Nhà nước nên nuôi dạy trẻ tự kỷ

23/07/2014 03:00 GMT+7

Số trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng gia tăng nhưng việc đầu tư trường học, chuyên môn giảng dạy, trị liệu cũng như nhiều vấn đề khác vẫn chưa được quan tâm đúng mức khiến nhiều phụ huynh phải tự bơi giữa “bể khổ”.

Số trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng gia tăng nhưng việc đầu tư trường học, chuyên môn giảng dạy, trị liệu cũng như nhiều vấn đề khác vẫn chưa được quan tâm đúng mức khiến nhiều phụ huynh phải tự bơi giữa “bể khổ”.

Nhà nước nên nuôi dạy trẻ tự kỷ

Rất nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ mong tìm được chỗ đào tạo bài bản - Ảnh: Như Lịch

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết TP.HCM hiện có 16 trường chuyên biệt công lập có tiếp nhận trẻ tự kỷ ở hệ thống quận, huyện. Ông Tâm nhìn nhận, các trường đều dạy trẻ tự kỷ chung với một số trẻ khuyết tật khác, chứ không có trường công chuyên biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ.

“Chúng tôi phải tự cứu lấy con em mình”

 

Đã có những trường chuyên biệt công dành cho trẻ câm điếc, trẻ khiếm thị, nhưng tại sao bao lâu nay lại không có những trường như vậy dành cho trẻ tự kỷ?

Bà Trần Thị Kim Thanh, PGĐ Sở GD-ĐT TP.HCM

Từng “bầm giập” trong việc tìm trường cho con em của mình bị tự kỷ, bà Phạm Thị Kim Tâm cùng một số phụ huynh khác đã lập ra lớp tư thục Tuổi Ngọc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào tháng 7.2008. Lớp học hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, các phụ huynh cùng nhau đóng góp để trang trải các chi phí nuôi dạy con em mình. Từ 14 em ban đầu, số trẻ tự kỷ hiện đã tăng lên 36 em. Bà Tâm nói: “Chỉ cần tìm được một nơi nào đó nuôi dạy tốt hơn, chúng tôi sẵn sàng đóng cửa lớp và gửi con vô trường đó. Chẳng qua lâm vào thế kẹt, chúng tôi phải tự cứu lấy con em mình”. Theo bà Tâm, trong một thời gian dài, các phụ huynh đã “đề nghị nhiều lắm, đơn thư cứ chồng chất vẫn chưa có gì biến chuyển”.

Trên thực tế, do không có trường dành riêng cho trẻ tự kỷ nên nhiều phụ huynh từ các địa phương khác khăn gói lặn lội tìm đến một số TP lớn như TP.HCM, Hà Nội để tìm chỗ học cho con em mình. Tuy nhiên, số trường nhận trẻ tự kỷ vào học nội trú trong những năm qua vô cùng ít ỏi, khiến một số phụ huynh phải bỏ việc dài hạn, thuê nhà sát bên trường con học (bán trú) và cầm cự từng ngày để chăm sóc con (Báo Thanh Niên từng có bài Xóm trọ tự kỷ, ra ngày 15.6.2012).

Giáo viên không đủ, cơ sở vật chất nhỏ hẹp

Đến nay, vẫn chưa có một thống kê chính thức về tỷ lệ trẻ tự kỷ tại VN. Phương cách can thiệp và giải quyết về sau cũng chẳng có. Trong khi đó, nếu không được can thiệp sớm và không được quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng, trẻ tự kỷ sẽ trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình và có thể gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Một thực tế bất cập rất đáng lo ngại, theo ông Tâm, hiện nhiều nơi mở ra các cơ sở dân lập, tư thục trị liệu và dạy trẻ tự kỷ, nhưng vấn đề chuyên môn lại không được giám sát chặt chẽ. Ông Tâm nhận xét: “Có những nơi chỉ tập huấn qua loa vài ba buổi, hiểu lơ mơ về trẻ tự kỷ là đã mở cơ sở, mở trường”. Ông Tâm nói thêm: “Tôi thấy nhiều trường tư thục mở ra mời sinh viên sư phạm năm thứ 3, thứ 4, chưa được đào tạo chuyên môn về trẻ tự kỷ đến giảng dạy. Nhiều phụ huynh cũng mời những sinh viên này về nhà dạy cho con em mình bị tự kỷ”. Một bất cập khác cũng được ông Tâm thẳng thắn đặt ra, là trong các trường chuyên biệt công, số lượng giáo viên hiểu biết chuyên môn, nắm được phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ, biết cách đối xử với trẻ không đủ, cơ sở vật chất nhỏ hẹp nên việc tiếp nhận số trẻ tự kỷ còn hạn chế.

Vai trò của nhà nước

Sau nhiều năm sống ở Canada, vì hoàn cảnh gia đình nên vợ chồng chị Trần Thanh Hương đưa hai con bị tự kỷ trở về định cư ở VN hơn một năm nay. Chị Hương nhìn nhận: “Tại VN, ngay cả các lớp tập huấn miễn phí dành cho phụ huynh có con em tự kỷ cũng không có, trong khi chứng tự kỷ ngày càng lan rộng thì việc có những lớp tập huấn chính thống cho phụ huynh, giáo viên và những người quan tâm là rất cần thiết”. Chị Hương chia sẻ: “Ở Canada, phần lớn trẻ tự kỷ khi học hòa nhập với các bạn khác thì thường có một giáo viên kèm riêng. Mỗi tuần trẻ được đưa đến cơ sở trị liệu vài tiếng đồng hồ. Tất cả các khoản đó phụ huynh đều không phải đóng tiền. Ngoài ra, cha mẹ trẻ tự kỷ còn được hỗ trợ mỗi tháng một ít tiền để nuôi dạy trẻ tự kỷ, được cung cấp các số điện thoại sẵn sàng tư vấn. Thỉnh thoảng còn có người đến tận nhà chăm sóc trẻ miễn phí”.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định nhu cầu xã hội về nuôi dạy trẻ tự kỷ một cách bài bản rất lớn, nhưng hiện TP chưa thể đáp ứng đủ. Tương tự, bà Phạm Thị Kim Tâm cho rằng, dù muộn màng, nhà nước cần phải đưa ra chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và ban hành bộ giáo trình dành riêng cho việc can thiệp, nuôi dạy trẻ tự kỷ; đào tạo chuyên sâu và có chế độ đãi ngộ phù hợp cho những giáo viên dạy những trẻ này… Đặc biệt, bà Tâm đau đáu: “Đã có những trường chuyên biệt công dành cho trẻ câm điếc, trẻ khiếm thị, nhưng tại sao bao lâu nay lại không có những trường như vậy dành cho trẻ tự kỷ?”. 

Cần chuyên gia Dạy trẻ tự kỷ

Theo ông Nguyễn Phi (chuyên gia tại cơ quan phụ trách giáo dục ở bang California, Mỹ), “giáo dục đặc biệt” có nghĩa là các em (tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ...) cần được dạy theo một phương pháp khác. Nếu để giám định rối loạn thì thường là bác sĩ tâm thần nhi (psychiatrist) hoặc tiến sĩ tâm lý ngành lâm sàng (clinical psychologist). Tiến sĩ tâm lý học đường (school psychologist) không làm trong khâu giám định rối loạn. Nếu để can thiệp thì luôn cần đến các chuyên gia, thường là chuyên gia về hành vi

(behavior analyst), chuyên gia ngôn ngữ trị liệu (speech language therapist), chuyên gia giáo dục đặc biệt (special education specialist) và các thầy, cô giáo học ngành giáo dục đặc biệt .

Người can thiệp ngoài chuyên môn bằng cấp, cần liên tục tu nghiệp hằng năm để được đứng tên trong hiệp hội những chuyên gia tự kỷ. Không đứng trong hiệp hội thì không thể hành nghề. Ví dụ như với ngôn ngữ trị liệu, cứ 5 năm thì các chuyên gia phải tu nghiệp 150 tiếng để được hành nghề tại California, tức là phải học và trau dồi liên tục. Ngoài ra kiến thức của phụ huynh cũng rất quan trọng, giúp đào thải các trường tư không đạt chuẩn theo nguyên tắc thị trường tự do. “Tóm lại, phương pháp khoa học, con người làm việc chuyên nghiệp, kiến thức của phụ huynh là 3 mảng chính cho giáo dục đặc biệt”, ông Phi đúc kết.

Như Lịch - Lam Ngọc - Thanh Tùng

>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây
>> Thấu hiểu trẻ tự kỷ
>> Những đứa trẻ tự kỷ
>> Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ phát triển
>> Khả năng hồi phục của trẻ tự kỷ
>> Giúp trẻ tự kỷ giao tiếp
>> Hướng về trẻ tự kỷ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.