Vỡ đường ống nước sông Đà, vỡ lòng kiên nhẫn

15/07/2014 10:30 GMT+7

Không gì khổ bằng mất nước vào ngày hè. Nhưng gần 1 triệu người dân các vùng phía tây thủ đô Hà Nội đã 9 lần mất nước - tương ứng với 9 lần vỡ đường ống cấp nước do Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư.

Thậm chí, trong tuần trước, chỉ trong 3 ngày, đường ống bị vỡ 2 lần. Những hình ảnh các hộ dân phải đi xin, mua từng xô nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã cho thấy, hậu quả của cách làm ăn tắc trách đến đời sống dân sinh tệ hại đến mức nào.

Vỡ đường ống nước sông Đà, vỡ lòng kiên nhẫn
Mất nước nên người dân phải dùng mọi cách để tiết kiệm nước - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Sau những giải thích không xuôi ban đầu: đổ lỗi cho khách quan (nền đất yếu, điều kiện thi công khó khăn), đến nay, nguyên nhân 9 lần vỡ đường ống cấp nước đã được Bộ Xây dựng kết luận khá rõ ràng: chất lượng ống không đồng đều, nhà cung cấp ống composite (Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex) chưa chứng minh được việc đảm bảo kỹ thuật trong sản xuất ống, cũng như độ bền trong thời gian khai thác sử dụng...

Theo lời ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, đường ống nước sông Đà không đảm bảo một số chỉ tiêu cơ lý, không có cuộc thí nghiệm nào chứng minh độ bền của đường ống… Thậm chí, khi kiểm tra, người ta còn phát hiện xung quanh đường ống còn có những tảng đá, bê tông chèn lấp. Một số đoạn có hầm chui dân sinh, qua kiểm tra còn không có tấm đan bảo vệ dàn tải phía trên mặt ống. Ông Hải cũng khẳng định, ngay cả bên giám sát thi công đã không giám sát chặt chẽ, thậm chí thiếu trách nhiệm nên để xảy ra tình trạng này.

Nhưng điều dẫn đến đường ống chất lượng kém đó lại xuất phát từ việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị giám sát. Theo một thành viên hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, trong việc thi công công trình này, chủ đầu tư đã lựa chọn một tổng thầu thiết kế kém năng lực, một đơn vị giám sát thiếu năng lực để thực hiện dự án. Còn việc nhà thầu có "bắt tay" với giám sát để lắp đặt thiết bị tùy tiện, không đúng tiêu chuẩn... hay không, vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Một công trình lớn, có quy mô vốn đầu tư không hề nhỏ: 1.500 tỉ đồng, lại liên quan đến một nhu cầu thiết yếu của người dân, được giao cho những đơn vị yếu kém như vậy thi công, giám sát thì còn gì để nói? Ngay cả khi công trình đó, sau lần thứ 9 được sửa chữa xong thì ai còn tin, vẫn với đường ống chất lượng kém đó, với nhà thầu kém cỏi đó, đường ống kia không vỡ lần thứ 10, 11, 12…

Người dân không còn kiên nhẫn được nữa khi chính chủ đầu tư cũng không trả lời được liệu đường ống còn bao nhiêu lần vỡ. Ngay cả các cơ quan quản lý ở Trung ương và Hà Nội cũng đã hết kiên nhẫn với Vinaconex. Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã tuyên bố sẽ đứng ra thực hiện đầu tư, xây dựng tuyến ống khác thay thế đường ống tệ hại này.

Nhưng cho dù UBND thành phố Hà Nội có làm được điều này thì trách nhiệm trước những thiệt hại lớn do chủ đầu tư gây ra cho hàng chục ngàn hộ dân và gây lãng phí vốn đầu tư thì ai gánh? Chính quyền thành phố Hà Nội cần làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát…

Theo lộ trình tăng giá nước sạch mà UBND thành phố Hà Nội đã thông qua, từ 2013 - 2015, giá nước sạch sẽ tăng 20% mỗi năm. Giá nước cứ tăng, trong đó bao gồm cả những chi phí như lượng nước thất thoát do lỗi chủ đầu tư… trong khi hàng vạn người dân phải liên tục chịu cảnh mất nước như vậy, thật là điều rất khó chấp nhận. Những câu chuyện chưa hứa hẹn một cách giải quyết rõ ràng: làm đường ống tốt hơn, thanh tra, điều tra lý do xảy ra sự cố, xử lý người làm sai… sẽ là nguyên nhân gây nên những bức xúc, bất ổn xã hội mà các cấp chính quyền không nên xem nhẹ.

Hà Anh (*)

(*) Một người dân sống tại đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.