hợp đồng có thời hạn lâu như vậy với các nhà máy thủy điện. Bởi vì, nói chung là các nhà máy thủy điện thì chi phí đầu vào không biến động nhiều, mạnh như các nhà máy nhiệt điện, điện chạy than hay khí... Tuy nhiên, theo tôi thì thời gian duy trì mức giá như vậy cũng là khá dài. Nếu giữ thời gian hợp đồng như vậy thì cũng nên có một hệ số nào đó để cộng thêm những biến động về chi phí giá nguyên vật liệu, trượt giá tác động đến tiền lương nhân công... để giảm bớt rủi ro cho nhà sản xuất.

GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực VN

Mạnh Quân

>> Lo cho giá xăng, giá điện
>> Nhờ tăng giá điện, EVN lãi hơn 4.000 tỉ đồng
>> EVN lại đề nghị tăng giá điện
>> Nhanh chóng xóa bỏ độc quyền
>> Tôi có ý kiến: Phá thế độc quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.