Chuyện về sư đoàn trưởng hy sinh ở chiến trường Campuchia

26/07/2014 09:20 GMT+7

(TNO) Đại tá, Sư đoàn trưởng Vũ Tiến Đức là một trong số rất ít sỹ quan chỉ huy cao cấp của quân đội ta hy sinh tại mặt trận Campuchia khi chiến đấu chống Khmer Đỏ (ngoài ông còn có thiếu tướng Kim Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3).

(TNO) Đại tá, Sư đoàn trưởng Vũ Tiến Đức là một trong số rất ít sỹ quan chỉ huy cao cấp của quân đội ta hy sinh tại mặt trận Campuchia khi chiến đấu chống Khmer Đỏ (ngoài ông còn có thiếu tướng Kim Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3).

>> Tiễn biệt chiến sĩ thứ 19 hy sinh trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc
>> Sự hy sinh bảo vệ Tổ quốc không bao giờ bị lãng quên
>> Báo Thanh Niên hỗ trợ gia đình các chiến sĩ hy sinh
>> Hàng ngàn người tiễn đưa chiến sĩ hy sinh tại Trường Sa

Ông Vũ Tiến Đức nguyên là thiếu tá, Chính uỷ Trung đoàn 66, Sư đoàn (F) 304, Quân đoàn 2, đơn vị đánh vào cửa ngõ Sài Gòn rồi hợp quân tại Dinh Độc lập chiều ngày 30.4.1975. Những tưởng hoà bình rồi thì ông sẽ có điều kiện trở về đoàn tụ vợ, con sau hai chục năm đằng đẵng xa quê hương Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nào ngờ, khi ông vừa tốt nghiệp Học viện Chính trị trung-cao thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông được cấp trên điều về F319, Quân khu 3 làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn. Khi đó, Sư đoàn mới này có nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị động viên cho quân đội.


Liệt sĩ, đại tá Sư đoàn trưởng Vũ Tiến Đức - Ảnh: Gia đình cung cấp

Biên giới Tây-Nam ngày một nóng bỏng, tin tức về những trận thảm sát dân lành của bọn Khmer Đỏ Pol Pot liên tục dội về và ngày một kinh hoàng hơn. Có lẽ vì ông là cán bộ chỉ huy có kinh nghiệm trận mạc nên cấp trên lại tiếp tục điều động ông vào mặt trận Tây-Nam. Sang Campuchia, ngoài chức danh Sư trưởng của quân ta, ông còn là chuyên gia của Sư đoàn trưởng 286 phía Campuchia, thuộc Mặt trận 479. Trong một trận đánh mà ông trực tiếp chỉ huy, ông bị trúng mìn của Khmer Đỏ gài trong xe. Ông bị thương nặng toàn thân và không qua khỏi vì chấn thương sọ não do Quân y tiền phương không phát hiện sớm. Ông hy sinh ngày 31.12.1984, khi mới 48 tuổi.

 

Năm 1984, đại tá Vũ Tiến Đức từng được Tư lệnh Mặt trận Lê Đức Anh (sau này là Chủ tịch Nước CHXHCN VN) gợi ý: cậu là một sư trưởng trẻ có kinh nghiệm trận mạc và triển vọng của quân đội, cậu nên suy nghĩ, cuộc chiến đấu chắc còn lâu. Mặt trận cần cậu. Cậu nên đưa vợ con vào Nam Bộ để có điều kiện qua lại hơn. Tôi sẽ bố trí nhà cửa cho gia đình cậu và bố trí cả công tác cho cháu (con trai ông Đức khi đó là thiếu uý). Đại tá Đức cũng chỉ ngỏ lời cám ơn Tư lệnh rồi hứa sẽ trả lời Tư lệnh sau.

Tôi có may mắn được làm chiến sĩ công vụ cho ông ngay sau ngày chiến tranh biên giới phía Bắc (17.2.1979) nổ ra được 1 tháng. Ông hy sinh ở mặt trận Tây-Nam được vài năm tôi mới biết tin. Và rồi phải lần mò một thời gian, tôi  mới tìm được người con trai của ông, khi đó đã phục viên về gia đình vì hoàn cảnh mẹ già đau yếu để có điều kiện chăm sóc thay người cha hy sinh. Anh Vũ Tiến Hưng, con trai ông cho hay, chính giai đoạn 1979 đó, Hưng được bố đưa lên đơn vị ở ít tuần là để ông có dịp gần con khi cậu đang học ở cuối cấp 2. Vì thế, anh em tôi lúc đó cũng có dịp gắn bó với nhau. Có lần thủ trưởng tôi đã tâm sự với con: "Anh Phong đã có bằng đại học, đi làm báo rồi mới đi bộ đội đấy. Chính vì thế, bố không để anh ấy phải giặt quần áo cho bố mà để làm thêm những công việc khác tốt hơn bên cạnh công việc của người lính công vụ".

Thì ra là như vậy, hèn nào bạn bè tôi hồi đó cứ thắc mắc thay tôi, làm công vụ thì có phải giặt quần áo cho thủ trưởng không. Tôi nói, họ không tin vì thấy có cậu bạn làm công vụ cho đại đội trưởng thôi mà đã phải làm tuốt tuột... Trong khi đó, ông bắt tôi ngồi ăn cùng mâm để còn chuyện trò, không phân biệt cấp bậc. Vì ở nhà dân lại không ai dặn, tôi không biết như vậy là trái nguyên tắc. Thày trò chúng tôi đã sống như thế trong suốt một thời gian. Rồi ông gợi ý với tổ chức điều tôi sang làm Tuyên huấn của Sư đoàn... Sau này nghĩ lại, có lẽ trong thời gian làm công vụ, thi thoảng ông có nhờ tôi sửa sang, biên tập giúp những bản đề cương tuyên truyền để ông xuống cơ sở giảng bài. Qua đó, ông cảm nhận được nên bố trí công việc khác phù hợp cho tôi. Thực ra, chữ viết và văn phong của ông quả là rất đẹp và mẫu mực.

Giúp thủ trưởng cũng bị… giận

Ông Phạm Minh Châu, người xã An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình, nguyên Tiểu đoàn trưởng Công binh, F381, Quân khu 3 kể: Năm 1981, khi ông Đức chuyển công tác từ F319 sang làm Chủ nhiệm Chính trị F381, họ gặp nhau, mừng vui khôn xiết. Vì cùng đơn vị với ông Đức khi còn ở F304 thời chống Mỹ, lại cùng quê, nên ông Châu biết rõ gia cảnh khó khăn của thủ trưởng Đức thế nào. Lúc đó, nhà ở quê ông Đức vẫn vách đất lợp rạ đơn sơ. Ông lẳng lặng xin Quân khu 3 mua được 30 cây tre luồng theo giá bao cấp rồi cho chở về nhà giúp ông Đức. Nhưng vì ông không nói gì trước với thủ trưởng nên đã bị ông giận, giận cho tới khi ông Đức chuyển công tác sang Campuchia, ông mới... cười xí xoá. Ông Đức bảo làm như vậy sẽ mang tiếng là lãnh đạo tư lợi. Câu chuyện đó, gia đình chỉ được biết vào năm 2008, khi Hưng đưa hài cốt ông từ Nghĩa trang liệt sĩ Thủ Đức (TP.HCM) về quê. Ông Châu hay tin, bất chấp trận mưa, lụt khủng khiếp ở miền Bắc năm đó lên thắp hương thủ trưởng rồi kể lại trong nỗi ngậm ngùi và cả sự cảm phục về người chỉ huy liêm khiết năm xưa của mình.

 
Sau nhiều năm, hài cốt của đại tá, Sư đoàn trưởng duy nhất hy sinh ngoài mặt trận Tây Nam đã được gia đình đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà, xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình - Ảnh: Gia đình cung cấp

Thiếu tướng Trần Đình Cửu, Phó tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 7, khi họp để bàn kế hoạch tổ chức lễ truy điệu cho đại tá Đức đã phát biểu (có gia đình dự và kể lại), đại thể: cấp đại tá của Quân đội ta thì nhiều, nhưng năng động và xông xáo như Sư đoàn trưởng Đức thì không có mấy...

Được biết, sau khi cuộc chiến kết thúc, Mặt trận 479 cũng không còn nữa. Không hiểu có phải vì vậy không mà nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hy sinh, chiến công rất oanh liệt nhưng chế độ chính sách thì không mấy ai được đề đạt, truy tặng danh hiệu này nọ.

Đại uý Nguyễn Văn Đấu (đồng hương ông Đức), chuyên gia giúp bạn ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Xiêm Riệp, kể rằng, do Mặt trận 479 đã giải tán nên cỡ như Sư trưởng Đức, vợ con ông nay cũng còn thiệt thòi huống chi như ông, có 8 năm đeo quân hàm đại uý mà vẫn không nhúc nhích gì. Lý do là cả Phòng Chuyên gia cũng như Bộ Chỉ huy Mặt trận đã bàn giao cho Quân khu 7 cũng không nắm chắc thông tin, nên cả người sống lẫn người hy sinh đều thiệt. Thật ngậm ngùi khi nghĩ về họ, đặc biệt là vào những dịp lễ, tết mỗi năm.

Tôi xin mượn lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân năm xưa để ca ngợi những người lính Cụ Hồ như Sư trưởng Vũ Tiến Đức. "Người chiến sĩ ấy/ai đã gặp Anh/không thể nào quên!/Không thể nào quên!..." thay cho lời kết khi viết về những người sĩ quan cấp cao như ông nhưng vẫn giữ chất lính giản dị muôn thuở trong mình, không đổi thay dù có ở vị trí nào.

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.