Vụ một lô rừng 2 người mua: Tòa 'xin'... tuyên án sau

24/07/2014 10:17 GMT+7

Ngày 17.7, sau khi đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng mua bán rừng trồng tại Quảng Trị, thay vì tuyên y án sơ thẩm hoặc đồng ý với các kháng cáo, kháng nghị để thay đổi án sơ thẩm, thì HĐXX của TAND tối cao tại Đà Nẵng lại “xin” bị đơn, nguyên đơn và các bên liên quan giữ lại bản án và sẽ triệu tập lại các bên để tuyên án sau.

Vụ một lô rừng 2 người mua: Tòa 'xin'... tuyên án sau

Bà Đào Thị Hồng và nhóm hộ bán rừng trồng tại phiên phúc thẩm 17.7 - Ảnh: Nguyễn Phúc

Một lô rừng có 2 người mua?

Nguyên đơn của vụ kiện là ông Hoàng Trọng Độ (49 tuổi, trú xã Vĩnh Lâm, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Đồng bị đơn là nhóm hộ các ông Nguyễn Bặm, Lê Cương, Hồ Thanh Xuân (cùng trú xã Hải Thượng, H.Hải Lăng, Quảng Trị- gọi tắt là nhóm hộ). Người có nghĩa vụ liên quan là bà Đào Thị Hồng (47 tuổi, trú xã Hải Thượng).

Theo nguyên đơn, năm 2007, (ông Độ  cùng bà Hồng, 2 người lúc này rất thân thiết) đã thỏa thuận với nhóm hộ mua 10 ha rừng trồng thuộc xã Hải Trường (H.Hải Lăng) giá 340 triệu đồng. Nguyên đơn cũng cho rằng ông đã đặt cọc 50 triệu đồng và đưa tiếp 250 triệu đồng vào các ngày 25.12.2007 và 30.12.2007 cho nhóm hộ để mua rừng. 

Thời gian về sau, ông Độ bà Hồng không còn thân thiết như xưa. Chính ông Độ đã tố cáo bà Hồng và năm 2009, bà Hồng bị Viện KSND H.Hải Lăng truy tố, bắt tạm giam về tội “Trộm cắp tài sản” do bà Hồng đã cho khai thác chính lô rừng của nhóm hộ nói trên. Tuy vậy, sau hai phiên phúc thẩm và sơ thẩm, tòa án đã tuyên bà Hồng vô tội. Về sau, bà Hồng khởi kiện và Viện KSND H.Hải Lăng đã phải bồi thường oan sai cho bà 695 triệu đồng...

Theo bà Đào Thị Hồng, số tiền 250 triệu đồng là của bà trả cho nhóm hộ. Cũng theo bà này, thì ngay sau khi thoát khỏi vòng lao lý, nhóm hộ đã nhiều lần yêu cầu ông Độ, bà Hồng khai thác rừng, nhưng ông Độ không có trả lời mà chỉ có bà Hồng trả nốt 40 triệu còn lại và bồi thường cho nhóm hộ hơn 123 triệu đồng do vi phạm hợp đồng, chậm khai thác.

Cả 2 bên đều có các loại giấy tờ, chứng cứ bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng tại phiên sơ thẩm, chủ tọa đã nhận định các tài liệu của ông Độ đưa ra có một số không phù hợp với diễn biến vụ việc, nhưng 2 hội thẩm nhân dân lại cho rằng việc khởi kiện của ông Độ là có cơ sở. Cuối cùng, HĐXX đã tuyên buộc nhóm hộ phải trả lại cho ông Độ khoản tiền 300 triệu đồng.

Trớ trêu, phiên sơ thẩm diễn ra ngày 17.4, HĐXX hẹn các bên liên quan ngày 21.4 sẽ tuyên án nhưng lại bất ngờ tuyên vào ngày 18.4, khi vắng mặt nhóm hộ và bà Hồng.

Chưa có câu trả lời

Sau khi có bản án sơ thẩm, Viện KSND tỉnh Quảng Trị kháng nghị tòa phúc thẩm sửa bản án, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Độ. Nhóm hộ và bà Hồng cũng có kháng cáo tương tự đồng thời đề nghị tòa phúc thẩm xem xét việc 2 hội thẩm nhân dân thiếu khách quan trong xét xử. Thậm chí, ông Độ (người được cho là đã “thắng” trong phiên sơ thẩm) cũng có kháng cáo không đồng ý với phần nhận định của bản án, một lần nữa khẳng định chứng cứ của mình là chính xác.

Tại phiên phúc thẩm, các bên liên quan không đưa ra các chứng cứ gì mới mà chỉ diễn giải, bảo vệ quan điểm của mình. Riêng các nhóm hộ khẳng định lô rừng đã bán cho Độ và Hồng vì theo họ lúc bán 2 người này rất thân thiết, tuy 2 mà 1. Trước khi tòa nghị án, vị đại diện Viện KSND tối cao một lần nữa đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, bác đơn kiện của ông Độ.

Sau khi nghị án, quay lại xét hỏi rồi lại... nghị án, HĐXX vẫn không đưa ra được phán quyết cuối cùng cho vụ kiện dân sự này. Và “câu kết” của HĐXX như đã nêu ở đầu bài đã làm toàn bộ các bên liên quan chưng hửng. “Tôi cũng thấy làm lạ khi không nghe HĐXX hẹn ngày nào sẽ tuyên án. Giờ chúng tôi biết làm gì ngoài việc ngồi đợi?”, bà Đào Thị Hồng nói.

Vi phạm quy định tố tụng?

Sáng 23.7, PV Thanh Niên liên lạc với bà Đào Thị Hồng thì được bà này cho biết vẫn chưa nhận được triệu tập của tòa. Trong khi đó luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng thì theo điều 197 Bộ luật tố tụng dân sự, việc xét xử phải được tiến hành liên tục, các thành viên của HĐXX phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc (tuyên án), trong trường hợp đặc biệt thì việc xét xử có thể tạm ngừng không quá 5 ngày làm việc. Còn theo điều 236 Bộ luật tố tụng dân sự quy định trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án đòi hỏi phải có thời gian dài thì HĐXX có thể quyết định thời gian nghị án, nhưng không quá 5 ngày làm việc kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên toà. HĐXX phải thông báo cho những người có mặt tại tòa biết ngày giờ, địa điểm tuyên án. “Đối chiếu với các quy định được viện dẫn ở trên, việc HĐXX phúc thẩm đã tiến hành xong phần tranh luận, đã nghị án mà không tuyên án và cũng không thông báo về ngày, giờ, địa điểm tuyên án là một điều rất lạ, trái với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục xét xử vụ án dân sự. Việc này dễ dẫn đến sự hoài nghi, khó hiểu của các đương sự cũng như dư luận đối với việc giải quyết vụ án”, LS Cao nói.

 Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.