Đứa bé là gì sau tội ác hiếp dâm? - Kỳ 4: Làm sao biết con mình bị cưỡng hiếp?

24/07/2014 10:40 GMT+7

(TNO) Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, tác giả quyển sách 'Nói chuyện giới tính không khó', có hẳn một chuyên đề về trẻ bị lạm dụng tình dục. Chị cũng là chuyên gia tâm lý từng gặp nhiều trường hợp các em bị xâm hại.

(TNO) Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, tác giả quyển sách Nói chuyện giới tính không khó, có hẳn một chuyên đề về trẻ bị lạm dụng tình dục. Chị cũng là chuyên gia tâm lý từng gặp nhiều trường hợp các em bị xâm hại.

>> Đứa bé là gì sau tội ác hiếp dâm? - Kỳ 3: Khi ông nội làm ác: tình cha, tình con
>> Đứa bé là gì sau tội ác hiếp dâm? - Kỳ 2: Mẹ dũng cảm
>> Đứa bé là gì sau tội ác hiếp dâm? - Kỳ 1: Chân cong


Luật gia, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Thanh Niên Online đã có cuộc trò chuyện với chị Huệ để giúp phụ huynh hiểu hơn về vấn đề này.

* Có nhiều trường hợp trẻ bị cưỡng hiếp nhưng cha mẹ không biết. Xin chị cho biết dấu hiệu nào để bố mẹ phát hiện con mình đã bị xâm hại?

- Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ: Trước hết, để bố mẹ có thể nhận ra con mình bị xâm hại thì chính đứa trẻ phải biết đó là hành vi xâm hại, nếu bé không biết để kể lại thì mình làm sao biết? Chờ người ngoài bắt được kẻ hiếp dâm thì đâu có được.Vậy nên, bố mẹ, kể cả khi có con đang còn rất nhỏ, vẫn phải nói chuyện với con về giới tính của con.

Không phải bố mẹ chờ đến khi con lớn mới nói chuyện giới tính với con, mà phải nói dần, vòng nào là vòng an toàn, mối quan hệ nào là mối quan hệ an toàn, những giao tiếp nào là giao tiếp an toàn với đứa trẻ. Ngay cả khi trẻ 2-3 tuổi, bố mẹ đã phải dạy là những chỗ kín của con là không được cho ai đụng đến.

Chỗ nào là chỗ kín? Khi trẻ 2-3 tuổi bé đã có thể biết được chỗ nào là chỗ kín. Lúc này bé đã phân biệt được các bộ phận cơ thể rồi. Rồi ai là những người bé không cho đụng đến. Nghĩa là bố mẹ phải dạy cho bé về nơi nào và ai.

Cha mẹ phải dạy bé phân biệt giới tính, nói với con là con gái, con không để cho tất cả những người con trai đụng đến con, có thể chỉ để bé biết ai là con trai, con gái.

 

Người Việt mình cứ hay quên chuyện là dạy con gái nhưng không dạy con trai. Những trường hợp như cậu trai 17 tuổi cưỡng hiếp hàng xóm thì có ai dạy cậu đó là hành vi cấm không?

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ
Thậm chí, nếu gia đình có con trai, cha mẹ phải dạy bé kiểu khác, là trách nhiệm của con, con không được làm những điều như thế.

* Nhiều cha mẹ sợ rằng dạy cho con về tình dục sớm là “dạy bậy” cho con?

- Người làm tâm lý như tôi không ủng hộ quan điểm này. Với chúng tôi, ngay từ đầu phải xác định cho con rõ ràng mọi vấn đề, dạy cho con ngay từ đầu. Trước sau gì cũng phải dạy thôi, mà dạy từ đầu còn hơn phải đi giải quyết hậu quả. Cho nên dạy con những việc ấy là điều bắt buộc phải làm.

* Tuy nhiên, sau nhiều vụ án hiếp dâm, có nhiều em thú nhận là mặc dù biết bị cưỡng hiếp nhưng không nói vì sợ mẹ đánh?

- Nếu một ông bố, bà mẹ có thể nói chuyện với con, dạy con về an toàn tình dục thì sẵn sàng có thái độ hợp tác, sẵn sàng chấp nhận để cùng con, hỗ trợ con giải quyết chuyện đã xảy ra. Những người tỏ ra rất dữ dội với con là vì bản thân họ nghĩ đó là điều cấm kỵ. Chứ khi cha mẹ đã dạy được rồi thì họ cũng sẵn sàng cho con nói. Cha mẹ cần hiểu lỗi đó không thuộc về con.

* Với một số nạn nhân từng bị xâm hại, một số em có nhiều biểu hiện thất thường như đột nhiên khóc, không giao tiếp, ngơ ngẩn... các biểu hiện đó thể hiện điều gì?

- Sau hành vi bị cưỡng hiếp, đứa trẻ rất hoảng sợ. Có những em bày tỏ được, nhưng có em lại kìm nén vì sợ bố mẹ, hoảng sợ vì bị kẻ cưỡng hiếp dọa giết, hoảng sợ vì cảm thấy mình bị người xung quanh nhìn bằng hình ảnh không tốt đẹp nữa. Thường các em khóc lóc. Các em bị một chuyện không thể nói được với ai, thậm chí nếu bị xâm hại xong, người khác biết, các em còn có thể bị đánh giá nữa nên rất sợ hãi. Sợ thì khóc.

* Với một em bé đã bị xâm hại tình dục, cha mẹ hay gia đình có thể làm được gì để các em hồi phục?

- Đây là những sang chấn tâm lý rất lớn, không chỉ mỗi gia đình có thể giúp em hồi phục đâu. Các em cần cả trị liệu tâm lý. Không chỉ đơn giản là các an ủi mà cha mẹ nói với con.

Chuyện cha mẹ vác đơn đi kiện cũng quan trọng, nhưng nếu làm quá ầm ĩ lại càng khiến trẻ tổn thương hơn. Khi nào trong gia đình cũng mang không khí của kiện tụng, mang những câu chuyện lặp đi lặp lại, vết thương càng ngày càng bị khoét sâu hơn trong đứa con. Giải quyết vấn đề tâm lý của em nhỏ bị xâm hại quan trọng hơn việc đi kiện nhưng hầu như các gia đình đều không làm được. Thậm chí, tôi từng biết nhiều em có dấu hiệu bị xâm hại nhưng bố mẹ không dám đưa đến trị liệu tâm lý vì bố mẹ cũng sợ thêm người ngoài biết chuyện và bố mẹ cũng không tin vào các trị liệu tâm lý giúp các em. Bố mẹ cứ đi kiện để hả tức, để trả thù người phạm tội mà quên mất việc đầu tiên phải quan tâm là con mình.

 
Sau khi bị cưỡng hiếp, trẻ bị sang chấn tâm lý rất nặng. Những ứng xử và cách giải quyết của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến trẻ suốt đời

Việc điều trị tâm lý phải hướng đến chuyện giúp các em coi chuyện bị cưỡng hiếp ấy chỉ là một kỷ niệm buồn, chứ không phải là sự kiện làm thay đổi đời em. Kỷ niệm buồn ấy có thể quên đi. Các em có thể lớn lên, lấy chồng lấy vợ bình thường, nhưng nếu cha mẹ làm không khéo thì vết thương ấy bị khoét rộng ra, làm tổn thương các em nhiều hơn. Câu chuyện sẽ được truyền từ nhà này sang nhà khác, từ người này sang người khác, cứ lan rộng ra thì các em khó có khả năng hàn gắn được vết thương.

* Nói về những tin đồn xung quanh, thậm chí nhiều cha mẹ phải đưa con đi nơi khác sống vì không chịu nổi tin đồn. Vậy cha mẹ phải làm sao với những tin đồn đó?

- Đó là nhận thức của người xung quanh. Bất hạnh của người khác là câu chuyện để mọi người đàm tiếu. Cha mẹ không thể đi ra ngoài nói mọi người, chị ơi, anh ơi đừng nói về chuyện đó nữa. Sẽ có các đoàn thể, hội phụ nữ có thể can thiệp khi họp tổ dân phố, có thể nói về việc cần để bảo vệ uy tín cho đứa trẻ. Đó là một chuyện đau lòng, mà đứa trẻ còn cả tương lai trước mặt, các đoàn thể có thể tập cho mọi người thói quen giữ bí mật và giúp đỡ các trường hợp đó.

* Đồng thời, với bà mẹ có con bị cưỡng hiếp, đối đầu với sự thật cũng vô cùng khó khăn. Bản thân người mẹ rất khó để chấp nhận chuyện con mình bị hại, rồi phải đối đầu với dư luận. Làm sao người mẹ có thể chịu đựng được, làm sao có thể cứu được con nếu họ cũng không chịu được dư luận?

- Chuyển nhà đi là giải pháp để tránh tin đồn, mọi người không đồn rộng ra nữa, câu chuyện sẽ nguôi ngoai dần. Chứ sống xung quanh mà mọi người hôm nay hư cấu thêm một chuyện, mai thêm chuyện nữa, làm sao chịu nổi?

Cha mẹ ở nông thôn không được học những lớp về giới tính để bảo vệ an toàn cho con thì làm sao có kỹ năng giúp con bảo vệ và tránh khỏi các tình huống bị cưỡng hiếp?

- Đây không phải vấn đề nông thôn hay thành thị. Ngay cả những cha mẹ ở thành phố, học cao nhưng vẫn né tránh khi trò chuyện về tình dục. Truyền thông phải làm để họ hiểu hơn. Đây không phải là kiến thức, mà thuộc về nhận thức của mỗi người. Kiến thức thì ở đâu mọi người cũng học được, nhưng người ta cần phải nhận thức về sự quan trọng của an toàn tình dục. Đó không chỉ là kiến thức con là con trai thì làm gì, con gái thì làm gì, mà nó còn là sự an toàn.

Xin cảm ơn chị!

Khải Đơn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.