Huyền thoại những Pơtao Tây Nguyên - Kỳ 5: Hậu duệ của những Pơtao Apuih

22/07/2014 03:00 GMT+7

Con cháu của những Pơtao cư trú trên vùng bình nguyên rộng lớn, vẫn phải lăn lưng cùng ruộng rẫy. Họ được cộng đồng tôn trọng từ tâm thức huyền bí, như “sứ mệnh” mà cha ông họ đảm trách.

Huyền thoại những Pơtao Tây Nguyên - Kỳ 5: Hậu duệ của những Pơtao Apuih 
Căn nhà của “Vua lửa” Siu Luynh - Ảnh: Trần Hiếu 

“Làm nhiều, Yàng mới cho hưởng nhiều”

Bà Ksor H’Nhriu, con gái của “Vua gió” đời thứ 5 Siu Bam (mất năm 1988), ở Plei Măng, xã Chư A Thai, H.Phú Thiện (Gia Lai) đang cùng con cháu đón mùa vàng bội thu. Năm nay thời tiết thuận lợi, lại sẵn nước từ đại thủy nông Ayun Hạ nên lúa trĩu hạt. “Người làm vẫn nhớ Ơi Siu Bam, cha của mình. Họ cũng tôn trọng, quý gia đình mình. Đi làm thì như nhau, làm nhiều thì có nhiều mà. Ngày xưa nhà mình không được nuôi bò. Ở Plei Rơ Bai ngày nay bò nhiều rồi. Làm lúa nhiều, rơm, cỏ cũng nhiều. Bò ăn không hết. Chỉ đem bán một con bò lớn là mua đủ thứ. Mấy đứa con của mình năm nay làm được nhiều lúa. Nó chở mấy xe công nông rồi vẫn chưa hết”, bà H’Nhriu kể.

Làng “Vua lửa” Plei Ơi, “Vua gió” Plei Măng, “Vua nước” Plei Tao đã định danh qua những truyền thuyết mà người già ở đây vẫn nhớ rõ. Những năm gần đây, các vùng chuyên canh lúa nước, mía đã tạo nên những khu dân cư trù phú. Dấu vết của những cư dân bản địa gắn chặt với khái niệm tiềm thức làng - rừng đang bị ảnh hưởng bởi những khái niệm sống mới. Các lễ hội như bỏ mả, mừng lúa mới, lễ thổi tai, cúng bến nước… đã không còn được tổ chức như trước. Những thanh âm cồng chiêng ám ảnh truyền đời đang có dấu hiệu mai một dần vì thiếu đi nhiều tay chiêng trẻ. Dẫu vậy, nhiều truyền thuyết về các Pơtao luôn ngầm chảy trong mạch nguồn văn hóa, riêng có ở khu vực này.

Chị Kpah Nut, con gái của “Vua lửa” cuối cùng Siu Luynh năm nay, mới 27 tuổi và đã kịp “bắt” hai đời chồng. Một trong ba người con của “Vua lửa” Siu Luynh trong một lần giận chồng đã không giữ được mình, ra rừng thắt cổ. Người con trai duy nhất thì lấy vợ ở tỉnh Kon Tum, chỉ còn mỗi chị Kpah Nut ở lại làng. Kpah Nut nói: “Nhà mình làm lúa không nhiều, đủ ăn, cho con đi học thôi. Anh mình cũng làm được”. Bà Kpak Nhip, vợ của Siu Luynh, năm nay ngoài 70 tuổi, vẫn phăm phăm ra sân phơi lúa.

Căn nhà sàn của vị “quân vương” ngày trước đã được thay bằng ngôi nhà xây kiên cố. Gần đó là ngôi nhà của Ralan Hieo, phụ tá của “Vua lửa” đang xuống cấp. “Nó đi rẫy miết. Làm có tiền nên nó làm nhiều. Có khi nó ở trong rẫy nhiều ngày mới thấy về”, bà Kpak Nhip kể. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin H.Phú Thiện, người chịu khó tìm hiểu cuộc sống, tư liệu về các “vua” kể rằng nhiều gia đình có người từng làm “vua” có cuộc sống ổn định. Con cái của họ được đi học, có nhiều em học đại học. Việc hô mưa, gọi gió, cúng sức khỏe hiện không diễn ra như trước nữa. Song, người làng vẫn tôn trọng những gia đình ngày xưa có người làm “vua”. Họ nói những gia đình đó đã vì cộng đồng mà phải kiêng cữ.

Tiếng là “vua” song khi mất đi, họ cũng như nhiều người Jrai khác, không hề có của cải gì để lại cho con cháu. Bởi vị thế của họ chỉ vận vào mặt thần quyền, không hề là pháp trị. May chăng chỉ còn là những mảnh ruộng vườn mà họ mưu sinh lâu nay.  

Về Plei Ơi nghe truyền thuyết “Vua lửa”

“Vua lửa” được đánh giá là có uy tín, ảnh hưởng về mặt thần quyền cả một khu vực rộng lớn. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân: Tương truyền Ksor Chlơi là người được tín nhiệm giữ “thần gươm” đầu tiên. Song, ông đã từ chối vì nhà nghèo, không thể kiêng cữ trong việc ăn uống nên sợ làm ô uế thanh gươm. Người Jrai nghĩ ông xúc phạm khi từ chối dù đã cố thuyết phục, nên tập hợp đánh ông. Dòng họ Ksor quyết định giết ông để ông không bị người ngoài dòng họ hành hạ: “... Thấy người ta định giết mình, ông vùng bỏ chạy, liền bị chặt đứt 2 chân. Ông ngoái đầu nhìn lại thì bị chặt đứt 2 cánh tay và đầu. Vừa lúc đó, nước biển dâng lên ngập cả vùng. Khi nước biển hạ xuống, ông đã hóa đá”.

Hay Siu Nhong, “Vua lửa” đời thứ 8, cũng đã từ chối “vương vị” khi “Tui cơm canh lúa gạo không đủ ăn. Tui phải ăn cả con ếch, con nhái. Tui không giữ gươm được đâu”. Người Jrai đã vận động ông nhiều ngày. Họ nói: “Nhong ơi, nếu ông không chịu giữ thanh gươm chắc cả vùng mình đây sẽ chết hết thôi. Bây giờ trời đang nắng, nếu ông gõ vào nước mà có mưa, dân làng không đau ốm thì ông là người có thần, có tài, chúng tôi sẽ cùng góp rượu, góp trâu để cúng và cử ông làm Pơtao”. Quả nhiên, Siu Nhong đã làm cho trời mưa to.

Theo quy định, phía bắc của làng là nơi đặt chòi để gươm và một số đồ vật có giá trị của “vua”. Nhà đầu tiên vào làng phải là nhà của “vua”. Có một điểm chung giữa các Pơtao là đều kiêng thịt bò, ếch nhái. Chúng tôi chưa thấy tài liệu nào đề cập đến nguyên nhân này. Những người già ở Plei Ơi cũng không lý giải được. Họ nói rằng “do ông bà kiêng vậy nên theo thôi”.

Tương truyền, khi “Vua lửa” đến vùng nào, người làng đều ra chào và tặng “vua” nhiều vật phẩm khá đơn giản như buồng chuối, nồi nấu cơm hay có khi chỉ là một cái lưỡi cuốc. “Vua” đều nhận lấy, không câu nệ gì... Đây là kho tàng văn hóa phi vật thể đặc sắc, ghi dấu ấn sâu đậm văn hóa bản địa.

Trần Hiếu 

>> Huyền thoại những Pơtao Tây Nguyên - Kỳ 4: Gươm thiêng vùng Hỏa Xá
>> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 3: Người không muốn làm vua
>> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 2: Về đất Hỏa xá
>> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 1: Miền hư ảo của Pơtao Ia  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.