Rủ nhau lập nhóm nhạc

19/07/2014 03:00 GMT+7

Chỉ với chiếc trống cajon, cây đàn guitar, nhiều nhóm nhạc trẻ ra đời và làm say mê nhiều người.

Rủ nhau lập nhóm nhạc
Lập nhóm nhạc acoustic là xu hướng của nhiều bạn trẻ - Ảnh: N.H

Nghề tay trái

“Với chúng mình, ca hát không chỉ là đam mê, niềm vui để tìm đến sau những giờ học căng thẳng, mà đã nghĩ xa hơn đến việc xem đây là nghề để tạo thêm thu nhập, trang trải học hành”, Hoài An, thành viên nhóm Guitar’s cho biết.

Hoài An đang là học sinh (HS) lớp 11, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM. Tình cờ phát hiện những người bạn thân có chung sở thích âm nhạc, người hát hay, người biết gõ trống cajon, người biết chơi đàn, Hoài An đề xuất lập thành nhóm nhạc, mọi người cùng tán thành và nhóm 5 thành viên ra đời từ đó.

Đây cũng là nét chung của nhiều nhóm nhạc trẻ hiện nay. Hầu hết chỉ là những HS, sinh viên. Hoặc đang học cùng lớp, cùng khoa; hoặc là những người bạn thân thiết nhiều năm, kết nối lại để lập nhóm. Họ chẳng những là thành phần không thể thiếu trong các chương trình văn nghệ tại trường, mà còn cùng nhau đi biểu diễn khắp nơi.

“Mới đầu tưởng lập ra để hát hò cho vui. Nhưng dần dần không ngờ chính niềm vui này đã tạo ra việc làm ổn định cho tụi mình. Hằng tuần đều có “sô”, thu nhập kha khá”, Diệp Lâm Anh, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, thành viên nhóm Xì trum chia sẻ.

Chính những lý do này mà Đình Thắng, HS lớp 11 Trường THPT Trần Phú, Q.Bình Tân, thành viên nhóm Victory, và nhiều nhóm nhạc khác không ngần ngại nghĩ đến việc xem ca hát như là một “nghề tay trái” về sau.

Phong cách acoustic lên ngôi

Dòng nhạc đầy cảm xúc, giản dị và mộc mạc với những âm thanh thực đã và đang là xu hướng nghe ưa thích của người trẻ. Nắm bắt thị hiếu nên phần lớn nhóm nhạc do giới HS, sinh viên lập ra hiện nay đều tạo dựng theo phong cách này. Minh chứng rõ nét nhất là suốt thời gian qua, nhiều cuộc thi hướng đến thể loại acoustic như: Acoustic Band Contest, Acoustic Passio... tổ chức đã thu hút vài trăm nhóm nhạc acoustic của giới trẻ tham gia.

Với những giọng hát nghiệp dư, làm sao có thể cạnh tranh với các ca sĩ chuyên nghiệp ngày càng đông? Cũng như acoustic liệu có thành công so với các thể loại nhạc khác? Hoài An cho biết hiện nay những không gian như phòng trà, quán cà phê chú trọng việc tổ chức những buổi biểu diễn, đêm ca nhạc để thu hút khách hàng, thậm chí định hình sẵn quán cà phê theo phong cách acoustic nên những nhóm nhạc acoustic nghiệp dư “ngày càng có đất sống”.

Cũng theo Hoài An, vì chỉ sử dụng những dụng cụ đơn giản nên acoustic không kén người nghe, ngược lại ngày càng được nhiều người đón nhận và yêu mến vì những bản nhạc luôn được làm mới, tạo nên âm thanh trong trẻo và nhẹ nhàng nhưng không kém phần sôi động.

Còn Bi Cajon, thành viên nhóm Fiting cho rằng sở dĩ acoustic luôn có chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu nhạc vì khi nghe acoustic, cả người chơi lẫn người nghe đều cảm thấy năng động hơn, sáng tạo hơn là cứ hát và nghe trên nhạc nền có sẵn. Và thường thì một bản acoustic dễ lấy tâm trạng và mê hoặc người nghe hơn là một bản phối bình thường khác.

Vì ngày càng có nhiều nhóm nhạc acoustic được lập ra, thế nên để cạnh tranh, ngoài việc cố gắng tập luyện, tạo ra những ca khúc chất lượng thì các nhóm còn sáng tạo, tạo cho mình màu sắc và phong cách riêng để không lẫn vào đâu được. Nếu như nhóm Guitar’s thường mê hoặc người nghe bởi ngón nghề gảy đàn của mình, thì các thành viên của Xì trum để lại ấn tượng với những bản mashup (hát những bài hát không liên quan thành một bài hoàn chỉnh - NV) “cực chất”.

Bình luận

 Trần Phương
“Khó khăn ban đầu của các nhóm nhạc thường là khó đoán ý của khán giả, không biết làm thế nào để có thể làm vừa lòng họ. Vì thế để có được thành công nên lựa chọn lối đi và cách thể hiện phù hợp với cá tính của mình và từ đó phát triển một cách riêng biệt mà có thể khiến khán giả quý mến”.

Trần Phương
(nhóm F band)

Hoàng Tiễn  
“Tìm đến âm nhạc để thỏa mãn đam mê âm nhạc, tạo nhóm nhạc và kiếm tiền từ đó chính là một định hướng tốt, một cách làm hay của giới trẻ hiện nay”.

Hoàng Tiễn
(sinh viên Trường ĐH Văn Lang)

Xuân Trần  
“Âm thanh mộc, giọng hát mộc cùng không gian giản dị đó là điều làm nên chất riêng của dòng nhạc này. Dù người thể hiện chuyên hay không chuyên thì một bản acoustic ấn tượng cũng đủ sức thu hút người nghe. Lắng nghe acoustic là cách mà ta cảm thụ âm nhạc sâu nhất”.

Xuân Trần
(nhóm Mario)

Nhật Hạ - Trâm Anh

>> Hát nhạc trẻ với ba phong cách
>> Thêm một chương trình nhạc trẻ
>> Tin nhạc trẻ thế giới
>> Nhạc trẻ Việt Nam: Đâu là "sao" thật?
>> Tin nhạc trẻ thế giới 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.