Ông giáo và trang sử Hoàng Sa

17/07/2014 03:15 GMT+7

Thầy giáo Trần Văn Vàng ở Trường THCS Đức Chánh, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn chương trình để dạy cho các thế hệ học trò về quần đảo Hoàng Sa…

Thầy giáo Vàng và học sinh trong giờ học về biển đảo- Ảnh: Phạm Anh
Thầy giáo Vàng và học sinh trong giờ học về biển đảo- Ảnh: Phạm Anh 

Bỏ tiền túi sưu tập tài liệu

Phòng GD-ĐT H.Mộ Đức giao cho thầy Vàng và tổ chuyên môn của trường tổ chức biên soạn chương trình 7 tiết môn lịch sử địa phương từ lớp 6 đến lớp 9.

Thầy Vàng quyết định bỏ tiền túi rồi khăn gói ra đảo Lý Sơn để tìm tư liệu về những binh phu đầu tiên ra đặt bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Đến đảo, ông giáo nhờ đồng nghiệp đưa đi, lần mò từ những tư liệu cổ nhất, gặp những tộc họ tiền hiền trên đất đảo để sưu tầm tài liệu, rồi về so sánh với tài liệu mình có được.

Từ đảo Lý Sơn trở về, thầy Vàng tiếp tục ra TP.Đà Nẵng, đến Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, hỏi học trò cũ để mượn sách, tài liệu về Hoàng Sa. Điều mà người ta không thể không kính phục ở thầy giáo Vàng ở chỗ: tìm hiểu sâu và nhiều nhằm mục đích trích dẫn cho chuẩn xác.

“Tui thường photocopy cả bản chữ Hán và bản dịch dán lên để trực quan hơn và mức độ tin cậy cao hơn”, thầy Vàng nói.

Một mình biên soạn

Khi sưu tầm đủ tài liệu, thầy giáo Vàng bắt đầu biên soạn. Tìm tài liệu khó, đến khi viết còn khó hơn. Chắt lọc từ đống tài liệu trong tay, thầy vàng muốn phải viết làm sao cho chuẩn kiến thức, phù hợp với địa phương và dễ hiểu để dạy cho học sinh. Đó là chuyện không phải đơn giản.

Thầy giáo Vàng kể, chương trình lịch sử địa phương không phải một mình ông “gánh” hết mà giao cho các anh em đồng nghiệp trong tổ biên soạn các bài khác. Vậy mà đến khi hỏi thì đồng nghiệp lắc đầu, không có sản phẩm. Thế là một thân ông giáo phải đảm đương tất cả. “Biên soạn bài cho 4 khối lớp mất nguyên một năm thì bài Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa tui phải mất hết nửa năm. Bởi viết xong, phải đọc lại tài liệu rồi điều chỉnh, sau đó thêm vào tài liệu mới cập nhật...”, thầy Vàng nhớ lại.

Khi viết xong, gửi lên các cơ quan thẩm định trước khi tập huấn và đưa vào giảng dạy. Khâu này, thầy giáo Vàng bảo cũng không hề “dễ thở”, thậm chí còn phải đưa ý kiến riêng bảo vệ cho những gì mình biên soạn ra.

Khi được thẩm định xong, giáo trình biên soạn lịch sử của thầy giáo Vàng được đem ra tập huấn cho các giáo viên, sau đó dạy đại trà ở huyện Mộ Đức. Điều thầy giáo Vàng mừng là không chỉ học sinh bây giờ biết về lịch sử Hoàng Sa mà cả phụ huynh cũng nắm bắt. Nghĩa là, công tác tuyên truyền này hiệu quả gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Thời gian sau này, ngoài thời gian dạy học, thầy Vàng còn tiếp tục sưu tầm thêm tài liệu để bổ sung vào bài dạy về Hoàng Sa.

Phạm Anh

>> Tường thuật từ Hoàng Sa: Đi về phía mặt trời
>> Những hình ảnh 'độc' tại triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa
>> Trưng bày nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa
>> Bão Rammasun giật cấp 16 hướng vào vùng biển Hoàng Sa
>> Ý nghĩa quốc phòng của Hoàng Sa, Trường Sa vào đề thi địa cao đẳng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.