Trầy trật sau xuất khẩu lao động

25/07/2014 03:00 GMT+7

Được kỳ vọng sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng sau khi đi xuất khẩu lao động về, nhiều lao động trẻ không thể phát huy những kỹ năng đã làm việc và học ở nước ngoài. Hầu hết phải tự xoay xở tìm việc, thậm chí sống khá trầy trật, vất vả.

Trầy trật sau xuất khẩu lao động 
Rất hiếm hội chợ việc làm dành cho người lao động trở về nước - Ảnh: T.Hằng

May mắn hơn rất nhiều bạn bè cùng quê, Vũ Văn Trọng (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) không phải tốn một đồng nào lo lót, chạy chọt cho môi giới để ra nước ngoài làm việc. Nhờ có tấm bằng trung cấp cơ khí, Trọng được tuyển chọn sang Nhật làm tu nghiệp sinh. Đầu năm 2011, Trọng trở về với số vốn tích lũy hơn 300 triệu đồng. Sau hơn 3 năm, số tiền dành dụm để xây sửa nhà, lấy vợ sinh con cũng đã cạn.

Cũng như Trọng, sau khi hết hạn hợp đồng ở Đài Loan về nước, Nguyễn Bùi Hợi, quê Thuận Thành, Bắc Ninh tự mày mò xin việc. “Tìm hiểu một vài công ty, tình hình không mấy khả quan. Một số bạn bè của tôi xin làm bảo vệ cũng phải trông cậy vào người quen. Tôi ở quê, chờ cơ hội mới, thấm thoắt 2 năm trôi qua, giờ có vợ có con ngại đi xa, đành từ giã giấc mộng công nhân”.  

Thiếu chính sách hỗ trợ

 

Nếu đi xuất khẩu LĐ chỉ để xây nhà, mua vật liệu mà không tái tạo kinh doanh thì lãng phí vô cùng

Ông Lê Nguyễn Nhật Tân
Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu LĐ

Tại hội thảo “Chính sách tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động (NLĐ) trở về” được Bộ LĐ-TB-XH tổ chức mới đây, đại diện Cục Quản lý LĐ ngoài nước cho hay đa phần NLĐ rất khó khăn khi tìm việc tương tự như đã làm ở nước ngoài, chỉ có 9,38% LĐ tìm được công việc phù hợp có liên quan đến việc họ đã làm.

Theo quy định của luật về người VN đi làm việc ở nước ngoài, Sở LĐ-TB-XH có trách nhiệm hướng dẫn, giới thiệu NLĐ đăng ký tìm việc làm phù hợp, nhưng có tới 50/63 tỉnh thành không nắm được số NLĐ về nước. Bà Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, LĐ và việc làm, thẳng thắn: “Sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và đối tác xã hội trong việc hỗ trợ NLĐ hòa nhập thị trường LĐ còn thiếu và yếu”. Lý giải về điều này, thạc sĩ Phạm Nguyên Cường, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay do thiếu thông tin về thị trường LĐ nên phần lớn NLĐ không được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ tìm việc làm và không tìm được những công việc phù hợp có thể phát huy kỹ năng tay nghề đã tích lũy. “Các cơ quan quản lý chưa có chính sách và cách thức để quản lý hồ sơ nghề nghiệp nên đã không tạo ra sự kết nối giữa cung và cầu về LĐ trong nước. Ngoài ra còn thiếu các chương trình, giải pháp để giúp họ sản xuất kinh doanh, phát huy kiến thức đã có khi làm việc ở nước ngoài. Việc tiếp cận các khoản tín dụng của NLĐ khi trở về hầu như không đáng kể và không thuận lợi. Người có vốn cũng không được tư vấn hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh”, thạc sĩ Cường nhận xét.

Xây dựng ngân hàng dữ liệu nguồn nhân lực

 

Khảo sát của Viện Khoa học LĐ và xã hội cho thấy gần 35% số tiền tích lũy được của người đi xuất khẩu LĐ dành cho trả nợ, gần 28% cho sửa chữa nhà ở, xây dựng; 9% đầu tư cho sản xuất kinh doanh; khoản đầu tư cho giáo dục chỉ có 3%. Có 89% không tìm được việc làm tương tự như đã làm ở nước ngoài. Đây là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực.

Bà Mai Thúy Hằng, Trưởng phòng Tư vấn giải pháp nhân sự của Tập đoàn Manpower tại VN cảm thấy tiếc khi VN đang lãng phí nguồn nhân lực xuất khẩu LĐ. Bà Hằng cho biết: “Nhiều doanh nghiệp khó tuyển NLĐ có kỹ năng, trong khi đó khoảng 49% lao động xuất khẩu của VN có chất lượng tay nghề, tác phong công nghiệp, kỷ luật, ngoại ngữ khá tốt”.

Ông Lê Nguyễn Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu LĐ cho rằng với hơn 560.000 LĐ đang làm việc trong 30 nghề tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, VN đang sử dụng rất lãng phí nguồn nhân lực. “Nếu đi xuất khẩu LĐ chỉ để xây nhà, mua vật liệu mà không tái tạo kinh doanh thì lãng phí vô cùng. Lẽ ra chúng ta phải xây dựng cơ sở dữ liệu xem có bao nhiêu các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang ở đây, có nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt là hình thành các cơ sở dữ liệu, vị trí trống để khi NLĐ về thì tư vấn, cho họ yên tâm trước khi đi. Cần có một bộ máy chuyên trách làm cái này, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu, nếu không sẽ quá muộn”, ông Tân nói.

Còn theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước, “hậu xuất khẩu LĐ” là một vấn đề quan trọng quyết định hiệu quả của việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hiện Bộ LĐ-TB-XH mới chỉ phối hợp tổ chức hội chợ việc làm cho LĐ trở về từ Hàn Quốc đúng hạn tại một số địa phương, còn các dịch vụ hỗ trợ khác chưa có kết nối thường xuyên. “Việc làm là vấn đề then chốt để NLĐ trở về hòa nhập cộng đồng nhanh nhất. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất Bộ đưa ra những chính sách và công cụ để đẩy mạnh công tác tái hòa nhập thị trường LĐ, nhất là giúp NLĐ sử dụng tài chính và kỹ năng nghề ”, ông Hải nói.

Thu Hằng  

>> Tăng cường quản lý xuất khẩu lao động 'chui
>> Nộp 7.000 USD để đi xuất khẩu lao động... chui
>> Bắt 2 người lừa xuất khẩu lao động, chiếm đoạt 2,5 tỉ đồng
>> Lừa 76 người đi xuất khẩu lao động, chiếm đoạt cả tỉ đồng
>> Dừng hoạt động 14 doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Đài Loan
>> Xử lý nghiêm các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thu thêm phí 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.