Giấc mơ khu đô thị của công nhân

23/07/2014 08:50 GMT+7

Chưa đầy 20% công nhân các KCN (chủ yếu ở phía Bắc) được ở nhà chung cư, nhà ở do doanh nghiệp đầu tư; 76,3% số công nhân không được hỗ trợ tiền nhà ở; đa phần còn lại phải thuê nhà trong các xóm trọ tồi tàn, chật chội, dễ phát sinh cháy nổ…

 Giấc mơ khu đô thị của công nhân
Chung cư của Công ty Canon dành cho công nhân độc thân - Ảnh: Mạnh Quân 

 

Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến thời gian gần đây, công nhân một số nơi hay bức xúc và khi bị kích động, dễ dẫn đến những hành động thái quá như vụ việc vừa xảy ra ở các KCN Bình Dương, Hà Tĩnh…

Kết quả khảo sát trên được Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn lao động VN) tiến hành và vừa công bố. Phóng viên Thanh Niên đã đi thực tế tại một số KCN phía Bắc để tìm hiểu thực trạng này.

Chung cư chỉ dành cho người đơn thân

Đi một vòng quanh các khu công nghiệp ở phía Bắc, có thể thấy phần lớn nơi ở của công nhân là các khu nhà trọ giá rẻ, lụp xụp; những nơi nhận nuôi trẻ cho công nhân có thể nhận trẻ từ 6 tháng tuổi nhưng trong các căn nhà khá tồi tàn, giá lên tới 1-2 triệu đồng/tháng.

Mời chúng tôi tới khu nhà trọ của mình tại xã Kim Chung, gần KCN Thăng Long, Lê Thị Dung, từng là công nhân Công ty Canon, chỉ cho tôi thấy điều kiện sinh hoạt khá tạm bợ của các công nhân khác ở các phòng trọ kế bên: 4 người thuê một phòng chưa đầy 15 m2, giá 2 triệu đồng/tháng.

Dung nói: “Chúng tôi sắp có con và chắc sẽ phải gửi con về nhờ ông bà nuôi hộ, giống như các cặp vợ chồng công nhân khác ở đây. Đến khi con cứng cáp, gửi đi học, mới đón con về nuôi được, vì nuôi con nhỏ rất tốn kém và các nhà trẻ ở khu công nghiệp rất tệ, chúng tôi không an tâm”.

Hỏi vì sao các công nhân có gia đình không vào chung cư của công ty ở như các công nhân khác, Dung chia sẻ: “Có gia đình rồi thì họ không cho ở khu chung cư đâu, vì chung cư chỉ dành cho người đơn thân”.

Chính vì khó khăn về chỗ ở khi có gia đình, cộng với thu nhập hằng tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, nên Dung và không ít công nhân khác đã rời Canon để tìm việc tại công ty khác.

Vũ Thu Thủy, 23 tuổi, quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết cô mới bỏ việc ở nhà máy Canon tại Bắc Ninh để sang nhà máy của tập đoàn Foxcon (Đài Loan) tại KCN Đình Trám (Bắc Giang).

“Ở đây đỡ vất vả hơn nhiều, bọn em lại có điều kiện làm thêm 3-4 tiếng, nên thu nhập có thể đạt 6-7 triệu đồng/tháng, có thể để dành được một nửa tiền”, Thủy bộc bạch.

Sắp có dự án khu công nghiệp hỗ trợ

Ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác Đầu tư -Thương mại, Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, chia sẻ: “Các vụ bạo động vừa qua của công nhân tại một số KCN có một phần nguyên nhân bất mãn trong nội bộ. Do đó, về lâu dài, chúng tôi kiến nghị cần có giải pháp cải thiện cuộc sống của công nhân với các cơ sở giải trí và cộng đồng. Có thể sử dụng một phần trong 2% quỹ lương được phân bổ làm quỹ công đoàn hiện nay để đầu tư”.

Về vấn đề này, Phó giám đốc BQL các KCN và khu chế xuất Hà Nội Lê Quang Long, cho biết Hà Nội có 11 KCN nhưng hiện mới có KCN Thăng Long và KCN Phù Nghĩa có chung cư cho công nhân.

“Vừa rồi, TP đã cho lập dự án, khảo sát để chuẩn bị xây dựng nhiều hơn khu nhà ở cho công nhân, hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà ở giá rẻ cho công nhân các KCN thuê. Hà Nội cũng đang chuẩn bị triển khai dự án khu hỗ trợ công nghiệp Nam Hà Nội- NNG, có cả các khu chung cư cho công nhân, các khu dịch vụ mua sắm hàng hóa, giải trí, nhà trẻ… và cả trường dạy nghề cho công nhân các KCN”, ông Long nói.

Theo ông Long, giai đoạn I dự kiến khu này có tổng diện tích khoảng 60-70 ha. Đây là bước đi ban đầu để hướng tới phát triển dạng khu đô thị phục vụ cho các KCN của TP.

Mạnh Quân

>> Bình Định đầu tư xây dựng chung cư cho công nhân
>> Bàn giao gần 400 căn nhà ở xã hội cho công nhân
>> Trao tặng 'Căn phòng mơ ước' cho công nhân khó khăn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.