Hoàng thành Thăng Long ngập nước

19/07/2014 09:00 GMT+7

Những hố khảo cổ khu C, D của Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) ngập đầy nước . Một số vị trí cỏ mọc cao. Di sản thế giới này đang đứng trước nguy cơ cảnh báo, thậm chí bị tước danh hiệu.

Những hố khảo cổ khu C, D của Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) ngập đầy nước. Một số vị trí cỏ mọc cao. Di sản thế giới này đang đứng trước nguy cơ cảnh báo, thậm chí bị tước danh hiệu.

 Hoàng thành Thăng Long ngập nước
Hiện trạng lộn xộn, lầy lội ở khu C, D Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: CTV cung cấp

Di sản văn hóa thế giới “kêu cứu”

Trước ngày khu C, D của Hoàng thành Thăng Long được bàn giao cho Hà Nội, trời mưa một trận rất lớn. Tuy nhiên, vào buổi bàn giao hôm sau, những hố khai quật khảo cổ tại các khu này không hề có nước ngập, cũng không có rác lá cành cây gãy ngổn ngang. Phía Viện Hàn lâm khoa học xã hội đã dùng máy bơm bơm nước cũng như dọn vệ sinh liên tục để các hố khai quật này không bị ngập, di tích không bị ảnh hưởng. “Lần nào mưa cũng thế, phải bơm nước liên tục để bảo vệ di sản”, một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu kinh thành thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội cho biết.

Từ đó đến nay đã 90 ngày. Giờ đây, phần diện tích đã được công nhận là di sản thế giới - các hố khai quật khảo cổ khu vực C, D - không còn được giữ gìn với cách như vậy nữa. Nhìn từ trên xuống, có những khu vực như một hồ nước nhỏ. Cỏ mọc cao cả gang tay. Xung quanh còn có cả vật liệu xây dựng, lán trại của công nhân, nhà vệ sinh công cộng. Đây là nhóm công nhân xây dựng nhà Quốc hội mới. Hiện khu vực C, D này đang do Bộ Xây dựng tạm thời quản lý. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là chủ nhân đích thực, chịu trách nhiệm về khu di sản Hoàng thành Thăng Long, trong đó có hai khu này.

Theo nghiên cứu của PGS-TS Tống Trung Tín và cộng sự, cả hai khu vực này cho thấy một số loại mặt bằng kiến trúc từ thời Lý đã được ghi trong Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư. Chẳng hạn, tại khu C có một đơn nguyên mặt bằng kiểu “bát giác”. Ở khu D, các kiến trúc có mặt bằng theo hướng đông - tây, kiến trúc lục giác đều chạy theo hướng bắc - nam. Cộng với những nghiên cứu khác, các nhà khoa học cho rằng: “Quần thể các kiến trúc thời Lý được xây dựng trên một quy hoạch hết sức thống nhất”. Cũng vì sự thống nhất, sự liên tục kéo dài  này mà Hoàng thành Thăng Long có giá trị toàn cầu.

“Sau khi khai quật, di sản đã được bảo quản, nghiên cứu chống rêu mốc, thường xuyên chống ngập tại chỗ. Bản thân hồ sơ di sản gửi lên UNESCO của Hoàng thành Thăng Long cũng có cam kết bảo vệ, bảo tồn. Cách thức người ta để khu C, D ngập nước, xâm hại tầng văn hóa, lộn xộn thế này thật đáng lo. Theo khảo sát bước đầu, nguyên nhân là do cấp trên yêu cầu UBND TP.Hà Nội phải bàn giao khu C, D cho ban quản lý dự án mà không bắt buộc phải chịu sự giám sát của cơ quan bảo tồn dẫn đến việc các cơ quan xây dựng tự do xây dựng bừa bãi, vi phạm các quy định nhà nước về bảo tồn”, một nhà nghiên cứu giấu tên cho biết.

 Hoàng thành Thăng Long ngập nước 2

Nguy cơ vào sổ đen, bị tước danh hiệu

VN có nhiều di sản thế giới. Nhưng cũng chính chúng ta đã từng bị “tuýt còi” nhiều lần vì việc bảo vệ các di sản này. Hồi tháng 5 mới đây, thông tin trong Hội nghị về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại VN cho thấy vịnh Hạ Long đã bị UNESCO khuyến nghị về bảo tồn. Theo đó, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đề nghị Hạ Long phải thiết lập được một hệ thống quản lý toàn diện. Không chỉ vịnh Hạ Long, Huế cũng đã từng có mặt trong “danh sách đen” này.

Theo một chuyên gia di sản, với hiện trạng bảo tồn như hiện nay, khu C, D Hoàng thành Thăng Long có lẽ cũng đang đứng trước nguy cơ bị “tuýt còi” như vậy. Theo cấp độ, di sản này có thể bị đưa ra khuyến nghị bảo tồn, có thể bị đưa vào danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp. Việc vào danh sách bảo vệ khẩn cấp này sẽ giúp Hoàng thành Thăng Long có thêm kinh phí hỗ trợ bảo tồn. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy khả năng bảo tồn di sản của chúng ta. Xa hơn, nếu khả năng đó quá bất cập, hoàn toàn có khả năng Hoàng thành Thăng Long bị tước danh hiệu di sản.

Hiện chưa rõ Hà Nội sẽ có biện pháp khẩn cấp gì để rà soát hiện trạng tại khu vực này. Bởi không chỉ chuyện ngập nước, rêu mốc, có thông tin còn cho rằng một diện tích nhỏ của khu C, D đang bị lấn sang. Có lẽ, Hà Nội nên khẩn trương rà soát để xác nhận có hay không tình trạng lấn chiếm này.

Cũng chưa rõ, mô hình quản lý tiếp theo của Hà Nội với di sản này sẽ đi theo hướng nào. Với “siêu diện tích” lên tới 19.000 m2, vô số dấu vết kiến trúc, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long luôn là một thách thức quản lý.

Trinh Nguyễn 

>> Bàn giao khu cuối cùng của Hoàng thành Thăng Long cho Hà Nội
>> Hoàng thành Thăng Long ngày càng kỳ vĩ
>> Đẩy nhanh tiến độ xây Công viên Hoàng thành Thăng Long
>> Hai khu khai quật trong Hoàng thành Thăng Long đang xuống cấp

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.