Những vấn đề nan giải của Hollywood

13/07/2014 09:26 GMT+7

(TNO) Đằng sau ánh hào quang rạng rỡ của mình, “kinh đô điện ảnh” Hollywood vẫn luôn tồn tại nhiều vấn đề khiến giới phê bình lẫn khán giả lắc đầu ngán ngẩm.

(TNO) Đằng sau ánh hào quang rạng rỡ của mình, “kinh đô điện ảnh” Hollywood vẫn luôn tồn tại nhiều vấn đề khiến giới phê bình lẫn khán giả lắc đầu ngán ngẩm.

The Lone Ranger của Johny Depp bị chê là quá bạo lực
The Lone Ranger của Johny Depp bị chê là quá bạo lực

Bạo lực lên ngôi

Hiện nay, nhiều phim Hollywood, nhất là phim bom tấn, đều đẫm máu me, bạo lực. The Lone Ranger là một ví dụ. Được xếp loại dành cho gia đình, tức cho mọi lứa tuổi, nhưng siêu phẩm này đầy cảnh tàn sát và kinh dị (như một người đàn ông ăn trái tim của người khác hay một khối gỗ khổng lồ nghiền nát đầu hai nhân vật!). Những cảnh rùng rợn như vậy cũng có thể bắt gặp ở Man of steel hay World war Z.

Không những để khán giả nhỏ tuổi xem cảnh bạo lực, nhiều phim đình đám của Hollywood như Hunger Games, Walking dead, Games of Thrones… còn thản nhiên thể hiện hình ảnh trẻ em dính líu bạo lực. Tờ New York Daily News cho rằng đây là tình trạng đáng báo động. Trong khi đó, tạp chí danh tiếng Vulture khẳng định bạo lực thái quá là “một sai lầm của Hollywood”, bởi nó vừa nguy hiểm cho khán giả vừa góp phần giết chết tác phẩm.

Tham kỹ xảo và quá lê thê

Transformers 5
Kỹ xảo điện ảnh đôi khi là con dao hai lưỡi

Kỹ xảo điện ảnh là một chiêu thức tuyệt vời để lấy lòng người hâm mộ. Tuy nhiên, việc lạm dụng nó đôi khi lại phản tác dụng. Khi xem Man of steel, khán giả nhiều lúc thấy kiệt sức bởi những trường đoạn thành phố bị hủy diệt. Gần đây nhất là GodzillaTransformers 4, khán giả phải chịu những màn tra tấn thị giác, thử thách sự kiên nhẫn vì lòng tham kỹ xảo của các nhà làm phim.

Việc thiếu tiết chế những cảnh cháy nổ tạo cảm giác phô trương, kệch cỡm, dông dài nhưng không góp phần thúc đẩy mạch phim. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phim có thời lượng rất dài. Iron Man 3, Fast and Furious 6, Man of Steel, The Avengers, The Dark Knight Rises, The Hobbit… tất cả đều kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, thậm chí lê thê đến khoảng 3 giờ.

Tạp chí Vulture nhắc lại lời của nhà phê bình phim lừng danh Roger Ebert rằng: “Không có bộ phim hay nào quá dài và không có bộ phim dở nào đủ ngắn”. Qua đó nhắc nhở các nhà làm phim hãy cân nhắc cẩn thận, đừng tiêu phí thời gian của khán giả.

Nỗi khổ nhượng quyền thương mại

Phim nhượng quyền thương mại khiến hãng phim chịu sức ép không nhỏ. Trong ảnh là những nhà làm phim Star Wars, một bộ phim nhượng quyền thương mại đình đám
Phim nhượng quyền thương mại khiến hãng phim chịu sức ép không nhỏ. Trong ảnh là những nhà làm phim Star Wars, một bộ phim nhượng quyền thương mại đình đám

Hollywood đang trong thời đại làm phim nhượng quyền thương mại, bởi các hãng phim cần những câu chuyện quen thuộc đủ để thu hút khán giả khắp thế giới. Mỗi hãng phim Hollywood đều đã thiết lập cho mình các thương hiệu quen thuộc: Disney có Star Wars, Paramount có Star Trek, hãng Fox có Ice AgeX-Men, Warner Bros có Batman, Superman, Chúa tể của những chiếc nhẫnHarry Potter, Universal có Fast and Furious trong khi Sony có Spider-Man

Việc làm phim nhượng quyền thương mại kéo theo một vấn đề, đó là bằng mọi giá phim phải đạt doanh thu kỷ lục. Nếu lợi nhuận không đủ lớn, hãng phim không thể làm phần tiếp theo và mọi quyền lợi trong việc kinh doanh liên quan đến bộ phim kể như mất trắng.

Sức ép phải “đốt cháy phòng vé” khiến các hãng phim không thể không lợi dụng kỹ xảo, bạo lực hóa phim ảnh, hoặc những màn khoe thân nóng bỏng của diễn viên để “câu” khán giả.

Bất bình đẳng giới

Angelina Jolie là sao nữ duy nhất trong top 10 sao có thu nhập cao nhất năm 2013 theo Học viện Điện ảnh New York
Angelina Jolie là sao nữ duy nhất trong top 10 sao có thu nhập cao nhất năm 2013 theo Học viện Điện ảnh New York

Bên cạnh những vấn đề trong cách làm phim, Hollywood còn bị chỉ trích vì sự bất bình đẳng giới. Đây là vấn đề tồn tại dai dẳng trong suốt chiều dài lịch sử “kinh đô điện ảnh”. Tại Liên hoan phim Cannes 2014, nữ đạo diễn Jane Campion từng phát biểu: “Ngành công nghiệp điện ảnh giống như một miếng bánh mà phần lớn do nam giới ăn cả”. Điều này là hoàn toàn chính xác ở Hollywood.

Theo nghiên cứu của Học viện Điện ảnh New York (NYFA), nữ diễn viên ở Hollywood thường được trả lương thấp hơn, ít đất diễn hơn và còn phải đóng cảnh khỏa thân nhiều hơn hẳn nam diễn viên.

Đằng sau màn ảnh, nữ giới cũng có rất ít cơ hội “dụng võ”. Số liệu thống kê trên 250 phim (năm 2012) của NYFA cho thấy, tỷ lệ phụ nữ làm nhà sản xuất là 25%, biên tập là 20%, biên kịch là 15% và đạo diễn chỉ chiếm 9%.

NYFA cũng chỉ ra trong lịch sử hơn 80 năm của giải Oscar, chỉ có 4 người phụ nữ từng được đề cử hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất là Lina Wertmuller, Jane Campion, Sofia Coppola và Kathryn Bigelow. Bigelow cũng là người duy nhất đoạt giải. NYFA còn nhấn mạnh 77% giám khảo bỏ phiếu bình chọn cho giải Oscar là nam giới.

Trên đây là vài vấn đề khiến Hollywood “mất điểm” trong lòng giới mộ điệu điện ảnh. Ngoài ra, việc đổi tình lấy vai diễn, quảng cáo là phim “bom tấn” nhưng thực tế chỉ là “bom xịt”… cũng không phải là chuyện hiếm ở “kinh đô điện ảnh”.

Thùy Dung
Ảnh: AFP, Reuters

>> Những tài tử hot nhất Hollywood kể chuyện làm cha
>> Mổ xẻ' bí quyết làm phim bom tấn của Hollywood
>> 4 nhân vật Hollywood phủ nhận cáo buộc lạm dụng tình dục
>> Phim 'khủng' Hollywood đổ bộ hè 2014
>> Những nhân vật khuấy động màn ảnh Hollywood hè 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.