Thành cổ Biên Hòa trước nguy cơ đổ sụp

24/07/2014 09:00 GMT+7

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa có tuổi đời 200 năm đang xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ đổ sụp.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa có tuổi đời 200 năm đang xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ đổ sụp.

 
Công trình kiến trúc Thành cổ Biên Hòa đang xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: L.C.T

 
Nội thất các công trình kiến trúc cổ tan hoang

Hiện trạng thành cổ

Thành cổ Biên Hòa được nhân dân và binh lính đắp bằng đất (thế kỷ 14 - 15), sau được nhà Nguyễn cho xây lại bằng vật liệu đá ong (năm Gia Long thứ mười lăm - 1816, năm Minh Mạng thứ mười tám - 1834). Đến thời kỳ Pháp chiếm đóng (năm 1861), thành được xây dựng cả bằng vật liệu hiện đại.

Bộ sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn năm 1820 viết: “Thành Biên Hòa chu vi 388 trượng, cao tám thước, năm tấc, dày một trượng, hào rộng bốn trượng, sâu sáu thước, mở bốn cửa, dựng một kỳ đài. Ngoài cửa qua hào đều bắc cầu đá”.

Ngày 21.3.2008, thành cổ Biên Hòa được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 3995/QĐ - BVHTTDL ngày 21.11.2013.

Suýt bị xóa sổ

Từ sau năm 1975, khu vực Thành cổ Biên Hòa đã được chính quyền giao cho Công an tỉnh Đồng Nai làm trụ sở của Ban Hậu cần. Sau khi Ban Hậu cần bàn giao lại trụ sở là các công trình kiến trúc trong thành cho UBND tỉnh Đồng Nai, khu vực này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt để một tập đoàn kinh doanh xây dựng khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực cố gắng của Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai, Thành cổ Biên Hòa đã thoát khỏi “án xóa sổ”.

Tuy nhiên, những nỗ lực hoạt động đó không thể cứu vãn được cho thành cổ và các công trình kiến trúc chống chọi được với thiên nhiên, cùng sự xâm lấn của các hộ dân xung quanh khu vực thành đã làm cho di tích ngày càng mai một.

 
Mái đã sụp thủng nhiều chỗ

 
Cầu thang mục nát

Hiện Thành cổ Biên Hòa chỉ còn lại một số mảng tường thành bằng đá ong tồn tại từ năm 1834, đan xen là hàng loạt các loại gạch thẻ của nhiều đợt trùng tu tôn tạo cuối thời Nguyễn. Người dân xung quanh đã ngang nhiên lấn chiếm, lợp cả mái tôn lên tường thành, sử dụng tường thành làm tường nhà vệ sinh hay chăn nuôi gia súc gia cầm.

Những công trình kiến trúc cổ trong thành đang có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngoài công trình kiến trúc cổ thời Pháp (1861) đang được sử dụng làm trụ sở Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai được bảo vệ tương đối tốt do thường xuyên có tu sửa, hiện trạng kiến trúc cổ hai lầu ở phía tây trong khu di tích đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi hệ thống mái đã sụp thủng nhiều chỗ. Rêu phong phủ khắp mọi nơi, thậm chí cây cỏ mọc tốt xanh ở cả nền hành lang của tầng 1. Hệ thống cầu thang lên xuống và nhiều bức tường cũng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tường trần thủng nhiều chỗ, vữa trát rơi vãi khắp nơi. Trên các bộ phận nối giữa các tường cây cối mọc tốt tươi từng ngày, từng giờ bào mòn di tích.

Giữ thành cổ bằng dịch vụ bán cà phê

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban  Quản lý di tích danh thắng Sở VH-TT-DL Đồng Nai, cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi biện pháp, huy động cán bộ công nhân viên làm không công, tham gia dọn dẹp cây cỏ, sắp xếp, gia cố, bảo quản tạm thời các hạng mục trong di tích trong lúc chưa có nguồn kinh phí nào từ ngân sách của tỉnh cho việc gìn giữ Thành cổ Biên Hòa. Nhờ kinh doanh dịch vụ mà anh em chúng tôi mới có tiền để trả cho bảo vệ, vật tư để gia cố tạm thời cho di tích, đồng thời quảng bá cho khách sử dụng dịch vụ (cà phê) mà nhiều người mới biết được đến Thành cổ Biên Hòa”.

Ông Xuân Nam, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Ban Quản lý di tích Đồng Nai, cho biết thêm: “Chúng tôi đã cố gắng làm bằng mọi cách để UBND tỉnh đầu tư vốn khẩn cấp cho việc trùng tu tôn tạo nhà cổ trong khu thành cổ Biên Hòa trong quý 4 này. Dù đã cố gắng hết sức nhưng công việc có được triển khai nhanh hay không còn phụ thuộc vào các cấp lãnh đạo và sở ban ngành liên quan. Chúng tôi đã làm rất nhiều rồi, ngay cả không có kinh phí cho di tích thì chúng tôi vẫn cứ tiến hành huy động nhân lực vật lực để tạo cho di tích còn tồn tại đến ngày nay. Nhưng thời tiết đang mùa mưa, chúng tôi lại thấp thỏm lo âu cho các công trình kiến trúc. Công trình kiến trúc nhà cổ phía tây của Thành cổ Biên Hòa hoàn toàn có khả năng sụp đổ nếu không có các biện pháp gia cố ngăn chặn, bảo vệ kịp thời”.

Quý 4 mới khởi công

Về phương án trùng tu, tôn tạo di tích Thành cổ Biên Hòa, ông Lê Trí Dũng cho biết: “Phương án đã được phê duyệt và hiện đang triển khai kế hoạch đấu thầu. Dự kiến đến quý 4/2014 mới khởi công trùng tu. Theo đó sẽ trùng tu các hạng mục: bảo tồn tu bổ nhà cổ phía tây bắc, phía đông nam cùng nội thất bên trong, hệ thống tường thành, các tháp canh, sân bãi đậu xe, đường nội bộ, sân lễ hội, hệ thống vệ sinh, điện nước, cây xanh, thảm cỏ. Kinh phí dự kiến là 40 tỉ đồng”.

Cũng theo ông Dũng, nếu Ban Quản lý di tích danh thắng được chỉ định thầu thì công trình có thể được khởi công nhanh hơn, nhưng do đây là dự án trên 5 tỉ đồng nên phải thực hiện đấu thầu đúng theo quy định của pháp luật. “Trong thời gian chờ đợi, ban quản lý tiếp tục chống đỡ, gia cố, gia cường các điểm xuống cấp, đem bạt giăng trên nóc nhà để tránh nắng mưa và tránh xuống cấp”, ông Dũng nói.

Lương Chánh Tòng - Lê Lâm

>> Thành cổ Biên Hòa cần được nhanh chóng trùng tu
>> Thành cổ Biên Hòa được xếp hạng Di tích quốc gia
>> Thành lập Hội chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị
>> Hoàng thành, Cổ Loa sẽ là công viên lịch sử, văn hóa
>> Tiếp tục khai quật thành cổ Trà Kiệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.