Nặng trĩu nỗi lòng cha mẹ nuôi con tự kỷ

23/07/2014 15:45 GMT+7

(TNO) Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài 'Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây', các phụ huynh có con em tự kỷ cảm thấy bàng hoàng và vô cùng bức xúc.

(TNO) Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài 'Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây', các phụ huynh có con em tự kỷ cảm thấy bàng hoàng và vô cùng bức xúc.

>> Nhà nước nên nuôi dạy trẻ tự kỷ
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây: Không thấy có bạo hành (!?)
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây: Không thấy có bạo hành (!?)
>> Clip: Buộc đóng cửa cơ sở 'Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây' ngay lập tức
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây: Buộc đóng cửa trường ngay lập tức
>> Vụ 'Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây': Trường Anh Vương hoạt động trá hình
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây

Nặng trĩu nỗi lòng cha mẹ nuôi con tự kỷ 1
Các phụ huynh đội mưa đón con trước cổng trường chuyên biệt

Đó cũng là tâm trạng chung của hầu hết phụ huynh có con tự kỷ mà chúng tôi gặp tại một trường chuyên biệt trong  hẻm 236, đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

“Chăm con tự kỷ trăm đường cực”

Mọi người đều tỏ ra rất bức xúc sau loạt bài phản ánh gây xôn xao trên Báo Thanh Niên nhiều ngày qua.

Anh N.V.T (trú quận Tân Phú) vén vội áo mưa ra khỏi đầu nói với chúng tôi: “Rất bực bội, nếu là con em chúng tôi mà bị đánh đập trong trường hợp đó chắc tôi không kiềm chế được”.

Theo anh T., ở nhà, cả vợ chồng anh lẫn ông bà ngoại đều cùng dồn sức nuôi đứa con mắc bệnh tự kỷ. Mỗi lần đến trường đón con, cả hai vợ chồng anh T. phải đi chung.

“Trẻ con mình phải thương rồi, những em bé tự kỷ như vậy lại càng phải thương nó chứ tại sao lại hành hạ nó như vậy. Xem cảnh đó tôi không kiềm được nước mắt”, chị N.T.K.T (ngụ quận 1, TP.HCM) vừa bóc bánh cho con trai 6 tuổi mới tan học ở Trường chuyên biệt Khai Trí ra, vừa nói.

Từ khi biết con mắc bệnh tự kỷ, chị N.T.N.V (ngụ quận 5, TP.HCM) phải chấp nhận nghỉ làm để chăm con. Chị V. tâm sự: “Mình có con, con mình bình thường không sao, con mình tự kỷ thua thiệt con người ta lại còn bị cô giáo hành hạ. Sao những cơ sở đó không bị bắt hết đi cứ để hành hạ các cháu rồi thỉnh thoảng lại khui ra một vụ như vậy”.

“Chăm con tự kỷ trăm đường cực”, phụ huynh L.Q.T (31 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) đón con tan trường tâm sự.

Theo anh T., không chỉ tốn kém tiền bạc, vất vả, đôi lúc nhiều người không hiểu biết kỳ thị nên lòng cha mẹ cũng tủi thân lắm. Đi đâu nhìn bạn bè con cái họ bình thường mình chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Nhiều phụ huynh bảo “nuôi 1 trẻ tự kỷ bằng 10 trẻ câm điếc”. Không chỉ tốn công tốn sức, những ai có con bệnh tự kỷ còn phải đặt lòng kiên nhẫn lên hàng đầu.

Muôn cảnh nuôi con

Dãy nhà trọ 236/25/5 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM), bên cạnh Trường chuyên biệt Khai Trí từ lâu đã trở thành xóm trọ tối lửa tắt đèn có nhau vì cùng cảnh ngộ nhà có trẻ tự kỷ. Cả khu có 9 phòng trọ thì hết 6 phòng có người nuôi trẻ tự kỷ. Mỗi người một hoàn cảnh, từ những vùng quê nghèo khó lên Sài Gòn đưa con, đưa cháu đi chữa bệnh.

Nặng trĩu nỗi lòng cha mẹ nuôi con tự kỷ 2
Xóm trọ gần Trường chuyên biệt Khai Trí

Nhiều người từ Vũng Tàu, Bạc Liêu, Long An… có con cháu mắc bệnh tự kỷ nên “vái tứ phương” dò tra trên mạng thấy cơ sở nào hay thì dẫn đến. Trường chuyên biệt Khai Trí chỉ dạy bán trú nên mọi người phải thuê nhà gần đó tiện cho việc đưa đón các bé đến trường.

Bà N.T.B (quê huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) vừa mới đưa cháu ngoại lên điều trị được hơn tháng rưỡi tâm sự: “Học phí 5,5 triệu/ tháng, tiền trọ 3,5 triệu/tháng chưa kể ăn uống. Tôi và cậu nó lên đây chăm sóc còn mẹ nó ở quê nai lưng mần kiếm tiền để chạy chữa cho nó. Thật ra thì dưới quê cũng mần vài ba công ruộng, nuôi vài con cá bấp bênh lắm. Giờ đây cháu nó bệnh cố mà chạy chữa, mong sao 'phước chủ may thầy' cháu nó khỏi tôi và mẹ nó đỡ khổ”.

Nặng trĩu nỗi lòng cha mẹ nuôi con tự kỷ 3
Bà N.T.Th đang nuôi cháu trai bệnh tự kỷ tại phòng trọ

Hằng ngày, cứ 9 giờ sáng, A.K lại được dì đưa đến trường, cầu mong bệnh mau khỏi để sớm được về quê với gia đình. Do mẹ bận dạy học ở nhà, lại còn chăm 2 con gái, bé A.K phải theo dì N.T.Th (64 tuổi, quê TP.Bạc Liêu) lên Sài Gòn để điều trị chứng tự kỷ.

“15 tháng ở Sài Gòn, A.K có lúc không chịu học hành gì, nhưng giờ thì nó nói được vài câu, viết được vài chữ nên tôi mừng lắm”, bà Th. phấn khởi nói.

Phụ huynh chia sẻ cách tìm trường phù hợp cho con mắc bệnh tự kỷ

Chị N.T.N.V (ngụ quận 5, TP.HCM) kể con chị lúc khoảng 2 tuổi có biểu hiện ù lì, chỉ nằm một chỗ mà không chịu nói chuyện. Chị nghi ngờ con mắc chứng tự kỷ nên đã đưa bé đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng, rồi chị được khuyên nên đưa bé đến trường chuyên biệt. Nhưng công cuộc tìm trường không hề dễ dàng. Khi được hỏi tìm trường ở đâu, hầu hết phụ huynh đều trả lời: 'Tìm trên mạng'. Đó là bước đầu tiên của công cuộc tìm trường.

Chị Ng.N.H, người cho con đi học trường chuyên biệt được 3 năm, chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi thì hỏi các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng, các bác sĩ gợi ý trường nào thì mình sẽ tìm hiểu trường đó. Thêm nữa mình tìm hỏi những người cũng có con mắc chứng tự kỷ đã cho con đi học và có tiến bộ, họ sẽ chỉ cho”.

Ông N.V.T (trú quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Tìm hiểu trường nhất định phải tìm hiểu rõ người quản lý, các cô giáo ở trong đó năng lực ra sao, có bao nhiêu cô học cao đẳng sư phạm ra, bao nhiêu cô có chuyên môn về giáo dục đặc biệt”.

Chị N.T.K.T (ngụ quận 1, TP.HCM) cho biết: “Ở trường dạy các bé nhất định phải có camera trong lớp để mình có thể theo dõi biết chắc các bé có được chăm sóc tốt không”.

Ngoài ra, các phụ huynh khuyến cáo nên xem kỹ cuốn sổ theo dõi con ở trường chuyên biệt và đưa con đi bệnh viện khám định kỳ để bác sĩ theo dõi.

Chị N.T.K.T nhấn mạnh: “Trường nào không có sổ theo dõi thì đừng cho con đi học”.

Còn ông N.V.T chia sẻ: “Để ý từng cái quần, cái áo các cháu mặc là cách dễ nhất xem con mình có được chăm sóc chu đáo không. Cái quần các cháu tè ra được các cô giũ sạch nước mới bỏ vào túi đưa lại cho phụ huynh, chỉ những cái nhỏ đó thôi cũng có thể hiểu được cách các cô chăm sóc con cháu mình”.

Bài ảnh: Minh Tâm - Hoài Nhơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.