'Ngôi nhà mới' của các liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc

22/07/2014 15:20 GMT+7

(TNO) Thị trấn nhỏ Tĩnh Túc nơi miền biên ải Cao Bằng bỗng trở nên nhộn nhịp trong buổi sáng 22.7. Ai cũng mong có mặt tại nghĩa trang Tĩnh Túc để mừng cho các liệt sĩ về 'ngôi nhà mới'.

(TNO) Thị trấn nhỏ Tĩnh Túc nơi miền biên ải Cao Bằng bỗng trở nên nhộn nhịp trong buổi sáng 22.7. Ai cũng mong có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc để mừng cho các liệt sĩ về “ngôi nhà mới”.

>> Khởi công tôn tạo Nghĩa trang liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc
>> Tĩnh Túc khúc tráng ca

 
Trao tặng nhà tình nghĩa

Cơn mưa rừng rả rích suốt đêm khiến nhiều người lo lắng thời tiết sẽ ảnh hưởng tới buổi khánh thành Công trình cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Vậy mà, sáng sớm 22.7, trời hửng nắng đẹp, ai ai cũng phấn khởi dự lễ khánh thành nghĩa trang khang trang bậc nhất tại vùng biên.

35 năm đã lùi xa, nước mắt vẫn chưa thôi rơi trên khóe mắt người vợ - bà Đinh Thị Thóa, vợ liệt sĩ Lý Văn Nhân. Bà Thóa vẫn nhớ như in ngày 19.2.1979, khi quân Trung Quốc tràn vào biên giới. Ngồi bên ngôi mộ chồng, bà Thóa lặng lẽ kể: “Ngày hôm đó ông ấy đi làm, rồi theo đội tự vệ máy đi chiến đấu, không về chưa kịp báo tin cho vợ. 5 năm mẹ con tôi, gồng gánh đi tản cư. Mãi gần một tháng sau, tôi mới hay tin ông và các công nhân, kỹ sư của mỏ đã chiến đấu đến cùng, kiên cường, bảo vệ vùng đất mỏ”.

Ông Hoàng Quốc Bình, Chủ tịch thị trấn Tĩnh Túc, một nhân chứng sống trở về sau trận chiến khốc liệt ngày ấy, ngậm ngùi: “Trong số 15 liệt sĩ hy sinh, có hơn một nửa là những kỹ sư vừa được được đào tạo từ Liên Xô trở về. Họ đang còn trẻ, chưa lập gia đình, tương lai rạng ngời. Nếu không có chiến tranh xảy ra, chắn hẳn họ đã là những kỹ sư giỏi bậc nhất nơi đây... Mặc dù chưa qua đào tạo, huấn luyện quân sự, nhưng họ đã kiên cường chống trả, bảo vệ mỏ thiếc”.

Sau cuộc chiến, vì điều kiện khó khăn, mãi đến năm 1994, nghĩa trang Tĩnh Túc mới được xây dựng, là nơi quy tập phần mộ, ghi nhớ công lao 17 liệt sĩ (15 cán bộ, công nhân thuộc đơn vị tự vệ mỏ thiếc Tĩnh Túc và 2 chiến sĩ công an) đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc năm 1979. Đã 20 năm trôi qua, do đời sống của bà con vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, chính địa phương không có kinh phí tu sửa, bảo trì nên các hạng mục của nghĩa trang đã xuống cấp theo thời gian. 


Khánh thành công trình cải tạo nghĩa trang liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc

Từ câu chuyện và chiến công của 17 liệt sĩ nơi đây, Báo Thanh Niên đã mong muốn được cùng Tỉnh đoàn Cao Bằng nâng cấp cải tạo nghĩa trang liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc.

Với sự tài trợ của Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Việt Á, vào tháng 3 năm nay, T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Cao Bằng đã khởi công thi công công trình cải tạo nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ mỏ Tĩnh Túc, với tổng mức đầu tư là 1,9 tỉ đồng. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2014).

Phát biểu tại lễ khánh thành, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, bày tỏ: “Giữ gìn bài học lịch sử cho thế hệ trẻ luôn là trách nhiệm của tổ chức Đoàn và của Báo Thanh Niên. Chúng tôi nhìn thấy niềm vui từ những người đồng đội, từ thân nhân các gia đình liệt sĩ đã nằm lại nơi đây. Các anh - 17 liệt sĩ đang lại được nằm cạnh nhau trong một ngôi nhà mới ấm áp và đẹp đẽ... Chúng tôi mong muốn, đây là địa chỉ văn hóa, giáo dục truyền thống cho thanh thiếu nhi thực sự có ý nghĩa và hiệu quả”.

Thay mặt nhân dân các dân tộc huyện Nguyên Bình, ông Nông Văn Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cảm ơn món quà mà Báo Thanh Niên và các đơn vị khác đã quan tâm, hỗ trợ: “Công trình nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ mỏ Tĩnh Túc không chỉ mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, tâm linh, đây cũng là công trình “Đền ơn đáp nghĩa” thể hiện đạo lý và truyền thống “Uống nước” nhớ nguồn đối với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc”.

Nhân dịp này, Ngân hàng Liên Việt cũng đã trao tặng 2 nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng/căn cho thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Nguyên Bình. Ngoài ra, Công ty Dược phẩm Nhất Nhất trao tặng 70 suất quà, mỗi suất trị giá 800 nghìn đồng cho các gia đình chính sách.

Bài, ảnh: Thu Hằng

>> Khánh thành công trình nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9
>> Ra mắt “Nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến”
>> Đoàn nhà văn Việt - Mỹ viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
>> Dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia
>> Khánh thành tượng đài nghĩa trang liệt sĩ
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và kiểm tra tuyến biên giới Cao Bằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.