Nuôi con tự kỷ, phải tìm thông tin từ cộng đồng

23/07/2014 10:15 GMT+7

Nếu ai đã xem hết clip quay cảnh đánh đập các bé tự kỷ tại Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương (TP.HCM) thì chỉ có thể kết luận: Chính những 'cô nuôi dạy trẻ' đánh đập trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển… kia là những kẻ tâm thần cần phải cách ly điều trị ngay lập tức.

Nếu ai đã xem hết clip quay cảnh đánh đập các bé tự kỷ tại Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương (TP.HCM) thì chỉ có thể kết luận: Chính những 'cô nuôi dạy trẻ' đánh đập trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển… kia là những kẻ tâm thần cần phải cách ly điều trị ngay lập tức.


Bảo mẫu Nga và cô Lan đang ép bé Danh Phương ăn bún gạo - Ảnh: Lam Ngọc

Bài viết ‘Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây’ đăng trên Thanh Niên Online ngày 21.7.2014 đã được nhiều bà mẹ trẻ chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội Facebook. Tất cả các mẹ đều bày tỏ sự phẫn nộ khi xem clip do phóng viên Thanh Niên ghi lại những trận đòn dã man đối với trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển… của các “cô giáo” kiêm “bảo mẫu” Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương (phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM).

Nếu đã xem hết đoạn clip dài gần 3 phút này, chứng kiến sự hả hê trên gương mặt “cô nuôi dạy trẻ” trong khi các bé la khóc, sẽ không ai lý giải được tại sao lại có những “trận đòn thù” vô tội vạ đổ trên thân hình bé nhỏ của các bé như thế. Chỉ có thể kết luận: Chính những “cô nuôi dạy trẻ” đánh đập trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển… tại Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương là những kẻ tâm thần cần phải cách ly điều trị ngay lập tức.

Nhưng vì sao cái ác lại có thể nhởn nhơ tồn tại sau tấm bảng hiệu “Trường Tiểu học chuyên biệt” như thế? Khi clip được đăng tải, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố và chính quyền địa phương đến làm việc thì mới hay… đây là trường hoạt động không có giấy phép của Sở Giáo dục - Đào tạo cấp.

Điều khôi hài là “ngôi trường” này không hề nhỏ bé đến mức vô hình, mà nó hiển hiện ngay sau lưng trụ sở UBND phường 15! Khôi hài hơn nữa là “ngôi trường” này đã từng bị Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tân Bình kiểm tra từ năm 2011 và ngày 30.12.2013, Chủ tịch UBND Q.Tân Bình Châu Văn La đã ký quyết định giải thể trường, thế mà Anh Vương vẫn ngang nhiên hoạt động để lừa các bậc cha mẹ.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cho rằng việc tồn tại một “ngôi trường” không giấy phép là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Nhưng chẳng lẽ Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tân Bình lại hoàn toàn vô can?

Thôi thì, khi sự nghiêm minh quản lý của chính quyền và ngành giáo dục có hạn, các bậc cha mẹ có con chậm phát triển hoặc bị tự kỷ hãy “tự cứu lấy mình” trước, giống như “người tiêu dùng phải thông minh” (bằng cách tự học cách làm lấy mọi thứ) trong thị trường ngày càng mất an toàn về thực phẩm.

Nếu xem kỹ hết các bài báo thì sẽ thấy các bậc phụ huynh gửi con, cháu vào Trường Anh Vương gần như “khoán trắng” việc nuôi dạy trẻ cho nhà trường vì phải lo việc mưu sinh. Mặt khác, họ không có thông tin hoặc cũng không có thời gian dành cho trẻ. Một số trẻ lại thiếu hẳn tình thương từ cha mẹ, phải sống với ông bà hoặc chỉ sống với cha trong hoàn cảnh gia đình bị chia cắt.

Trong khi đó, cộng đồng người có con bị tự kỷ đã hình thành ở TP.HCM và Hà Nội từ nhiều năm trước sẵn sàng chia sẻ thông tin với nhau, thông qua hai trang web: http://www.tretuky.com/https://sites.google.com/site/nuoicontuky/. Ngoài ra, còn có trang web http://www.giuptrephattrien.com do bác sĩ  Phạm Ngọc Thanh, nguyên  Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng I TP.HCM lập ra nhằm giúp đỡ trẻ tự kỷ. Trên những trang web này đều có giới thiệu những ngôi trường nuôi dạy trẻ tự kỷ tốt theo kinh nghiệm của nhiều bậc cha mẹ.

Một người mẹ có con bị tự kỷ ở quận Bình Thạnh chia sẻ: “Khi biết con mình bị tự kỷ từ 10 năm trước, tôi đã chạy nơi này nơi kia để tìm thông tin từ các gia đình có cùng hoàn cảnh và nhận được sự giúp đỡ rất nhiều. Chúng tôi đã thường xuyên trao đổi tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ tự kỷ, nhờ thế tôi mới biết trường nào tốt để gửi con. Tuy nhiên, tôi chỉ gửi con ban ngày và thường theo con vào trường để học hỏi cách dạy trẻ tự kỷ của các cô. Lúc đầu, biết trẻ tự kỷ không thể chữa khỏi được, tôi đã bị sốc, nhưng hiện nay tôi hài lòng khi thấy con không còn tự đánh đập mình hay ca hát một mình như trước nữa. Cháu nói vẫn chậm, học cũng chậm nhưng đã biết tự làm vệ sinh cá nhân, tự thay quần áo, tự ăn uống và đã nhận biết ra người thân bên cạnh…”.

Xu hướng rời bỏ, tránh né, chối bỏ con khi con bị khuyết tật, chậm phát triển hay bị tự kỷ… là một thực tế đáng buồn của không ít gia đình Việt. Nếu yêu con hết lòng, các bậc cha mẹ sẽ phải tìm kiếm mọi nguồn thông tin để có thể giúp đỡ con mình nhiều nhất có thể.

Hãy cứu con mình, đừng chờ đến khi ngành giáo dục và chính quyền có hệ thống quản lý tốt hơn, các ba, các mẹ nhé!

Ami Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống tại TP.HCM

>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây: Không thấy có bạo hành (!?)
>> Nhà nước nên nuôi dạy trẻ tự kỷ
>> Clip: Buộc đóng cửa cơ sở 'Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây' ngay lập tức
>> Vụ 'Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây': Trường Anh Vương hoạt động trá hình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.